TCCSĐT - Quý III-2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,8%, cao hơn mức 6,4% của quý II-2015. Thị trường lao động đã có những dấu hiệu khả quan: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao 76,4%; số người có việc làm đạt 53,17 triệu người, tăng 638 nghìn người so với quý II-2015;…

Đây là một số thông tin trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 07, quý III-2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố mới đây.

Lao động tăng nhiều nhất trong ngành “công nghiệp chế biến, chế tạo”

Quý III-2015, cả nước có 53,17 triệu người có việc làm, tăng 637,56 nghìn người so với quý II-2015; trong đó khu vực thành thị có 16,22 triệu người (chiếm 30,5%), tăng 493,70 nghìn người; khu vực nông thôn có 36,95 triệu người (chiếm 69,5%), tăng 133,86 nghìn người; việc làm của nữ là 25,73 triệu người (chiếm 48,4%), tăng 210,33 nghìn người; việc làm của nam là 27,44 triệu người (chiếm 51,6%), tăng 427,23 nghìn người so với quý II-2015.

So với quý II-2015, các ngành có số lao động tăng nhiều nhất là “công nghiệp chế biến, chế tạo” (tăng 881 nghìn người); tiếp theo là “xây dựng” (tăng 408 nghìn người); “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (tăng 50 nghìn người); “sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” (tăng 42 nghìn người); “khai khoáng” (tăng 38 nghìn người). 

Các ngành giảm lao động nhiều nhất là “nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” (giảm 861 nghìn người), “nghệ thuật, vui chơi giải trí” (giảm 20 nghìn người), hoạt động kinh doanh bất động sản (giảm 17 nghìn người).

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 4,3%

Trong quý III-20115, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,61 triệu đồng; của lao động nam là 4,83 triệu đồng; lao động nữ là 4,30 triệu đồng (bằng 89% của lao động nam). Thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị là 5,38 triệu đồng; của lao động nông thôn là 4,0 triệu đồng (bằng 74,3% của lao động thành thị).

So với quý II-2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng bình quân 147 nghìn đồng (4,3%), với mức tăng cao hơn ở các nhóm lao động có mức tiền lương thấp. Theo nhóm nghề, lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp tăng cao nhất (tăng 186 nghìn đồng); thấp nhất là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 79 nghìn đồng). Theo hình thức sở hữu, lao động cá thể có mức tăng cao nhất (tăng 190 nghìn đồng), tiếp đó là lao động trong khu vực tập thể (tăng 145 nghìn đồng); thấp nhất là lao động trong doanh nghiệp nhà nước (tăng 9 nghìn đồng). Lao động nông thôn có mức tăng cao hơn lao động thành thị (tương ứng 165 nghìn người và 122 nghìn đồng), lao động nữ có mức tăng cao hơn lao động nam (tương ứng 164 nghìn đồng và 136 nghìn đồng).

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên 

Cả nước có 1.128,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 15,9 nghìn người so với quý II-2015. Nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (trong đó 117,3 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 225,5 nghìn người có trình độ đại học trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này thậm chí có xu hướng tăng, cụ thể: nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đăng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,60% lên 4,88%. Điều này cho thấy giữa cung và cầu của nhóm này tiếp tục bất cập. 

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15 - 24 tuổi) tiếp tục tăng, lên đến 7,30% (so với 6,68% quý II-2015), cao gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung; đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng từ 11,84% quý II lên 12,12% trong quý III. Tỷ lệ này cho thấy cần tiếp tục tập trung hỗ trợ việc chuyển tiếp cho thanh niên từ nhà trường đến thị trường lao động.

Với tính hình tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm 2015, dự kiến tốc độ tăng GDP quý IV-2015 sẽ đạt 6,9% và cả năm sẽ đạt trên 6,5%. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện, đang và sẽ tác động tích cực tới thị trường lao động./.