TCCSĐT - Trong chuỗi sự kiện chính của “Tuần lễ Du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long 2015”, ngày 29-6-2015, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu đại cho các bộ, ngành, trung ương, lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo trong nước.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, thống nhất nhận thức, đề xuất những ý tưởng, giải pháp, tạo mối liên kết, nhằm góp phần xây dựng một Chương trình hành động “Phát triển du lịch xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng trước thách thức của tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn tài nguyên tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, hoạt động du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng sôi động với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn đạt trên 10%. Năm 2014, toàn vùng đã đón hơn 22,4 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 6.360 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Trong đó, du lịch xanh với những hoạt động trọng tâm như du lịch tìm hiểu sông nước, miệt vườn; du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch biển, đảo; du lịch tâm linh ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là: sự trùng lặp trong các tua, tuyến du lịch; các sản phẩm du lịch của nhiều địa phương chưa thể hiện rõ tính đặc thù, kém hấp dẫn; mức độ hợp tác liên kết phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh và hoạt động phối hợp xúc tiến du lịch giữa các địa phương trong vùng với nhau và với các địa phương khác trong nước còn hạn chế, nặng tính hình thức; thiếu một “nhạc trưởng” với vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động du lịch chung của vùng; Tổng cục Du lịch chưa làm tốt vai trò thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng thông qua việc hỗ trợ các dự án; nguồn nhân lực của ngành du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu và yếu,…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, góp ý các nội dung: Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long; Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển du lịch xanh với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi du lịch xanh; Công nghệ xanh trong các mô hình lưu trú khách sạn; Phát triển du lịch xanh từ mô hình du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang; Liên kết phát triển các tuyến, điểm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đường sông ở đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm đặc thù du lịch xanh “Thế giới sông nước Me Kông”,…

Hội thảo đã thống nhất, trong phát triển du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, cần tuân thủ 3 nguyên tắc: một là, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch; hai là, hạn chế tác động của các chất thải từ hoạt động du lịch; ba là, ưu tiên phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. Hội thảo cũng đề xuất một số giải pháp liên kết phát triển du lịch xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới là:

- Tăng cường mối “liên kết dọc” giữa: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp du lịch. Trong đó, nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng môi trường pháp lý cho hoạt động du lịch; nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ; doanh nghiệp triển khai các mô hình du lịch xanh phù hợp với đặc thù của địa phương và vùng.

- Đẩy mạnh các hoạt động “liên kết ngang” giữa các địa phương trong phát triển các sản phẩm du lịch xanh đặc thù, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu du lịch xanh, xây dựng bộ tiêu chí ‘Nhãn du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long”, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng du lịch của vùng và ở một số khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch xanh,...

- Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Tổng Cục Du lịch, tập trung vào 3 vấn đề có tính đột phá là: xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng trong phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

- Sớm thành lập Ban Chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban Chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết phát triển du lịch toàn vùng theo các chương trình, đề án đã đề ra.

- Kết nối thị trường du lịch, hình thành các cụm ngành du lịch dựa vào các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia trên cơ sở có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, hiệp hội du lịch, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp du lịch, các tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông đại chúng và công chúng./.