Đà Nẵng xây dựng đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
TCCS - Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đô thị hóa đã thúc đẩy quá trình tập trung công nhân tại các khu công nghiệp và đô thị, giai cấp công nhân cả nước đã và đang tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu theo ngành nghề, thành phần kinh tế với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài tiến trình ấy, kể từ khi được tách thành đơn vị hành chính mới, với nhiều lợi thế về vị trí điạ lý, là trung điểm giao thông Bắc Nam, tập trung cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản, có năng lực sản xuất kinh doanh dịch vụ, sân bay quốc tế, cụm cảng biển tổng hợp, các khu công nghiệp, hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học... tạo đà thuận lợi cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Đi liền đó là sự phát triển nhanh chóng của giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Nếu như những năm đầu sau khi thành lập thành phố, số lượng công nhân chỉ tính theo đơn vị chục nghìn thì nay đã có trên hai chục vạn công nhân tập trung, đa số ở các khu công nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của công nhân lao động có bước chuyển biến tích cực, ổn định tương đối thu nhập. Qua khảo sát 500 công nhân đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp (công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, công ty cổ phần và doanh nghiệp nhà nước) vào tháng 10-2008 cho thấy: Các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước mức thu nhập không cao, song tương đối ổn định, mức lương bình quân của công nhân từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng; có nơi từ 2,5 triệu - 3,5 triệu đồng, Ban Chấp hành Công đoàn duy trì được các hoạt động nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động qua sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền như: tham quan, nghỉ dưỡng, các ngày lễ tết, công tác khuyến học, sinh nhật... nên công nhân lao động an tâm hơn với nhiệm vụ được giao. Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại bộ phận người lao động đều là người ngoại tỉnh (chiếm trên 90%), thu nhập khá thấp, 70% có mức thu nhập bằng hoặc cao hơn mức quy định của Nghị định số 111/2008/NĐ-CP, ngày 10-10-2008, của Chính phủ về mức lương tối thiểu cho công nhân, lao động khu vực ngoài nhà nước chút ít, còn lại có mức thu nhập từ 1,5 triệu - 2,0 triệu đồng, hầu hết phải thuê nhà trọ, cường độ làm việc căng thẳng; thời gian nghỉ phần lớn đều về quê hoặc làm thêm để tăng thu nhập, đa phần chưa được đầu tư cho công tác tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn.
Những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ công nhân nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ngày 29-6-2008 Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU đề ra 6 mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố theo chức năng, quyền hạn xây dựng chương trình hành động thiết thực, cụ thể để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Thành ủy chủ trương gắn tổ chức thực hiện Chương trình hành động này với triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn thể cán bộ đảng viên, đoàn viên và người lao động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa IX và kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác. Trong những năm gần đây, cùng với việc chỉ đạo triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp", Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng còn ban hành một số chủ trương, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, bảo đảm được hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, phần nào giải quyết được yêu cầu chính đáng của công nhân gắn với công việc làm thường xuyên, ổn định, mức thu nhập bảo đảm, có thể trang trải được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là Liên đoàn lao động thành phố nắm cụ thể số lượng công nhân mất việc, thông tin và giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp đang thiếu lao động như: Công ty Hữu nghị, Công ty TNHH Mabuchimotor, Công ty TNHH DaiWa...; tổ chức Hội chợ việc làm. Qua đó, giới thiệu việc làm mới cho hơn 2000/2500 công nhân lao động bị mất việc do suy giảm kinh tế. Cùng với các nỗ lực giải quyết những vấn đề khó khăn trên, thành phố còn triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2009, thành phố đã cho 38 dự án vay với tổng số tiền 976 triệu đồng, tạo việc làm cho 7.089 lao động; trợ cấp 1,4 triệu đồng cho 524 đối tượng và hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ cho gần 1.000 hộ công nhân lao động có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nên động lực mới cho sự ổn định và phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Về phía Liên đoàn Lao động, thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy, Công đoàn các cấp tích cực thu hút và vận động công nhân gia nhập Công đoàn; hướng dẫn công đoàn cơ sở, công nhân và lao động cách thức dự thảo nội dung, tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, ký kết hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp. Đến nay, thành phố đã thành lập mới và ra mắt được 86 công đoàn cơ sở (CĐCS), phát triển 15.725 đoàn viên, trong đó các khu công nghiệp thành lập mới 46 CĐCS với 9.889 đoàn viên; có 40% số CĐCS ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, tăng 15% so với đầu năm 2008; hơn 184.600 lao động được ký kết hợp đồng lao động, đạt tỷ lệ 85,7%. Liên đoàn Lao động thành phố in và cấp phát hơn 14.000 tờ gấp tuyên truyền những điều cần biết cho người lao động, 4.000 sổ tay cán bộ Công đoàn, xây dựng 2 panô tuyên truyền đặt ở khu vực đông công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh và Khu Công nghiệp An Đồn, phát hành 1.200 tờ rơi, 600 áp-phích, pa-nô, tranh ảnh tuyên truyền với các nội dung về cảnh báo nguy hiểm khi làm việc trên cao, cảnh báo nguy hiểm điện và các phương pháp làm việc an toàn; tổ chức 150 buổi tuyên truyền về công tác an toàn lao động cho trên 1.200 CNLĐ, 18 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ và hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên cho gần 1.000 lao động. Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tổ chức thường xuyên các hoạt động: Sinh hoạt Câu lạc bộ Tuyên giáo Công đoàn, tìm hiểu các luật Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, các vấn đề về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, cúm A (H1N1), phát hành nhiều tờ gấp tuyên truyền, nâng chất lượng chuyên mục "Lao động & Công đoàn" trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố (DRT) và Báo Đà Nẵng... Qua đó, giúp công nhân, lao động nâng cao kiến thức, có thể tự bảo vệ mình cũng như tạo mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Có thể khẳng định, so với các thành phố lớn có khu công nghiệp và chế xuất tập trung đông công nhân, những năm qua thành phố Đà Nẵng cơ bản bảo đảm được môi trường lao động hài hòa, ổn định, lành mạnh. Ngay cả thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009 là thời điểm khủng hoảng kinh tế tài chính lan rộng với tính chất nghiêm trọng, một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ chờ việc, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hẳn, thành phố không có điểm nóng gây ra những bất ổn về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự làm cho công nhân, lao động tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo Đảng, gắn bó với tổ chức công đoàn, an tâm phát huy năng lực, sở trường phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua tổng kết 14 năm thực hiện Bộ luật lao động (1995 - 2009), thành phố Đà Nẵng được xếp vào một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, trợ cấp an toàn lao động...
Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân thành phố còn bộc lộ những bất cập như: Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp thấp so với yêu cầu và mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động kỹ thuật giữa các bộ phận công nhân; lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn yếu; một bộ phận công nhân bị tha hóa về thái độ lao động, phẩm chất giai cấp và lối sống. Sự dịch chuyển cơ học của một bộ phận lao động có trình độ, kỹ thuật cao cũng làm thay đổi đáng kể chất lượng cơ cấu đội ngũ sản xuất. Hoạt động công đoàn trong điều kiện nền kinh tế thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân, lao động hiệu quả chưa cao; một số chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động còn bị vi phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, các thế lực thù địch câu kết với bọn phản động trong nước và quốc tế, đang xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân, phủ nhận vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nói chung, giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng. Chúng xuyên tạc bản chất cách mạng, phủ nhận vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam.
Khó khăn, thách thức trên, đặt ra cho lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố cũng như các cấp công đoàn ở Đà Nẵng cần tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) của Đảng, Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ; tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt cuộc vận động theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa Di chúc của Bác, nâng cao lòng tự hào giai cấp, tự tôn và ý thức dân tộc để huy động được sự đồng thuận của toàn dân nói chung, công nhân lao động thành phố nói riêng đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2013 có hơn 70% số công nhân qua đào tạo chuyên môn nghề nghiệp; giảm 80% số vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; 65% trở lên số công nhân được tham gia BHXH; có 70 % trở lên số công đoàn cơ sở doanh nghiệp ký thỏa ước lao động
Tiếp tục hoàn chỉnh và thực hiện Đề án về nhà ở cho công nhân lao động nghèo và Dự án cải thiện thông tin hỗ trợ giải quyết việc làm và phát triển kỹ năng nghề nhằm phát triển thị trường, cân bằng giữa cung và cầu lao động, nâng cao năng lực cán bộ đào tạo nghề để có thể bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Phát huy cơ sở dạy nghề có dịch vụ bố trí việc làm. Rút kinh nghiệm tổ chức tốt các phiên chợ hàng Việt phục vụ cho công nhân lao động nghèo tại các khu công nghiệp. Duy trì và nâng cao chất lượng Chợ việc làm định kỳ. Chú trọng nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, chất lượng cán bộ công đoàn góp phần thực hiện tốt chức năng hàng đầu là chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tạo nguồn phát triển Đảng tiến đến thành lập tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp, làm cầu nối vững chắc giữa quần chúng và Đảng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng giai cấp công nhân, phát triển các thành phần kinh tế theo đúng định hướng của Đảng./.
“Sức dẻo dai, ứng biến linh hoạt của doanh nhân Việt Nam trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế”  (30/11/2009)
Mộ Đức củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng  (30/11/2009)
"Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống"  (30/11/2009)
Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân  (30/11/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 190  (30/11/2009)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên