Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: cơ hội và thách thức đối với quan hệ thương mại Việt Nam - Đức
TCCSĐT - Năm 2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức đối với quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam với toàn khối và các nước thành viên EU, trong đó có Đức - đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại EU trong nhiều năm qua.
Thực trạng quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Đức
Với cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Đức ngày càng phát triển. Trong giai đoạn 1995 - 2014, Đức luôn giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU(1). Điều này được phản ánh rõ nét qua chính sách thương mại, quy mô, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước.
Về thương mại hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức liên tục tăng qua các năm theo hướng thặng dư thương mại cho Việt Nam, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Năm 2013, giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức tăng 3,4 lần so với năm 2006, giá trị hàng nhập khẩu từ Đức về Việt Nam tăng 2,7 lần so với năm 2006. So sánh với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam - Pháp lần lượt tăng 2,5 lần và tăng 2,3 lần, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam - Anh với con số tăng 2,9 lần và tăng 2,7 lần (2) cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch thương mại Việt Nam - Đức rõ ràng ở mức cao hơn.
Theo số liệu thống kê, về các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực Việt Nam - Đức, bước sang năm 2015, thương mại song phương giữa Việt Nam và Đức trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Đức đạt 372,33 triệu USD, tăng 2,7% và xuất sang thị trường Đức là 913,8 triệu USD, tăng 22,1%. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức những mặt hàng chủ yếu, như: điện thoại và linh kiện đạt 269,25 triệu USD (chiếm 29,5% tổng kim ngạch, tăng 46,0% so với cùng kỳ năm 2014); giày dép, hàng dệt may đạt 109,64 triệu USD (tăng 41,8%, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Đức); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, hàng thủy sản;… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện và phụ tùng ô tô;…(3).
Hiện nay, về thuế quan, Đức áp dụng Biểu thuế chung của EU với các nước ngoại khối đối với Việt Nam. Ngoài ra, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn được hưởng mức thuế suất ưu đãi GSP, do vậy, thuế suất xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức bình quân khoảng 4,1%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị áp thuế cao hơn mức trung bình, như dệt may (11,7%), thủy sản (10,8%), giày dép (12,5%). Về xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, Việt Nam áp dụng mức thuế cam kết trong WTO với Đức ở mức khoảng 9,3% (so với 13,7% năm 2006)(4). Đối với các biện pháp phi thuế quan, Đức áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại chung của EU, chủ yếu là thuế chống bán phá giá, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật (TBT). Đức nói riêng và EU nói chung có quy định chặt chẽ về điều kiện vệ sinh dịch tễ và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trên thực tế, trong giai đoạn 2000 - 2013, trong khi tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Anh, Việt Nam - Pháp trong thương mại Việt Nam - EU có xu hướng giảm, tỷ lệ giá trị này của Việt Nam - Đức lại có xu hướng tăng và duy trì ổn định, dù có biến động trong các năm 2008, 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Những số liệu trên cho thấy, việc giảm thuế quan khi Việt Nam gia nhập WTO có tác động tích cực tới thương mại Việt Nam - Đức hơn so với thương mại Việt Nam - Anh, Việt Nam - Pháp cũng như các nền kinh tế lớn khác trong EU. Như vậy, việc giảm thuế trong EVFTA có thể cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức, và khả năng cao trong thời gian tới, Đức vẫn sẽ duy trì vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU.
Đối với thương mại dịch vụ, giá trị thương mại dịch vụ Việt Nam - Đức tăng qua các năm, đặc biệt từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO năm 2007 (năm 2011 - 2012 tăng 2 lần so với năm 2006). Tuy nhiên, so sánh với giá trị thương mại dịch vụ Việt Nam - Anh, Việt Nam - Pháp, thương mại dịch vụ Việt Nam - Đức không có sự khác biệt quá lớn. Quan hệ thương mại dịch vụ Việt Nam - Đức vẫn còn hạn chế nếu so sánh với tiềm năng dịch vụ của Đức (năm 2013, 69% GDP Đức do đóng góp của ngành dịch vụ (5). Nguyên nhân là do các lĩnh vực Đức có thế mạnh thì Việt Nam chưa mở cửa thị trường, phương thức cho phép cung cấp dịch vụ còn hạn chế.
Bên cạnh thương mại hàng hóa và dịch vụ, những vấn đề khác liên quan đến thương mại, như chính sách mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững cũng được phía Đức rất quan tâm. Tuy nhiên, hiện tại, những vấn đề này trong thương mại Việt Nam - Đức chỉ hạn chế trong khuôn khổ các cam kết của hai nước và quy định trong WTO.
Cơ hội đối với quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Đức từ EVFTA
EVFTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội đối với quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Đức. Cụ thể là:
Về thuế quan trong thương mại hàng hóa, khi EVFTA được ký kết, thuế suất của 90% mặt hàng sẽ giảm về 0%, thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu cho Việt Nam, góp phần tạo việc làm cho lao động trong nước. Ngoài ra, thuế suất thấp mở ra nguồn cung nguyên liệu chất lượng tốt từ Đức về Việt Nam, làm đa dạng nguồn cung và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Thuế suất 0% cũng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện, điện tử - mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam - Đức, giảm thuế quan ít nhất cũng sẽ bù trừ chi phí vận chuyển từ Đức, mang lại lợi thế kinh doanh lớn cho các nhà xuất khẩu Đức so với các đối thủ cạnh tranh châu Á đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vốn đang có lợi thế từ khoảng cách địa lý gần và thuế nhập khẩu thấp (6). Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại từ Đức với chi phí thấp hơn, thay vì phụ thuộc vào công nghệ từ các nước châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiến gần đến mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Về hàng nông sản, nhiều khả năng EVFTA sẽ vẫn duy trì mức thuế cao với một số mặt hàng mà EU muốn bảo hộ. Tuy nhiên, trong thương mại Việt Nam - Đức, hàng nông sản không chiếm tỷ trọng quá lớn.
Liên quan đến các biện pháp phi thuế quan trong thương mại hàng hóa (SPS, TBT, thuế chống bán phá giá), EVFTA sẽ không tạo thêm các quy định khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, mà tập trung vào việc thiết lập cơ chế hợp tác nhằm minh bạch hóa và xử lý nhanh những tranh chấp phát sinh (7). Như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để giải quyết ôn hòa các khúc mắc phát sinh trong thương mại với EU nói chung và Đức nói riêng; nhận được các hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật, các biện pháp thúc đẩy chuyển giao tri thức về quy định SPS, TBT. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng với các tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ, kỹ thuật của EU nói chung và của Đức nói riêng cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, tạo nền tảng để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường cao cấp khác.
Đối với thương mại dịch vụ, qua thực tiễn các FTA mà EU đã ký trước đó cho thấy, EU không quá chú trọng tới số lượng thị trường dịch vụ được mở cửa, mà tập trung vào phương thức cung cấp dịch vụ trong một số lĩnh vực (8). Có khả năng EVFTA sẽ thúc đẩy mở cửa các lĩnh vực dịch vụ mà trước đây trong khuôn khổ WTO, Việt Nam vẫn còn hạn chế, thông qua việc đa dạng phương thức cung cấp dịch vụ trong các ngành, như ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, y tế, giáo dục. Đây cũng chính là những ngành thế mạnh của Đức. Việc mở cửa thương mại dịch vụ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển (đặc biệt là dịch vụ giao thông và tài chính), tăng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ Việt Nam - Đức. Ngoài ra, việc mở cửa thị trường dịch vụ sẽ tạo sức ép cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng mang lại nhiều cơ hội khác cho Việt Nam và Đức. Đối với chính sách cạnh tranh, EU rất quan tâm tới vấn đề trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước, đề cao nguyên tắc minh bạch hóa, thuận lợi hóa. Vì vậy, những nội dung trong phần chính sách cạnh tranh trong EVFTA có thể sẽ theo hướng thúc đẩy môi trường kinh doanh tự do, cạnh tranh hơn tại Việt Nam. Đây là điều mà các nhà đầu tư Đức mong đợi. Hiện nay, dòng vốn FDI của Đức vào Việt Nam đang tăng mạnh, nếu môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông thoáng hơn thì dòng vốn này sẽ còn tiếp tục tăng. FDI của Đức tập trung vào các lĩnh vực máy móc, cơ khí, thông tin truyền thông, sẽ thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức, góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Ngoài ra, để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Đức cũng rất quan tâm tới việc đào tạo lao động thông qua các mô hình hợp tác đào tạo với các trường đại học, dạy nghề. Điều này góp phần nâng cao chất lượng lao động Việt Nam.
Đối với vấn đề phát triển bền vững, nhờ ký kết EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Đức với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (công nghệ sáng tạo và công nghệ xanh là hai lĩnh vực thế mạnh của Đức) với giá thấp hơn, góp phần cải thiện phương thức sản xuất của doanh nghiệp theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc thực hiện tốt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA sẽ tạo niềm tin đối với các nhà sản xuất Đức, đặc biệt là nhóm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo, công nghệ cao; tăng khả năng thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam. Đồng thời, khi thực hiện các quy định về vấn đề này, bản thân Việt Nam cũng phải tự điều chỉnh khuôn khổ pháp lý về bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo nền tảng khuyến khích sáng chế, phát minh từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Những thách thức đặt ra
Về thuế quan trong thương mại hàng hóa, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức nói riêng và EU nói chung được hưởng mức thuế suất ưu đãi, các hàng hóa này phải bảo đảm được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, số lượng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đức lại chiếm khoảng 70% - 80%. Điều này có nghĩa là nếu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không thỏa mãn được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, thì sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi. Mặt khác, các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử, linh kiện của Việt Nam phần lớn là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng của Việt Nam không cao; do vậy, chưa thực sự phát huy vai trò là động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững.
Trong EVFTA, liên quan đến các biện pháp phi thuế quan trong thương mại hàng hóa, EU có thể sẽ đòi hỏi Việt Nam cắt giảm các hàng rào phi thuế quan đối với một số ngành là thế mạnh xuất khẩu của khối, như trợ giá của Chính phủ. Trong ngắn hạn, điều này có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của một số hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Đức.
Đối với thương mại, dịch vụ, việc mở thị trường dịch vụ cho các nhà cung ứng dịch vụ lớn từ Đức nói riêng và EU nói chung có thể sẽ gây bất lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam, phần lớn có quy mô nhỏ, với kinh nghiệm, mức độ đa dạng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thương mại, dịch vụ ở Việt Nam chưa đồng bộ và vững chắc, công tác quản lý còn lỏng lẻo nên mở cửa thị trường này với các lĩnh vực nhạy cảm, như tài chính, giáo dục có thể gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác liên quan đến thương mại cũng đặt ra thách thức cho Việt Nam và Đức. Chính sách mua sắm công trong đàm phán EVFTA là một trong những vấn đề nhạy cảm với Việt Nam khi EU yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm công, vốn chưa được Việt Nam mở cửa trong khuôn khổ WTO và trước nay luôn được coi là ưu tiên của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong nước. Mở cửa thị trường mua sắm công cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh, có thể làm giảm cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Về chính sách cạnh tranh, nhiều khả năng EVFTA sẽ có các điều khoản yêu cầu về vấn đề bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, giảm sự hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, với năng lực còn hạn chế và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp Đức nói riêng và doanh nghiệp EU nói chung, sẽ dễ bị tổn thương. Sau khi EVFTA ký kết, hàng hóa của EU với chất lượng tốt, giá rẻ hơn trước sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam; đồng thời, các doanh nghiệp Đức hiện đã và đang tích cực triển khai hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu như ngành logistic, giao thông vận tải, y tế, tài chính.
Một số kiến nghị, giải pháp
Để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Đức thông qua tận dụng những cơ hội cũng như vượt qua những thách thức từ EVFTA, một số giải pháp được đề xuất:
Một là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước tiếp cận, trao đổi và tiến tới hợp tác lâu dài, khai thác các cơ hội từ EVFTA. EVFTA được ký kết mới chỉ tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, còn về thực chất, mức độ hợp tác vẫn phụ thuộc vào sự chủ động của chính phủ và doanh nghiệp hai nước, và Việt Nam cần chủ động tiếp cận các doanh nghiệp uy tín của Đức trong các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam quan tâm.
Hai là, tổ chức các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về những cơ hội và thách thức từ EVFTA để các doanh nghiệp hiểu được tình hình, tận dụng các cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức các chương trình phổ biến thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ của thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Chỉ khi hiểu rõ tình hình và yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam mới đề ra được hướng đi đúng đắn, chủ động để tiếp cận thị trường.
Ba là, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm tư vấn, cung cấp thông tin về chính sách thương mại và đầu tư vào Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Đức nói riêng muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong đó, chú ý tới việc tổ chức nâng cao nhận thức, thực hiện và cơ chế giám sát việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để bảo đảm lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam theo cam kết trong các hiệp định thương mại.
Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm bảo đảm lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc hiện đại, đặc biệt là lao động trong các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học. Lực lượng lao động này không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong nước để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cho xuất khẩu, mà còn tạo nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Đức./.
-------------------------------------------
(1) Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam http://www.gso.gov.vn và OECD http://stats.oecd.org
(2) Theo số liệu thống kê của OECD, http://stats.oecd.org
(3) Xuất khẩu sang Đức tăng mạnh đầu năm, http://bizlive.vn/hang-hoa/xuat-khau-sang-duc-tang-manh-dau-nam-907487.html
(4) Hiệp định EVFTA và dự báo tác động đến nền kinh tế VN, http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-du-bao-tac-dong-toi-nen-kinh-te-viet-nam-tom-luoc truy cập ngày 7/8/2014.
(5) Số liệu CIA World Factbook, https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/gm.html
(6) Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế - VCCI, http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/phan-tich-tac-dong-cua-fta-viet-nam-eu-doi-voi-mot-so-nganh-co-san-pham-nhap-khau-cua-viet
(7) Hiệp định Thương mại Tự do với EU - Kinh nghiệm từ những Người đi trước, http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-voi-eu-kinh-nghiem-tu-nhung-nguoi-di-truoc truy cập ngày 10/8/2014.
(8) Hiệp định Thương mại Tự do với EU - Kinh nghiệm từ những Người đi trước, tlđd.
Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (19/11/2015)
Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (19/11/2015)
Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn các đại biểu  (18/11/2015)
Kỷ niệm 97 năm ngày độc lập Cộng hòa Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh  (18/11/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Nga Medvedev  (18/11/2015)
Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Thụy Sĩ  (18/11/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm