1. Mỹ trừng phạt thương mại đối với ống thép Trung Quốc

Ngày 24-11, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng, quyết định áp mức thuế chống trợ giá từ 10,36 đến 15,78% đối với sản phẩm ống thép dùng trong các giếng dầu do Trung Quốc sản xuất. Tổng giá trị sản phẩm ống thép liên quan đến vụ tranh chấp này đạt khoảng 2,7 tỉ USD. Đây được xem là biện pháp trừng phạt thương mại lớn nhất của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc từ trước tới nay. Phía Trung Quốc đã bất bình mạnh mẽ và cực lực phản đối quyết định này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Diêu Kiên cho rằng, quyết định trên của Bộ Thương mại Mỹ là thiếu cơ sở thực tế, và mang tính kỳ thị. Bởi lẽ, sau nhiều năm cải cách theo hướng thị trường hóa, cơ chế định giá của doanh nghiệp ống thép giếng dầu Trung Quốc, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đều đã thị trường hóa hoàn toàn. Từ đầu năm đến nay, phía Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ giá đối với khoảng 10 sản phẩm của phía Trung Quốc.

2. Liên hợp quốc phát động chiến dịch chống bạo hành phụ nữ

Ngày 25-11, Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch “Chấm dứt nạn bạo hành đối với phụ nữ”, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đối với vấn đề đang trở thành vấn nạn toàn cầu này. Chiến dịch kéo dài trong 16 ngày, bắt đầu từ ngày 25-11 (Ngày Quốc tế loại bỏ nạn bạo hành phụ nữ) và kết thúc vào Ngày Nhân quyền (10-12). Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát động “Mạng lưới các nhà lãnh đạo nam” để giải quyết vấn đề này. Ông khẳng định, nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ không được loại bỏ, chừng nào nam giới chưa từ bỏ bạo lực. "Mạng lưới các nhà lãnh đạo nam chống bạo lực đối với phụ nữ" là nơi tập hợp đông đảo các nhà lãnh đạo đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhân vật nổi tiếng, các nhà hoạt động chống bạo lực đối với phụ nữ ở khắp các châu lục. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, mỗi thành viên của mạng lưới này sẽ hoạt động để hỗ trợ nỗ lực lâu dài của phụ nữ và các tổ chức xã hội trên toàn cầu nhằm loại trừ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.

3. I-ran tước giải Nô-ben Hòa bình của bà Xi-rin En-ba-đi

Ngày 26-11, Chính phủ Na Uy thông báo, lần đầu tiên trong lịch sử Giải Nô-ben Hòa bình, Chính quyền I-ran tước huy chương và bằng của bà Xi-rin En-ba-đi (Shirin Ebadi), người đạt Giải Nô-ben hòa bình cao quý năm 2003 tại Na Uy. Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã triệu tập Đại sứ I-ran tại Thụy Điển và đưa ra phản ứng chính thức với lời khẳng định rằng, đây là một quyết định “gây chấn động”. Đại sứ quán I-ran tại Thụy Điển không muốn đưa ra bình luận. Bà Xi-rin En-ba-đi hiện đang ở nước ngoài cũng chưa có phản ứng về quyết định của chính quyền I-ran. Bà Xi-rin En-ba-đi là một luật sư, một nhà hoạt động nhân quyền và là người sáng lập ra Hội liên hiệp bảo vệ quyền trẻ em ở I-ran. Năm 2003, bà nhận được Giải Nô-ben Hòa bình vì những nỗ lực tiên phong cho sự dân chủ và quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ, quyền trẻ em và quyền của người tị nạn. Bà là người phụ nữ I-ran đầu tiên và cũng là người phụ nữ Đạo Hồi đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này.

4. IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích I-ran

Ngày 27-11-2009, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết chỉ trích I-ran phát triển cơ sở làm giàu u-ra-ni-um một cách bí mật và yêu cầu nước này phải ngừng chương trình này ngay lập tức. Nghị quyết được 25 trên tổng số 35 quốc gia thành viên của IAEA thông qua . Với việc hiếm khi Nga và Trung Quốc ủng hộ như lần này, nghị quyết phản ánh sự bất bình của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của I-ran. Trong khi đó, hầu hết các nước đang phát triển là thành viên của IAEA phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống I-ran và cho rằng, điều đó sẽ mang tính khiêu khích và phản tác dụng. Về phần mình, Bộ Ngoại giao I-ran đã phản đối nghị quyết này của IAEA và cho rằng, bản nghị quyết là "hành động giả tạo và vô dụng".

5. Biểu tình phản đối WTO biến thành bạo lực

Ngày 28-11-2009, hoạt động biểu tình phản đối Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) đã biến thành bạo lực khi những người biểu tình đập vỡ nhiều cửa sổ các cửa hàng, đốt xe ô-tô và xung đột với cảnh sát. Những người chứng kiến biểu tình cho biết, hoạt động biểu tình chủ yếu xảy ra tại những con phố thương mại lớn ở Giơ-ne-vơ. Sau khi cảnh sát xuất hiện, tình hình đã trở nên lắng dịu. Khoảng 3.000 người đã tham gia cuộc biểu tình này, nhằm phản đối việc tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 7 của Tổ chức Thương mại thế giới tại Giơ-ne-vơ, vào ngày 30-11-2009.

6. Gần 8.000 người tử vong do cúm A/H1N1

Ngày 29-11-2009, tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến nay trên thế giới đã có gần 8.000 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Tại các quốc gia châu Mỹ, số bệnh nhân tử vong là 5.360 người; các nước Đông Nam Á là 738 người; các nước châu Âu là 650 người; các quốc gia thuộc Tây Thái Bình Dương là 644 người. WHO cảnh báo, số bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 tại châu Mỹ đang đạt mức đỉnh điểm, đặc biệt là tại Ca-na-đa, đồng thời đánh giá cao các nước châu Âu và Đông Nam Á đang có nhiều biện pháp hữu hiệu ngăn chặn loại vi-rút nguy hiểm này./.