Việt Nam - Séc cần xúc tiến ký lại Hiệp định hợp tác về văn hóa, đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương
22:49, ngày 23-10-2015
TCCSĐT - Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 24-10.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek sang thăm chính thức Việt Nam (Ảnh: TTXVN) |
Hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Lubomir Zaoralek, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới Tổng thống Cộng hòa Séc; bày tỏ mong muốn Tổng thống sẽ sang thăm chính thức Việt Nam vào thời gian sớm nhất.
Bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam và Cộng hòa Séc ngày càng phát triển tốt đẹp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Cộng hòa Séc trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây; giúp Việt Nam đào tạo hàng ngàn kỹ sư, cán bộ trong nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước.
Chủ tịch nước nhất trí với Bộ trưởng Lubomir Zaoralek về việc hai nước cần xúc tiến ký kết lại Hiệp định hợp tác về văn hóa cũng như đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương.
Chủ tịch nước cho rằng, cùng hướng tới việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), các cơ quan hữu quan hai nước cần tiếp tục rà soát các văn bản hợp tác sẵn có để có những thay đổi phù hợp hoặc ký kết mới nhằm mở đường thông thoáng hơn nữa thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Séc về tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai bên cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực khác cũng cần tìm ra những hướng đi thích hợp trong việc góp phần tăng cường mối quan hệ, hợp tác.
Những người Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Séc trước đây, cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Séc sẽ là những cầu nối hữu nghị truyền thống và hợp tác trong giai đoạn mới giữa hai nước.
Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên định lập trường, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhấn mạnh đây là khu vực có tuyến hàng hải quan trọng của quốc tế, Chủ tịch nước bày tỏ hoan nghênh lập trường của cộng đồng quốc tế, trong đó có Cộng hòa Séc ủng hộ quan điểm của ASEAN, trong đó có Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian cho cuộc tiếp và bày tỏ vui mừng trở lại Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, mặc dù trước đây có khoảng cách về địa lý và lịch sử văn hóa khác nhau nhưng hiện nay hơn 100.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Séc đã khẳng định sự hòa nhập tốt và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nước sở tại sau khi được công nhận là một trong những dân tộc thiểu số của Cộng hòa Séc vào năm 2013.
Nhận định hiện nay cả kinh tế Việt Nam và Cộng hòa Séc đều phát triển ổn định, Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek cho rằng hai bên nên tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Bộ trưởng còn có đoàn doanh nghiệp Séc sang tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tổ chức triển lãm máy móc, thiết bị công nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác lâu dài với các đối tác Việt Nam.
Khẳng định Chính phủ Séc ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Bộ trưởng Lubomir Zaoralek nhận định, châu Á là một thị trường lớn với nhiều tiềm năng hợp tác, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao, Cộng hòa Séc mong muốn Việt Nam là một trong những đối tác mạnh của Cộng hòa Séc ở châu Á để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại cũng như giải quyết vấn đề toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek (Ảnh: TTXVN) |
Tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Lubomir Zaoralek và các thành viên trong Đoàn sang thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao, càng có ý nghĩa vì năm nay hai nước kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên cùng khẳng định luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt; trao đổi về các phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục - đào tạo, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh.
Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM. Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek khẳng định sẽ ủng hộ việc EU và Việt Nam sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hai bên nhất trí các biện pháp cụ thể thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại song phương. Phía Séc khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường Séc, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản, dệt may, giày dép. Phía Việt Nam cam kết tạo điều kiện để các mặt hàng của Séc vào thị trường Việt Nam như thiết bị điện tử, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông; khẳng định ủng hộ các doanh nghiệp Séc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu như xây dựng hạ tầng, đường sắt, năng lượng tái tạo, chế tạo máy nông nghiệp, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, thủy tinh, pha lê, chế biến thực phẩm, viễn thông...
Hai bên thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Séc, duy trì cơ chế tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao thường kỳ; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, giáo dục - đào tạo khoa học - công nghệ, y tế, môi trường, văn hóa - thể thao và du lịch, giao thông vận tải...
Phó Thủ tướng cảm ơn và đề nghị Séc xem xét tiếp tục cấp ODA cho một số dự án thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu như môi trường, y tế cộng đồng, cải cách hệ thống bảo hiểm, xây dựng bệnh viện...
Phó Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Séc sinh sống ổn định, phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp Cộng hòa Séc - Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam Martin Klepetko, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương, cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương cho biết Việt Nam có nền kinh tế năng động, phát triển và cởi mở với cộng đồng kinh tế khu vực cũng như trên thế giới. Năm 2014, GDP của Việt Nam tăng gần 6%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 13% so với năm 2013.
Những năm gần đây, trong thương mại với quốc tế, Việt Nam là nước xuất siêu. Tổng kim ngạch Việt Nam - Cộng hòa Séc đạt gần 295 triệu USD năm 2014 (tăng trên 20% so với năm trước).
Trong chính sách hội nhập kinh tế nhất quán của Chính phủ Việt Nam, bên cạnh chương trình hợp tác song phương, Việt Nam hướng tới chương trình hợp tác đa phương trong khu vực cũng như trên thế giới, hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN, khu vực kinh tế năng động phát triển nhất trên thế giới với 600 triệu người tiêu dùng.
Vì thế, Cộng hòa Séc với tư cách là nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam và là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu, Việt Nam mong muốn cùng với sự hợp tác của hai Chính phủ, tiếp tục nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Việt Nam đang tiếp tục đổi mới thể chế, đầu tư chiều sâu, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tối ưu cho hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đàm phán xong để có thể ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, là thành viên có uy tín, đóng góp tích cực trong Cộng đồng ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hai nước có những điều kiện thuận lợi về kinh tế. Vì thế, hai nước cần tăng cường hợp tác thương mại, kinh tế. Một số lĩnh vực mà Cộng hòa Séc có thế mạnh như năng lượng, công nghiệp mỏ, giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị công nghệ phục vụ nhà máy thủy điện nhỏ, dịch vụ trong bảo hiểm, tài chính, lập dự án, hợp tác trong nghiên cứu khoa học…
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả.
Tại Diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp Séc đã thuyết trình, giới thiệu công nghệ, sản phẩm cao cấp của Cộng hòa Séc với doanh nghiệp Việt Nam./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (23/10/2015)
Tổng cục Tình báo Quốc phòng đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất  (23/10/2015)
Bầu bổ sung Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2011-2016  (23/10/2015)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước thành công tốt đẹp  (23/10/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển