Sáng 15-12, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, chương trình 135, giai đoạn 2011-2015; đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 1988/QĐ-UBND, và thực hiện Nghị quyết số 07 – NQ/TU, của BTV Tỉnh ủy (2013-2015) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".

Theo báo cáo do đồng chí Lãnh Thế Vinh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trình bày, những năm qua, Quảng Ninh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi; hỗ trợ cho 22 xã đặc biệt khó khăn, 3 xã biên giới khó khăn xây dựng và hoàn thiện công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống văn hóa xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Qua đó, 100% số xã đặc biệt khó khăn có đường giao thông cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số xã có đủ 3 cấp trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí cũ; 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 86% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 84% số xã có chợ trung tâm cụm xã…

Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; 100% số xã duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế… Kết quả xây dựng nông thôn mới các xã đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển dịch tích cực, dự kiến hết năm 2015 có 11/54 xã khó khăn cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Qua quá trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, từ 39,9% (năm 2011) xuống còn 15,06% (năm 2014), tương đương với gần 3.500 hộ thoát nghèo. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 1/25 xã và 18/124 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành chương trình 135. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận về kết quả thực hiện chính sách dân tộc; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc tại một số địa phương trong quá trình thực hiện công tác dân tộc và giảm nghèo…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc vùng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; tình hình an ninh trật tự, an ninh quốc phòng được giữ vững...

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác dân tộc vẫn gặp không ít khó khăn như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, dân trí tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chất lượng giáo dục còn hạn chế, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, công tác cử tuyển còn nhiều bất cập, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân gây khó khăn cho việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhân rộng mô hình kinh tế còn khó khăn...

Để khắc phục những tồn tại trên, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu trong thời gian tới các sở, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các địa phương tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện tốt các kết luận của Tỉnh ủy, quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân tộc. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc; tăng cường công tác tham mưu thực hiện chính sách dân tộc; bố trí nguồn lực triển khai đầy đủ các chính sách đã ban hành, tránh tư tưởng ỷ lại của cán bộ, nhân dân; thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người dân vùng dân tộc miền núi; tăng cường lồng ghép nguồn lực đầu tư cho các xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn...

Đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cân đối đảm bảo nguồn lực cho các xã vùng đặc biệt khó khăn, để địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống văn hóa xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cùng với đó, tập trung thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân tộc; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá, phát hiện những bất cập để kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, giải pháp làm tốt công tác dân tộc. Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò của đơn vị mình, nhất là các cấp cơ sở; phát động các phong trào thi đua nhằm góp phần chuyển biến nhận thức của đồng bào vùng dân tộc để tích cực tham gia phát triển kinh tế, giữ vững phong tục tập và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng./.