Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc
TCCS - Là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Tây Bắc cũng chính là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng, kinh tế và môi trường sinh thái. Thời gian qua, kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp - nông thôn nói riêng của vùng Tây Bắc được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã có bước phát triển nhất định, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nông nghiệp - nông thôn cả nước.
Tây Bắc bao gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, 11 huyện ở miền Tây Thanh Hóa, 10 huyện ở miền Tây Nghệ An. Đây là khu vực đồi núi hiểm trở, gặp nhiều khó khăn về giao thông, thường xuyên phải chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, như lũ, sạt lở, hạn hán, tố lốc... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, chủ động ứng phó với thiên tai, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ban, ngành cùng các địa phương trong vùng Tây Bắc triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án quan trọng, trong đó có Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013). Trong năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bám sát nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Bắc, chỉ đạo quyết liệt và chủ động phối hợp với các địa phương, các đơn vị triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, các giải pháp và đã thu được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu đề ra.
Triển khai mạnh mẽ các chương trình phát triển nông thôn
Chương trình xây dựng nông thôn mới được xác định là cuộc cách mạng để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung vào công tác nâng cao chất lượng quy hoạch, quan tâm đến quy hoạch sản xuất, xây dựng đề án chi tiết và các tiêu chí khác. Qua 4 năm triển khai, các tỉnh khu vực Tây Bắc mặc dù có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn nhiều vùng trong cả nước, nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Xây dựng nông thôn mới dần trở thành phong trào rộng khắp trong đời sống đồng bào các dân tộc. Đội ngũ cán bộ cơ sở có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động nhân dân và trình độ tổ chức quản lý xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, điện, nước sạch, công tác xóa nhà tạm… Đời sống người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân tăng 35%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 8% so với trước. Đến nay, đã có 94% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung về nông thôn mới (tỷ lệ bình quân cả nước là 96,4%). Nhiều xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết sản xuất, quy hoạch chi tiết hạ tầng kinh tế - xã hội, phê duyệt xong đề án chi tiết… Bình quân các xã trong khu vực đã đạt 7,5 tiêu chí (tăng 3,8 tiêu chí so với năm 2010); số xã đạt 19 tiêu chí là 27 xã, chiếm 1,2% số xã trong vùng, trong đó có 13 xã được công nhận (cả nước là 785 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 8,9%, trong đó có 512 xã đã được công nhận). Trong số các tỉnh vùng Tây Bắc, Phú Thọ và Hòa Bình là hai tỉnh có mức đạt tiêu chí bình quân cao nhất, lần lượt đạt 9,72 và 9,38 tiêu chí.
Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn khác cũng được triển khai tích cực, trong đó có chương trình bố trí ổn định dân cư. Công tác bố trí dân cư khu vực vùng Tây Bắc những năm qua đã góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ổn định cho đối tượng là những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo ở các vùng dễ xảy ra rủi ro. Tính đến hết năm 2014, Tây Bắc thực hiện bố trí ổn định cho 3.318 hộ, trong đó ổn định tại chỗ đạt 8%; di dân tập trung đạt 21%; xen ghép đạt 30%. Nhiều hộ được di chuyển ra khỏi vùng thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ), vùng đặc biệt khó khăn. Công tác di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện Sơn La, Lai Châu cũng được đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh Sơn La đã triển khai lập, phê duyệt 2.853/2.962 dự án thành phần, đạt 96,32%; hoàn thành và đưa vào sử dụng 2.435 dự án; giao và tạm giao 24.859,14ha/13.571,8ha đất nông nghiệp, đạt 104,32%. Dự án di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết 5/5 khu tái định cư tập trung nông thôn; lập, phê duyệt 24 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 7 dự án. Đời sống người dân khu tái định cư từng bước ổn định, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cần thiết, các công trình kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng...
Song song với chương trình bố trí, ổn định dân cư, các chương trình, dự án về giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn, như Chương trình 135, Chương trình 30a... đều được hướng dẫn, triển khai các bước theo tiến độ trên địa bàn Tây Bắc. Nhiều mô hình giảm nghèo được xây dựng và nhân rộng, như mô hình chế biến chè ở tỉnh Tuyên Quang; mô hình trồng mít Thái ở tỉnh Lào Cai; mô hình trồng chè giống mới ở tỉnh Phú Thọ; mô hình nuôi bò sinh sản ở huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa)... Một số địa phương trong vùng cũng đã chủ động đầu tư xây dựng mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, tập trung vào các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây lương thực chất lượng cao...
Trong năm qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng thủy lợi ở nông thôn trên địa bàn Tây Bắc được tập trung hoàn thiện từ khâu quy hoạch, với 2 quy hoạch lớn của vùng là: Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Mã (thuộc phạm vi các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa), và quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu - sông Thương (thuộc phạm vi của các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn và một số địa phương khác). Các dự án phát triển thủy lợi, an toàn đê điều, như dự án bảo đảm an toàn công trình hồ đập, kiên cố hóa kênh mương, xử lý sạt lở bờ sông... tiếp tục được đầu tư với 4 dự án hoàn thành gồm: Dự án sửa chữa nâng cấp cụm hồ Sơn La; cụm hồ Nghệ An; cụm hồ Ngòi Vần (tỉnh Phú Thọ); cụm hồ Thạch An (tỉnh Cao Bằng). Nhiều dự án tiếp tục được thực hiện trong năm 2014, như hồ Nậm Ngam - Pú Nhi (tỉnh Điện Biên); hồ Bản Mòng (tỉnh Sơn La); hồ Bản Mồng, hồ sông Sào (tỉnh Nghệ An); công trình chống lũ thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); công trình đầu mối và hệ thống kênh hồ Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa)...
Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi đang từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được triển khai, nhất là ở vùng thiếu nước, vùng biên giới, vùng có địa hình núi đá. Tỷ lệ số dân nông thôn khu vực Tây Bắc được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 78% (cả nước đạt 84%); nhà tiêu hợp vệ sinh: 48% (cả nước: 62%).
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chú trọng công tác khuyến nông, đào tạo nghề
Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong nông nghiệp kết hợp với công tác khuyến nông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Do vậy, thời gian qua, Tây Bắc tập trung đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi có khả năng tạo ra sản lượng hàng hóa, đồng thời phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực toàn vùng, như chè, ngô, lúa, gia cầm, keo, bạch đàn, cá nước lạnh... Năm 2014, sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc gặp một số bất lợi về thời tiết (rét đậm, rét hại, hạn hán), giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao..., nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh Tây Bắc chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực, khắc phục khó khăn, tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và dự báo nhu cầu thị trường, lĩnh vực trồng trọt, Tây Bắc đã cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giảm diện tích gieo trồng lúa ở những nơi không có lợi thế, hiệu quả sản xuất thấp sang trồng ngô, trồng màu, cây làm thức ăn chăn nuôi... Đến nay, các tỉnh vùng Tây Bắc đã chuyển đổi được 4.700ha. Một số địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình... đã xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi thành công đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Với diện tích được xác định chuyên cho trồng lúa, các địa phương tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất và chất lượng. Với diện tích trồng lúa của 12 tỉnh miền núi phía Bắc là 504.000ha, năm 2014 năng suất đạt 48,4 tạ/ha (tăng 0,8 tạ/ha so với năm 2013), đạt sản lượng 2.340.000 tấn (tăng 22.000 tấn so với năm 2013); diện tích trồng ngô đạt 484.500ha (tăng 7.000ha so với năm 2013), năng suất đạt 40 tạ/ha (tăng 2,4 tạ/ha), sản lượng đạt 1.938.000 tấn (tăng 151.000 tấn so với năm 2013).
Cây công nghiệp hằng năm và cây thực phẩm tiếp tục được đầu tư phát triển về chất lượng giống, kỹ thuật canh tác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Diện tích cây công nghiệp hằng năm đạt 88.000ha (tăng 4.400ha), cây thực phẩm đạt 84.000ha (tăng 8,000ha so với cùng kỳ năm trước).
Về chăn nuôi, các địa phương phát triển theo hướng trang trại, gia trại với sự tư vấn và hướng dẫn quy trình một cách thường xuyên từ các nhà khoa học, các chuyên gia và cán bộ khuyến nông. Nhờ thế, một số dịch bệnh đã được khắc phục và hạn chế, giá trị sản xuất chăn nuôi về cơ bản được duy trì dù còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá sơ bộ, số lượng đàn trâu, bò, lợn của 12 tỉnh trong vùng tương đương cùng kỳ năm trước (trâu có khoảng 1.300.000 con; đàn bò khoảng 911.000 con, đàn lợn khoảng 4.600.000 con, gia cầm khoảng 42.000.000 con).
Công tác khoa học - công nghệ của vùng Tây Bắc còn tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Các địa phương tập trung chọn giống tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt để trồng, chăm sóc, tạo các rừng cây gỗ lớn. Nhờ đó, năm 2014, các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp đều đạt và vượt so với kế hoạch, trồng rừng ước đạt 92.000ha; chăm sóc rừng trồng gần 161.000ha; khoanh nuôi tái sinh đạt 265.000ha; khoán bảo vệ rừng gần 2.900.000ha.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng Tây Bắc được xác định là khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năm 2014, tổng số lao động nông thôn của vùng được đào tạo nghề nông nghiệp là 37.000 người, nhiều lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhiều mô hình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được triển khai rộng rãi và được nhân rộng hiệu quả ở một số địa phương, không chỉ tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động nông thôn về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn mà còn góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Bắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn Tây Bắc phải đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6-2013, tuy nhiên, đến nay chỉ có 7/14 tỉnh trong vùng (Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn, Nghệ An) phê duyệt Kế hoạch hành động/Đề án thực hiện tại địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có chuyển biến ở nhiều địa phương nhưng nhìn chung còn chậm; kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn thiếu bền vững, ở nhiều nơi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc. Chất lượng sản phẩm chậm được cải thiện, sức cạnh tranh yếu; khối lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất ra chưa nhiều nhưng tiêu thụ khó khăn, xuất khẩu tăng chậm. Hạ tầng nông nghiệp và nông thôn tuy được cải thiện nhưng chưa thực sự chuyển biến mạnh. Rừng còn bị tàn phá ở nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm nguồn nước diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương, đe dọa tính bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, biên giới... Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng vẫn chỉ đạt khoảng 50% mức bình quân chung cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới nhìn chung triển khai chậm tiến độ; chất lượng hoạt động của một số ban chỉ đạo còn hạn chế. Do vậy, để khai thác tốt và có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đề ra đòi hỏi các tỉnh Tây Bắc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong các cấp, ngành cùng nhân dân trong vùng về cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tích cực thực hiện nhiều biện pháp để triển khai việc cơ cấu lại các lĩnh vực chuyên ngành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt để áp dụng tại địa phương; làm tốt công tác quy hoạch và các kế hoạch phát triển ngành chi tiết cụ thể thực hiện các quy hoạch.
Ba là, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng, gắn với cơ sở chế biến công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chú ý ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh như vùng nguyên liệu gỗ giấy, cây chè, cao su, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản nước lạnh và các cây, con đặc sản của vùng.
Bốn là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn kết sản xuất tiêu thụ giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác; tiếp tục xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành phù hợp với cây con, ngành nghề; tổng kết, đánh giá các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả để nhân rộng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp). Đối với các vùng nông thôn, miền núi, nông nghiệp phát triển một phần dựa trên mô hình hộ gia đình, cần xây dựng mô hình hộ sản xuất giỏi, quy mô phù hợp để phổ biến, nhân diện rộng.
Năm là, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, tập trung cho những dự án quan trọng, theo thứ tự ưu tiên, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt hình thức hợp tác công - tư, nhất là trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động tại chỗ, phục vụ phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn, như thủy điện, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn thông qua việc tập trung chỉ đạo, thực hiện để 100% số xã trong vùng phê duyệt xong quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, kết nối các làng, xã đến thị trấn, trung tâm tỉnh, thành phố. Phát triển các khu đô thị nhỏ, các cụm dân cư với cách thức tổ chức cuộc sống tương tự như dân cư thành thị. Hỗ trợ, đầu tư tập trung và đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề... đối với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề theo các nghề trọng điểm đã được quy hoạch; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Xây dựng quy hoạch làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái, bảo vệ môi trường; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống./.
Sự yêu mến của cộng tác viên, sự gửi gắm và tin cậy của bạn đọc với Tạp chí lý luận của Đảng  (03/08/2015)
Một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn của Tạp chí Cộng sản  (03/08/2015)
Thủ tướng sẽ thăm Malaysia và dự kỷ niệm 50 năm Ngày Độc lập Singapore  (02/08/2015)
Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cayson Phomvihane tăng hợp tác  (02/08/2015)
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mở lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng  (02/08/2015)
Anh muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ASEAN  (02/08/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển