TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 23-10, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Các dự thảo văn kiện gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học, có chất lượng cao; nội dung thể hiện toàn diện, khái quát cao; vừa có tính kế thừa, phát triển, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào những lĩnh vực trong dự thảo các văn kiện.

Một số ý kiến đánh giá cao việc các dự thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế để từ đó đưa ra những nhận định, xác định phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp trong giai đoạn tới.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn; dự báo tình hình thế giới và đất nước; mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016-2020); định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Đánh giá tụt hậu là một nguy cơ lớn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) đề nghị cần nhìn nhận, đánh giá, phân tích kỹ về nội dung này trong dự thảo văn kiện.

Liên quan tới tiêu thụ nông sản cho người nông dân, đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị tăng cường liên kết 4 nhà. Theo đại biểu, người nông dân đã ý thức được rất rõ và sẵn sàng tham gia vào các chuỗi giá trị nhưng hiện nay vấn đề này khó vì chưa có người đầu tàu, chưa có người hướng dẫn.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo văn kiện cần đề cập rõ vấn đề tăng cường liên kết 4 nhà. Đại biểu nêu trong mối quan hệ đó, Nhà nước sẽ giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản, Nhà nước giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học ứng dụng tốt khoa học công nghệ, cải tiến sản xuất đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nêu quan điểm muốn phát triển kinh tế đất nước thì cần đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, tư duy kinh tế phát triển theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ; chọn những nguồn là thế mạnh của quốc gia như đất, tài nguyên than, khoáng sản...

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) phân tích trong lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo văn kiện chỉ đề cập gắn phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn với việc xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng tư tưởng chủ đạo và đường lối cho việc phát triển kinh tế chủ lực của các lĩnh vực chủ lực và tạo ra các sản phẩm chủ lực thì trong đường lối của Đảng cũng nên định hướng rõ - đại biểu đề nghị. Trong nông nghiệp mới chỉ nói về định hướng phát triển theo hướng công nghệ phát triển cao mà chưa nói tới định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều ý kiến đã góp ý vào phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phương hướng nhiệm vụ phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường...

Một số ý kiến tập trung đánh giá tình hình xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", phương hướng xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nội dung 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng...

Góp ý về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, các ý kiến cho rằng những năm qua, khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học tự nhiên tiếp tục phát triển các ngành khoa học cơ bản, cũng như những lĩnh vực khoa học và công nghệ liên ngành; khoa học mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ hiện nay chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới.

Cơ bản nhất trí với những mặt đạt được cũng như hạn chế về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện nay, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng phương hướng, nhiệm vụ nêu trong dự thảo văn kiện “Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” theo đại biểu, dự thảo văn kiện cần phải có một sự đánh giá và xác định rõ lại. Bởi các nước dẫn đầu ASEAN hiện nay họ không chờ chúng ta đến năm 2020 hoặc năm 2030.

Đại biểu Đào Việt Trung (Đồng Tháp) cho rằng trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nhà nước cần quan tâm mạnh hơn nữa đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ; đồng thời, cần tạo những cơ chế chính sách để các tập đoàn, doanh nghiệp cùng chúng ta đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của nhà nước như hiện nay thì khoa học, công nghệ khó có thể phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhà nước cần có sự đầu tư một cách “mạo hiểm” và phải có sự đổi mới trong cơ chế quản lý đối với khoa học, công nghệ, để tạo cho giới khoa học cũng như lĩnh vực này có được sự tự chủ và môi trường thuận lợi hơn cho phát triển.

Thảo luận nội dung phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Báo cáo chính trị. Theo đó, thời gian qua, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế - xã hội từ trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng...

Góp ý nội dung trên, đại biểu cho rằng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kếm về phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời gian qua do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này là chưa hợp lý. Đề nghị, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm có hay không sự quản lý, thiếu kịp thời của trung ương và người đứng đầu đơn vị, ngành chủ quản đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Theo chương trình, ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)./.