Liên minh châu Âu: Bài toán khủng hoảng di cư
TCCSĐT - Trong nhiều tháng qua, cuộc khủng hoảng di cư ở Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc tìm ra những giải pháp toàn diện nhằm giải quyết vấn nạn này dường như trở nên bế tắc, nhất là khi châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Và giờ đây, cuộc khủng hoảng không còn chỉ là của riêng châu Âu mà là của toàn cầu khi các hội nghị khu vực và quốc tế bàn về vấn đề này vẫn chưa đạt được những kết quả khả quan.
Quan ngại xen lẫn hoài nghi
Nguồn gốc của làn sóng người di cư, tị nạn đến châu Âu thời gian gần đây là những cuộc trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến, xung đột, đói nghèo từ các nước Trung Đông, Bắc Phi, như Xy-ri, I-rắc, Áp-ga-ni-xtan… nhằm tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn. Bất chấp mọi hiểm nguy trên hành trình vượt biển hay trên tuyến đường bộ vượt biên giới, dòng người di cư tiếp tục tăng lên đến chóng mặt, gần như không thể kiểm soát. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính từ đầu năm 2015 tới nay, có tới 613.000 người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu, trong đó, số người thiệt mạng dọc đường đi là 3.100 người (1). Hy Lạp, I-ta-li-a là những quốc gia có số lượng người di cư ồ ạt đổ vào do được xem là “cửa ngõ” của châu Âu. Tại Hy Lạp, con số 473.000 người di cư, tăng gần 10 lần so với cả năm 2014, đã khiến quốc gia này “lao đao” khi đang cùng lúc phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công bấy lâu nay. I-ta-li-a cũng không kém phần quá tải với sự tiếp nhận 137.000 người tính đến thời điểm này(2).
Còn theo số liệu công bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong tháng 10, số người từ một số nước Trung Đông và Bắc Phi tới châu Âu qua đường biển là 218.394 người, cao hơn cả con số 216.054 người của cả năm 2014. Như vậy, từ đầu năm tới nay, số người vượt Địa Trung Hải tới lục địa già là 744.000 người (3). Quốc gia “đầu tàu” của EU là Đức đã tiếp nhận 500.000 người tị nạn. Hung-ga-ri cũng “bùng cháy” với hơn 110.000 người tị nạn. Và tính đến giữa tháng 11, Cơ quan kiểm soát biên giới EU (Frontex) đưa ra con số là 900.000 người, cao gấp 5 lần so với năm 2014 (4).
Những gì diễn ra trước mắt được giới chức EU đánh giá và nhìn nhận về những tác động của dòng người di cư tới an ninh, kinh tế, xã hội của các nước thành viên. Trước hết, đó là tình trạng hỗn loạn về an ninh tại các khu vực biên giới cũng như ở các thành phố của một số quốc gia EU. Chưa kể mối đe dọa ngày càng trở nên đáng báo động khi các phần tử cực đoan, Hồi giáo thánh chiến có thể trà trộn vào dòng người tị nạn để thâm nhập vào châu Âu, nhằm thực hiện các hoạt động khủng bố, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của nhiều nước, nhất là đối với các nước tham gia hoạt động chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Xy-ri và I-rắc.
Hai là, tâm lý bất ổn của người dân EU. Tại một số thành phố của các nước EU đã diễn ra các cuộc xuống đường hoặc để phản đối người nhập cư, hoặc nhằm kêu gọi chính phủ mở cửa đón nhận dòng người này. Song, xu hướng chung là người dân EU tỏ ra băn khoăn trước số lượng lớn người nhập cư, ảnh hưởng không nhỏ tới quỹ phúc lợi xã hội và ngân sách quốc gia. Theo họ, ít nhiều tình trạng này sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ “vỡ” quỹ và châu Âu sẽ không thể tự bảo vệ mức sống của người dân cũng như kết cấu hạ tầng của mình.
Ba là, xu thế bài ngoại, thái độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc gia tăng. Những cuộc biểu tình chống người Hồi giáo, người Do Thái hay phân biệt sắc tộc biểu hiện rõ nét ở một số nước EU, dẫn tới sự hình hành và lớn mạnh của các nhóm cực đoan cánh hữu bài di cư, như ở Đức. Bên cạnh đó, do người tị nạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mang đến sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo,… tiềm ẩn nguy cơ xung đột văn hóa, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, nhất là thách thức đối với việc giữ gìn giá trị châu Âu.
Bốn là, những tác động về mặt kinh tế trong ngắn, trung và dài hạn. Nhiều nước châu Âu cho rằng, dòng người nhập cư có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế, trong khi một số nước khác cho đây là cơ hội đóng góp vào nền kinh tế từ lực lượng này, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ già hóa dân số, thiếu lao động,…
Nếu xét về ngắn hạn, các nền kinh tế châu Âu sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng di cư nếu buộc phải chi phát sinh một khoản lớn ngân sách công để cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho những người di cư, cũng như xử lý đơn xin tị nạn. Những khoản chi ngân sách lớn đột xuất có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách. Về trung hạn, hiện chưa có đủ dữ liệu để đưa ra những kết luận chính xác, nhưng những người tị nạn đến châu Âu sẽ cần ít nhất từ 5 đến 6 năm để có thể hòa nhập vào xã hội sở tại và đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ ở mặt bằng chung, còn nếu muốn ngang bằng với người bản xứ, quá trình này sẽ mất 15 năm.
Về dài hạn, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, cuộc khủng hoảng di cư trong tương lai xa sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế châu Âu. Những người mới đến sẽ góp phần giải quyết các xu hướng nhân khẩu học đáng báo động và tình trạng già hóa lao động hiện nay ở châu Âu. Ngoài ra, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), người nhập cư chiếm tới 70% lực lượng lao động tăng thêm ở châu Âu trong 10 năm qua, giúp tăng độ tuổi lao động, lấp đầy các ngành đang sụt giảm lao động và góp phần tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động, từ đó tăng khả năng nhanh thích nghi của thị trường này đối với các thay đổi trong xã hội.
Phản ứng đa chiều
Trước thực trạng trên, các nước châu Âu đã có những phản ứng khác nhau. Một số nước phản đối kịch liệt, áp dụng chính sách đóng cửa tạm thời biên giới, một số khác đề ra chính sách hỗ trợ người nhập cư, thiết lập những khu vực để người tị nạn tạm trú. EU thì có những lời hứa hẹn hỗ trợ tài chính cho những nước “tuyến đầu” tiếp nhận người tị nạn, áp dụng chính sách phân bổ kiểm soát lượng người nhập cư. Tuy nhiên, bối cảnh chung có thể nhận thấy là một liên minh một lần nữa bị chia rẽ.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với hệ lụy là tình trạng kinh tế của các nước EU trong những năm qua chỉ nhìn thấy sự tăng trưởng trì trệ, thêm vào đó là nạn thất nghiệp của khu vực chưa có dấu hiệu thuyên giảm đang khiến EU “chật vật” giải quyết. Do vậy, cuộc khủng hoảng di cư lúc này thực sự trở thành thách thức lớn đối với EU. Việc phối hợp chính sách giữa các nước thành viên trở nên không hề dễ dàng, khi mà những động thái như siết chặt đường biên giới ở các nước như Đức, Áo hay việc dựng hàng rào biên giới của Hung-ga-ri, Hà Lan, ít nhiều đi ngược với Hiệp ước Schengen. Trong khi đó, việc phân bổ số lượng người tị nạn giữa các nước EU cũng không đạt được sự đồng thuận do một số nước thành viên không hoan nghênh, như Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Cộng hòa Séc, Xlô-va-ki-a,…vì cho là xâm phạm quyền tự chủ của mỗi nước.
Mâu thuẫn giữa các nước EU trong vấn đề này còn thể hiện ở những chính sách hiện thời. Trong khi một số nước chi trả tiền ăn ở và cấp cho người tị nạn một khoản tiền sinh hoạt nhất định thì ở nhiều nước khác, người tị nạn hầu như không được trợ cấp gì. Đức hỗ trợ nơi ở và cấp một khoản tiền hằng tháng là 359 ơ-rô/người, trong khi tại Hy Lạp, người tị nạn chỉ được các tổ chức cứu trợ cung cấp quần áo, đồ ăn uống mà không có tiền trợ cấp. Người tị nạn ở Anh thì nhận được hằng tuần 50 ơ-rô/người bên cạnh việc hỗ trợ về chỗ ở; còn Pháp là 340,5 ơ-rô/người/tháng để chi trả cho việc ăn ở và quần áo. Quốc gia được coi là hỗ trợ người tị nạn cao nhất là Đan Mạch với mức tối đa hằng tháng lên tới 800 ơ-rô/người ngoài việc cung cấp miễn phí chỗ ở. Tại I-ta-li-a, người tị nạn nhận được tiền tiêu vặt 2,5 ơ-rô/ngày và 35 ơ-rô/ngày cho việc thuê chỗ ở và các khoản chi khác.
Trước làn sóng người di cư và tị nạn ồ ạt vẫn gia tăng, chính phủ một số nước EU ngày càng có những biện pháp cứng rắn. Xlô-vê-ni-a dựng hàng rào dây thép gai ngay tại làng Bre-di-chê, giáp biên giới với Croa-ti-a; đề nghị Quốc hội thông qua dự luật cho phép quân đội được hỗ trợ giải quyết “trong những tình huống đặc biệt”. Chính phủ Đan Mạch siết chặt các quy định đối với những người xin tị nạn; rút ngắn thời gian tạm trú dành cho những đối tượng trên; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu đoàn tụ gia đình và giảm bớt những ưu đãi. Phần Lan không chấp thuận 2/3 (tương đương khoảng 60% - 65%) trong tổng số đơn xin tị nạn tại nước này. Ba Lan cũng gửi 70 nhân viên bảo vệ biên giới cùng nhiều thiết bị chuyên dụng và không chuyên tới Hung-ga-ry để giúp cơ quan chức năng nước này bảo vệ biên giới với Séc-bi-a. Với số người tị nạn tràn vào Thụy Điển đã lên con số kỷ lục, quốc gia mới nhất trong khu vực Schengen, đã tiến hành siết chặt an ninh biên giới. Áo tuyên bố dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Xlô-vê-ni-a.
Những nền kinh tế lớn của EU như Đức, Anh, Pháp bên cạnh việc hỗ trợ người tị nạn, cũng buộc phải có những biện pháp quyết liệt hơn. Anh trục xuất gần 140 người di cư, phần lớn là người Pa-le-xtin ở các trại tị nạn của Li-băng đã cập bến căn cứ Akrotiri của Lực lượng Không quân Anh hồi tháng 10-2015. Đức, nền kinh tế “đầu tàu” của EU đã dành 6 tỷ ơ-rô (hơn 6,8 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay. Tuy nhiên, Đức quyết định kéo dài thời gian áp dụng kiểm tra tại biên giới cho đến giữa tháng 2-2016. Còn Pháp, Chính phủ nước này, ngoài việc hỗ trợ người tị nạn trước đó, đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp, thậm chí có thể phải đóng cửa biên giới quốc gia do ngày 13-11-2015, thủ đô Pa-ri của Pháp đã bị tấn công khủng bố. Đây là hồi chuông báo động không chỉ với Pháp mà cả với toàn châu Âu về tình trạng bất ổn an ninh từ nguy cơ khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Châu Âu một lần nữa phải siết chặt hơn an ninh, và như vậy, những chính sách đối với người di cư vào châu lục này sẽ phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng.
Tìm kiếm giải pháp
Các nhà lãnh đạo EU nêu rõ: Giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn là nghĩa vụ chung, đòi hỏi một chiến lược toàn diện, những nỗ lực lâu dài và kiên quyết, trên tinh thần đoàn kết, có trách nhiệm, theo đó, các nước EU cần thống nhất các bước tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn đang trở nên “cấp bách”. Tuy nhiên, với một loạt hội nghị được tổ chức trong và ngoài khu vực bàn về vấn đề này, các nước EU chưa thực sự đạt được nhiều kết quả do còn thiếu sự đồng thuận cao trong việc triển khai các phương sách.
Kế hoạch phân bổ hạn ngạch bắt buộc 160.000 người nhập cư tới Hy Lạp và I-ta-li-a trên cơ sở dân số và GDP của mỗi nước thành viên hồi tháng 9 vừa qua đã không nhận được sự nhất trí. Mặc dù cơ chế phân chia thường xuyên người nhập cư để chia sẻ với những nước “tuyến đầu” là điều cần thiết, nhưng với số lượng người tị nạn ở từng quốc gia đang lên tới con số vượt giới hạn định ra trong năm 2015, cùng với đó là chi phí phát sinh quá lớn, khiến ngay cả nền kinh tế hàng đầu EU là Đức cũng phải đầu hàng, bởi ước tính, trong năm 2015, Đức sẽ tiếp nhận đến 1 triệu người tị nạn, gấp 5 lần so với con số của năm 2014.
Hợp tác với các nước láng giềng nhằm bảo vệ biên giới bên ngoài khu vực. Với giải pháp này, EU chú trọng tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chính của EU trong việc quản lý dòng người di cư. Quốc gia này hiện đón tiếp một số lượng lớn người tị nạn Xy-ri và rất nhiều người xin tị nạn đang tạm trú tại Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều điều kiện trong việc hợp tác với EU, đặc biệt là khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ ơ-rô để quản lý người tị nạn. Hai bên nhất trí thông qua kế hoạch hành động chung, theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các cam kết giúp kiểm soát dòng người tị nạn. Đổi lại, EU sẵn sàng mở rộng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường hỗ trợ về mặt chính trị - tài chính trong khuôn khổ đã định. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý tiếp nhận người di cư lâu dài vì Chính phủ nước này cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “trại tập trung” cho người tị nạn.
Đối với các nước vùng Tây Ban-căng như Séc-bi-a, Mác-xê-đô-ni-a và An-ba-ni, EU đã không đạt được sự thống nhất cao trong thỏa thuận kiểm soát dòng người di cư, nhất là khi Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và Séc-bi-a ngày 24-10-2015 cảnh báo không chấp nhận trở thành “vùng đệm” cho hàng chục nghìn người di cư đang tràn vào châu Âu.
Việc thực hiện cam kết đóng góp tài chính. Ngày 11-11, Nghị viện châu Âu (EP) hối thúc các nước thành viên EU thực hiện đầy đủ các cam kết và hỗ trợ tài chính đã đạt được. Cho tới nay, các nước EU mới chỉ đóng góp khoảng 500 triệu ơ-rô trong tổng số 2,8 tỷ ơ-rô cam kết cho các tổ chức quốc tế và các quỹ hỗ trợ người tị nạn. Theo Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ niềm tin khu vực mới được lập ra để giúp Xy-ri và châu Phi hiện thiếu khoảng 2,22 tỷ ơ-rô so dự kiến đóng góp của các thành viên. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ nhân đạo của EU cũng thiếu 59,6 triệu ơ-rô theo cam kết.
Kêu gọi Liên hợp quốc đặt ra hạn ngạch tiếp nhận người di cư trên toàn cầu. Đây là ý kiến của nhiều nước EU khi cho rằng, sẽ là bất công nếu một mình châu Âu phải tiếp nhận những người tị nạn. Ngoại trưởng Hung-ga-ry P. Xi-giát-tô nhấn mạnh, EU không đủ điều kiện để tiếp nhận hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người di cư vì mục đích kinh tế. Ngoài ra, EU cũng đã có quy định nêu rõ, các nước thành viên phải có nghĩa vụ bảo vệ đường biên giới bên ngoài. Các nước Croa-ti-a, Hy Lạp và Áo cùng nhiều nước khác đều khẳng định không thể tự mình giải quyết làn sóng người di cư đang ồ ạt đổ vào và nếu tình trạng này không thay đổi, châu Âu sẽ trở nên bất ổn. Nhưng thực tế là, các tổ chức cứu trợ quốc tế đang khẩn thiết kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây để giúp đỡ người tị nạn. Và Ủy viên của UNHCR, ông A. Gu-tơ-rét cũng đã phải kêu gọi các nước EU thể hiện tình đoàn kết hơn nữa trong việc tái phân bổ người tị nạn cũng như hỗ trợ thêm cho UNHCR.
Tái hồi hương những người di cư. Đây có vẻ là biện pháp khó khăn nhất, bởi việc giải quyết tình hình chính trị bất ổn ở những đất nước và khu vực mà dòng người tị nạn rời đi không thể một sớm một chiều, mặc dù, mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa EU và châu Phi ở Van-lét-ta (Man-ta, tháng 11-2015), EU và các nước châu Phi đã thông qua Kế hoạch hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư từ nay đến cuối năm 2016. EU sẽ chi 1,8 tỷ ơ-rô (1,9 tỷ USD) giúp châu Phi tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người di cư, chống các nhóm buôn người, tăng cường hợp tác giữa các nước trong vấn đề di cư hợp pháp và bảo vệ người tị nạn, cũng như hồi hương những người di cư không đủ điều kiện ở lại để xin tị nạn tại các nước EU.
Nói tóm lại, EU dường như rất khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn. Do vậy sẽ cần phải có những nỗ lực hơn nữa, nhất là khi dự báo được đưa ra là từ nay đến năm 2017, có khoảng 3 triệu người nhập cư tới châu Âu và nếu không đoàn kết, cuộc khủng hoảng người di cư có thể khiến châu Âu ngày càng chia rẽ. Trước những bất đồng chưa thể tháo gỡ, công việc mà các nước EU có thể làm được trước mắt, đó là:
Trao đổi thường xuyên thông tin giữa các nước nằm dọc tuyến di cư, đặc biệt tại các khu vực biên giới, về tình hình tại nước mình nhằm tránh tình trạng nước khác bị động khi tiếp nhận số lượng người tị nạn. Tăng khả năng cung cấp nơi tạm trú, thức ăn, hỗ trợ y tế, nước uống và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người tị nạn ở mỗi nước.
Các cơ quan châu Âu về người tị nạn tăng cường hoạt động tại địa bàn, như Frontex có nhiệm vụ bảo vệ tốt hơn khu vực biên giới; hỗ trợ các nước trong công tác đăng ký người di cư; cử lực lượng cảnh sát đến bảo đảm kiểm soát dòng người di cư.
Thiết lập các trung tâm phân loại ở các nước trung chuyển bên ngoài biên giới EU để xem xét đơn xin tị nạn của những người di cư. Các trung tâm này sẽ không thay thế, mà bổ sung cho các trung tâm có chức năng tương tự hiện đã được thiết lập ở một số nước EU. Sau khi tiếp nhận và xem xét, các trung tâm này sẽ quyết định chấp nhận đơn xin tị nạn hay buộc người di cư phải hồi hương.
Đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bị bác đơn. Theo đó, các trường hợp không được chấp nhận tị nạn đến các nước như Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét và I-rắc sẽ bị trục xuất về nước.
Tuân thủ Hiệp ước Đúp-blin. Hiện nay, Hiệp ước này đang bị vi phạm do các nước Schengen đã không thực thi đúng cam kết của mình. Theo Hiệp ước Đúp-blin, người tị nạn phải đăng ký và tiến hành các thủ tục xin tị nạn ngay khi đặt chân đến quốc gia đầu tiên tại châu Âu (trong đó có cả những nước không phải thành viên EU).
Những biện pháp nêu trên chưa thể “dập tắt” cuộc khủng hoảng di cư, song đóng góp phần nào vào việc giảm thiểu những tác động của làn sóng di cư vào châu Âu thời điểm này. Một châu Âu sẽ cần hơn bao giờ hết sự đoàn kết để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng, thiết lập sự ổn định về kinh tế, xã hội, nhất là bảo đảm an ninh, chính trị trước những thách thức gay gắt từ biến động khôn lường của khu vực và thế giới hiện nay./.
------------------------------------------------------
(1) Khủng hoảng di cư là vấn đề toàn cầu,
http://www.sggp.org.vn/thegioi/2015/10 /400010/
(2) Vấn đề người di cư: Đức cam kết hỗ trợ Hy Lạp - Slovakia diễn tập phối hợp tuần tra biên giới giáp Hungary, http://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/LienKetTin/14318.aspx?news=h0TDac7s Q98=
(3) Liên hợp quốc: Số người di cư kỷ lục trong tháng 10 gần bằng năm 2014, http://vov.vn/thegioi/lhq-so-nguoi-di-cu-ky-luc-trong-thang-10-gan-bang-nam-2014-446687.vov
(4) Liên minh châu Âu tiến hành họp khẩn cấp về vấn đề người di cư, http://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-tien-hanh-hop-khan-cap-ve-van-de-nguoi-di-cu/354359.vnp
Nhiều hiến kế cho Thành phố mang tên Bác phát triển nhanh và bền vững  (25/11/2015)
Việt Nam liên tiếp tám năm giảm số ca HIV/AIDS trên 3 tiêu chí  (24/11/2015)
Đề xuất chi 670 tỷ đồng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em  (24/11/2015)
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên để tăng hiệu quả thi hành  (24/11/2015)
Thông qua dự thảo luật Dân sự sửa đổi và bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia  (24/11/2015)
Chủ tịch nước gửi Điện chia buồn cựu Tổng thống Hàn Quốc qua đời  (24/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên