Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội
23:17, ngày 09-12-2015
Chiều 09-12, Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết diễn ra trong 2,5 ngày, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận nhiều nội dung liên quan tới thi hành Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội.
Tại phiên họp này, cùng với việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sĩ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an; Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên...
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội để kịp thời triển khai thực hiện Luật tổ chức Quốc hội là cần thiết. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng tham mưu, giúp việc đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay.
Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện nay. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có Danh sách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố kèm theo.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Các ý kiến đánh giá việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời triển khai Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 01-01-2016; đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Các ý kiến tán thành với tên gọi và nội dung dự thảo Nghị quyết, cụ thể hóa Điều 43 của Luật tổ chức Quốc hội, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đánh giá chức năng tham mưu của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cần thiết, quan trọng, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung này cần được quy định trong Nghị quyết để Văn phòng có trách nhiệm cao, chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất giúp đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phải nghiên cứu để tổ chức thật gọn và hợp lý.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước thống nhất việc tổ chức biên chế phải gọn nhưng cần căn cứ từ nội dung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương để cân nhắc số lượng biên chế trên cơ sở nội dung công việc của từng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc thực hiện quy định mỗi đoàn đại biểu Quốc hội có một văn phòng sẽ không làm tăng biên chế, vì hiện nay hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội đều đã có văn phòng.
Về cơ chế chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm chánh, phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội như hiện nay, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra nhiều điểm bất cập, trong đó có việc bộ máy văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ “hơi khó tham mưu” việc giám sát tại địa phương, dẫn tới hoạt động giám sát sẽ bất cập, gặp khó khăn.
Mô hình Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của các nghị viện/quốc hội trên thế giới. Lâu nay, chức danh lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là không hợp lý. Sự không hợp lý ấy được lý giải, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là phục vụ đại biểu Quốc hội, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội; lương của bộ máy văn phòng này là do Văn phòng Quốc hội cấp. Do vậy, chánh và phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phải do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ mỗi địa phương sẽ có một Đoàn đại biểu Quốc hội, có một Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, một chánh văn phòng và một phó chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh hóa là bốn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng đại biểu Quốc hội đông, có hai đại biểu Quốc hội chuyên trách nên bố trí hai phó văn phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không tổ chức cấp phòng ở Văn phòng Đoàn đại biểu mà tổ chức theo các nhóm chuyên viên để phục vụ các mảng công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội do ông chánh văn phòng điều hành. Số lượng biên chế: Đoàn đại biểu Quốc hội có dưới 10 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá tám người; Đoàn đại biểu Quốc hội có từ 10 đến dưới 20 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá 10 người; Đoàn đại biểu Quốc hội có từ 20 đại biểu trở lên, biên chế Văn phòng không quá 12 người. Các ý kiến cũng thống nhất kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được bố trí trong kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội cấp.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sỹ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an.
Ngày mai 10-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc./.
Bộ Chính trị ra chỉ thị về xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng  (09/12/2015)
"Thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua"  (09/12/2015)
Míttinh hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ  (09/12/2015)
Việt Nam tham gia, thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người  (09/12/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Belarus  (09/12/2015)
Tuyên bố chung phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Belarus  (09/12/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên