Mô hình một cửa liên thông ở Thái Bình: Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng, có dân số 1,78 triệu người, diện tích tự nhiên 1.647,7 km2. Là tỉnh có đất đai bằng phẳng, màu mỡ, có kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp, Thái Bình là tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong quá trình đổi mới, Thái Bình đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng con người, tài nguyên, khoáng sản (Nguồn khí đốt ở mỏ Tiền Hải, bể than Đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn trên 210 tỷ tấn ở độ sâu từ 600 đến 1.600m,...).
Trong thu hút đầu tư, Thái Bình đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, như tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thái Bình tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Nam Định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đi nghiên cứu, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
Về các chính sách, các thủ tục quy định liên quan đến thu hút đầu tư, Thái Bình có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào tỉnh (Quyết định 09/2012/QĐ-UBND, ngày 10-3-2012 của UBND tỉnh Thái Bình), trong đó có các ưu đãi về kinh phí san lấp mặt bằng, hỗ trợ người lao động đào tạo nghề... đối với danh mục các dự án, lĩnh vực được ưu đãi và các chính sách cụ thể về đơn giá thuê đất, đầu tư vào địa bàn khó khăn... Tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển; chính sách ưu đãi cho các dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội...; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và các cụm công nghiệp... bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cải thiện môi trường đầu tư đặc biệt là thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư là nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Và sự ra đời của Bộ phận một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư là một giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh
Trước đây, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư được thực hiện theo cơ chế một cửa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh theo Quyết định 19/2009/QĐ-UBND Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông của tỉnh trong hoạt động đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh theo Quyết định số 21/2009/QĐ-UBND Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Như thế, cùng là thủ tục đầu tư nhưng với các dự án vào các khu công nghiệp thì thực hiện tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, với các dự án còn lại thì thực hiện thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sự phân tán về đầu mối cũng như những khác nhau trong quy trình, thủ tục, tiến độ giải quyết hồ sơ ở mỗi đầu mối gây những khó khăn nhất định cho các nhà đầu tư; đồng thời cũng tạo nên những khó khăn nhất định trong hoạt động của các sở, ngành chức năng về phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư.
Nhằm khắc phục tình trạng đó, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, ngày 30-8-2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 1916/QĐ-UBND về việc thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông (Bộ phận Một cửa liên thông) trong lĩnh vực đầu tư tại Thái Bình; ban hành Quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư. Như vậy, kể từ ngày 10-9-2013, Thái Bình chỉ có một Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông của tỉnh trong hoạt động đầu tư và chỉ có một Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đặt tại Văn phòng UBND tỉnh.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông là cơ quan duy nhất trực tiếp làm việc với nhà đầu tư, chủ đầu tư để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; có mối quan hệ phối hợp trong công tác chuyên môn với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan. Là một trong các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực đầu tư, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hoạt động độc lập về chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công, chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, thủ tục liên quan đến thủ tục đầu tư; là bộ phận đầu mối trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra, lập mã số dự án đầu tư và chuyển hồ sơ của các dự án đến các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết; tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; nhận và trả lại kết quả cuối cùng cho nhà đầu tư, chủ đầu tư.
Tinh thần đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư được thể hiện rất rõ trong các nguyên tắc hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông. Đó là: Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật, không chồng chéo; Công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, các giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết; Nhận yêu cầu đầu tư và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh; Các cơ quan chức năng khác không được trực tiếp liên hệ và đưa ra yêu cầu đối với nhà đầu tư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; Giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện; Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh trong quá trình giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.
Việc thành lập và đi vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông là một bước đột phá, thể hiện quyết tâm cao của Thái Bình trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế một cửa liên thông với đúng nghĩa một cửa trong hoạt động đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh cũng như góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Những kết quả bước đầu
Ngay sau khi được thành lập, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế gồm 7 người, trong đó, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm Trưởng Bộ phận, có các phó trưởng bộ phận và các chuyên viên. Bộ phận Một cửa liên thông triển khai công tác hướng dẫn các nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời hạn giải quyết công việc liên quan đến hoạt động đầu tư tại Bộ phận Một cửa liên thông tỉnh, trên Cổng thông tin điện tử Thái Bình và hệ thống Mạng một cửa liên thông của tỉnh; đôn đốc các cơ quan chức năng về tiến độ giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; cập nhật và công khai tiến độ giải quyết thủ tục theo từng dự án trên hệ thống Mạng một cửa liên thông của tỉnh. Để các nhà đầu tư nắm rõ các bước thực hiện dự án, trên cơ sở các quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Thái Bình, Bộ phận Một cửa liên thông xây dựng Quy trình thực hiện dự án, trong đó nêu rõ thứ tự giải quyết các thủ tục, thời gian, cơ quan giải quyết, chỉ rõ danh mục thủ tục để nhà đầu tư lựa chọn. Bộ phận Một cửa liên thông còn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của mỗi dự án đầu tư.
Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông đã thể hiện rõ tính hiệu quả, tinh thần đổi mới, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, được các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Trong năm 2014, số lượng hồ sơ phải giải quyết tại Bộ phận Một cửa liên thông là 1.102 hồ sơ (tiếp nhận năm 2014 là 1.038 hồ sơ, chuyển từ năm 2013 sang là 68 hồ sơ) thuộc các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng. Trong số đó, 992 hồ sơ đã được giải quyết và trả kết quả, chiếm tỷ lệ 90,01%; 96 hồ sơ đang trong quá trình giải quyết, chiếm 8,71%; 14 hồ sơ không đáp ứng yêu cầu theo quy định, đã được trả lại cho nhà đầu tư, chủ đầu tư, chiếm 1,27%. So với năm 2013, số lượng dự án được chấp thuận nghiên cứu và giới thiệu địa điểm đầu tư tăng gần 4 lần (135/35 dự án); dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng tăng hơn 4 lần (93/24 dự án). Bộ phận Một cửa liên thông đã phát hành 1.490 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp công tác, gồm 611 công văn và 879 phiếu chuyển hồ sơ; đã thu trên 265 triệu đồng phí, lệ phí các loại và thanh quyết toán với các cơ quan phối hợp có phí phát sinh (1).
So sánh với mô hình bộ phận một cửa liên thông đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, mô hình Bộ phận Một cửa liên thông tại Văn phòng UBND tỉnh có những cải tiến rõ rệt. Trong mô hình này, các chuyên viên có kinh nghiệm (từ cấp phó trưởng phòng trở lên) trực tiếp tiếp nhận, trả và tham mưu giải quyết các thủ tục theo đúng chuyên môn, lĩnh vực quản lý được giao, thể hiện tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao trong công việc, khắc phục được các hạn chế của mô hình một cửa liên thông đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; trực tiếp tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của cấp sở, ngành cho nhà đầu tư, chủ đầu tư. Trưởng Bộ phận một cửa liên thông có thể xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thường trực UBND tỉnh, phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư với lãnh đạo UBND tỉnh. Các cơ quan chấp hành giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định, công khai, rõ ràng, được nhà đầu tư, chủ đầu tư đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Mặc dù thời gian hoạt động mới được gần 2 năm, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động còn không ít, tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của Bộ phận Một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư tại Văn UBND tỉnh Thái Bình có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Thành lập và triển khai hoạt động Bộ phận Một cửa liên thông tại Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình là một đột phá quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư của tỉnh, mô hình này đã thể hiện những ưu điểm so với mô hình đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính hiệu quả, được các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và dư luận xã hội ủng hộ, đánh giá cao.
- Các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư theo mô hình này được thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc; đồng thời, thuận tiện trong kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và thuận tiện trong theo dõi, giám sát của nhà đầu tư đối với quá trình giải quyết thủ tục của mình.
- Trong mô hình này, nguyên tắc một cửa, một đầu mối được bảo đảm, nhà đầu tư chỉ phải đến nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết tại một đầu mối là Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông chặt chẽ hơn; trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong chuỗi thủ tục của mỗi dự án được phân công cụ thể, rõ ràng hơn. Điều này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực thi công vụ và chất lượng xử lý công việc của cán bộ, công chức.
- Bộ phận một cửa liên thông của tỉnh đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Đây là điểm nhấn quan trọng, thể hiện rõ quan điểm tạo thuận lợi mời gọi đầu tư cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực này. Những điều đó được nhà đầu tư đánh giá cao, tạo được sự đồng thuận và niềm tin rất lớn của cộng đồng các nhà đầu tư và tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Bằng việc triển khai thực hiện mô hình Bộ phận Một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, Thái Bình đã thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả bước đầu đã mang lại những thuận lợi nhất định cho nhà đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá cao. Mô hình này sẽ còn được tỉnh tiếp tục hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, hấp dẫn đầu tư./.
-----------------------------------------------
(1) Báo cáo về mô hình hoạt động của Bộ phận một cửa liên thông của Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình ngày 10-7-2015
Việt Nam: 20 năm hợp tác, đồng hành và phát triển cùng ASEAN  (27/07/2015)
Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam  (27/07/2015)
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil thăm, làm việc tại Việt Nam  (27/07/2015)
"Vinh quang Việt Nam" tôn vinh điển hình trong xây dựng đất nước  (27/07/2015)
Chủ tịch nước tiếp Đại diện IMF  (27/07/2015)
Việt Nam, New Zealand tăng cường hợp tác nông nghiệp, an toàn thực phẩm  (27/07/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay