Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Belarus
Chiều 09-12, lễ đón Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành cho nguyên thủ, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ ngành.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Lukashenko duyệt đội Danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam |
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Alexander Lukashenko sau khi tái đắc cử Tổng thống, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 8 đến 9-12.
Cộng hòa Belarus là quốc gia nằm ở phần Đông châu Âu, tiếp giáp các nước Nga, Ukraine, Ba Lan, Latvia và Litva, có vị trí chính trị quan trọng, án ngữ tuyến đường chính nối Nga với Tây Âu. Cuối thế kỷ thứ IX-X, các bộ tộc Slav sống trên lãnh thổ Belarus ngày nay gia nhập nhà nước Nga Kiev cổ. Từ thế kỷ XIII-XVI hình thành dân tộc Belarus.
Cuối thế kỷ XVIII, Belarus được giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến Ba Lan. Năm 1795, Belarus (còn gọi là Bạch Nga) sáp nhập vào Nga. Tháng 12-1917, chính quyền Xô viết được thành lập ở Belarus. Tháng 01-1919, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Belarus được thành lập và gia nhập Liên bang Xô viết ngày 30-12-1922. Ngày 27-7-1991, Belarus tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết và đổi tên thành Cộng hòa Belarus, gồm 6 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Belarus lấy ngày giải phóng đất nước khỏi ách phátxít Đức (ngày 03-7) làm Ngày Độc lập.
Với diện tích 207.600km2, Belarus là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng khá lớn, đứng thứ ba trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra độc lập năm 1991, Belarus được thừa hưởng một số cơ sở kinh tế, quân sự và khoa học tương đối tốt của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su…
Sau khi tuyên bố độc lập năm 1991, Belarus chủ trương cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt có từ thời Liên Xô (trước đây), quan hệ giữa Việt Nam và Belarus đang phát triển ngày càng tốt đẹp.
Hai bên đều mong muốn thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam và Belarus đã ký nhiều hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại.
Belarus coi trọng quan hệ và vị thế của Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác tin cậy của Belarus trên trường quốc tế. Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở Belarus khoảng 1.500 người, được chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, kinh doanh và cư trú ổn định, lâu dài theo pháp luật Belarus.
Kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 đạt khoảng 107,15 triệu USD, trong đó xuất khẩu 13,98 triệu USD, nhập khẩu 93,17 triệu USD; 8 tháng đầu năm nay đạt 95,8 triệu USD. Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Lukashenko đã hội đàm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước |
Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề quan hệ song phương, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Tổng thống A.Lukashenko bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu to lớn của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, khẳng định coi Việt Nam là bạn bè thân thiết, đối tác chiến lược và là một trong những ưu tiên đối ngoại quan trọng của Belarus ở khu vực châu Á, vì vậy đã quyết định thăm Việt Nam là nước đầu tiên sau khi được bầu lại làm Tổng thống.
Tổng thống Lukashenko chúc Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả tích cực mà Belarus đã đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước thời gian qua, chúc mừng ông Lukashenko được bầu lại làm Tổng thống Cộng hòa Belarus và bày tỏ tin tưởng nhân dân Belarus dưới sự lãnh đạo của Tổng thống sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Belarus trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Lukashenko bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Belarus trên các lĩnh vực; khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển toàn diện, thực chất quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đáp ứng lợi ích của cả hai bên, phấn đấu để sớm đưa quan hệ hai nước lên cấp độ phát triển mới cao hơn.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao nhằm tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư; tăng cường phối hợp hành động tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước, cùng nhau phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Lukashenko đã thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp nhằm đưa hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mức độ quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên nhất trí nâng cấp và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ; tích cực hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại-đầu tư giữa hai nước, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp mà hai nước có tiềm năng lớn.
Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp là thế mạnh của Belarus như công nghiệp hóa chất, cơ khí, lắp ráp ôtô, trong đó có hợp tác lắp ráp xe MAZ, cung cấp máy kéo cho thị trường Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, xem xét thành lập liên doanh chế biến càphê, sữa, các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo chuyên gia về nông nghiệp.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết tháng Năm vừa qua, nhất trí cùng tăng cường phổ biến, giới thiệu về Hiệp định cho doanh nghiệp hai nước, phối hợp bảo đảm triển khai hiệu quả Hiệp định sau khi có hiệu lực nhằm tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động..., tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác hiệu quả giữa các địa phương hai nước.
Trên tinh thần đó, Tổng thống Belarus đánh giá cao việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân Belarus từ ngày 01-7 vừa qua nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước, thống nhất với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Belarus.
Tổng thống Lukashenko cho biết năm nay sẽ bắt đầu cung cấp các sản phẩm sang Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp như xe Ben, máy kéo - lĩnh vực mà Belarus có kinh nghiệm và uy tín trên thế giới. Belarus cũng sẵn sàng giúp đỡ xây dựng tàu điện ngầm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hợp tác khai thác dầu khí, y dược, công nghệ thông tin; hợp tác quân sự kỹ thuật. Hiện Belarus đã và đang thực hiện các hợp đồng đã ký với Công ty Viettel của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Lãnh đạo, các cấp chính quyền và người dân Belarus đã hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Belarus trong thời gian qua và mong phía Belarus tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam sinh sống, làm việc, kinh doanh ổn định theo luật pháp Belarus và hòa nhập với sở tại, đóng góp vào việc củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Belarus.
Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế, Lãnh đạo hai nước có quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của Liên hợp quốc với tư cách là cơ chế chủ đạo trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển bền vững, ủng hộ việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.
Tổng thống Belarus khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Lãnh đạo hai nước bày tỏ tin tưởng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Belarus sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác Việt Nam-Belarus trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Lukashenko trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Belarus. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Lukashenko đã có cuộc gặp gỡ với báo chí trong nước và quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm diễn ra ngay sau khi ngài tổng thống nhậm chức nhiệm kỳ mới. Chuyến thăm khẳng định chủ trương nhất quán và quyết tâm của Lãnh đạo Việt Nam và Belarus củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Belarus Lukashenko đã ký Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Belarus về củng cố và phát triển toàn diện quan hệ giữa Việt Nam và Belarus.
Hai vị Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn kiện: Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Belarus trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2016-2018; thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục Belarus về việc đào tạo công dân Việt Nam tại các cơ sở đào tạo đại học của Belarus.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Belarus Lukashenko cũng đã chứng kiến lễ ký kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thể thao và Du lịch Belarus giai đoạn 2016-2018; Lộ trình phát triển hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus giai đoạn 2016-2020 và một số thỏa thuận hợp tác khác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước./.
Tuyên bố chung phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Belarus  (09/12/2015)
Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 11 tháng năm 2015  (09/12/2015)
Tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 11 tháng năm 2015  (09/12/2015)
Tổng thống Cộng hòa Belarus bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (09/12/2015)
APEC 23: tăng trưởng bao trùm thông qua cộng đồng tự cường và bền vững  (09/12/2015)
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản  (09/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển