Sự tương đồng giữa chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến dịch Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Diễn ra sau chiến dịch Điện Biên Phủ đúng 21 năm, chiến dịch Hồ Chí Minh có sự tương đồng, kế thừa và phát triển lên tầm cao mới.
Với chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21-7-1954).
Mùa Xuân năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, với một loạt chiến dịch lớn, mà quan trọng là chiến dịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành được đại thắng lợi, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giữa chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng, và chiến dịch Hồ Chí Minh có sự kế thừa từ chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy nhiên, chiến dịch Hồ Chí Minh có sự phát triển ở tầm cao mới.
Thứ nhất, đó là hai trận quyết chiến chiến lược
Lịch sử cho thấy, các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta thường được kết thúc bởi các trận quyết chiến chiến lược, tiêu biểu là trận Bạch Đằng năm 938, đánh bại quân Nam Hán; trận Như Nguyệt năm 1077, đánh tan quân Tống; trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, đại phá quân Thanh;...
Trong thế kỷ XX, dân tộc ta phải đối đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - các cường quốc quân sự phương Tây, có nhiều lợi thế hơn ta về tiềm lực kinh tế và phương tiện chiến tranh.
Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không không chịu làm nô lệ”(1) và với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng, cả nước ta đã đồng lòng, chung sức, cùng đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong suốt 09 năm kháng chiến (1945 - 1954), dân tộc ta đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh địch mọi nơi, mọi lúc. Trên mặt trận đấu tranh quân sự, quân và dân ta đã tiến hành hàng nghìn trận đánh, 46 chiến dịch với quy nhỏ, vừa và lớn(2), lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch của thực dân Pháp. Mở đầu là chiến dịch phản công trên chiến trường rừng núi Việt Bắc, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” và cuối cùng là chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất đến thời điểm lúc bấy giờ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên địa bàn rừng núi Tây Bắc, thuộc tỉnh Điện Biên ngày nay, trong thời gian 56 ngày đêm. Với chiến dịch này, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân đội Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, mà các tướng lĩnh Pháp, Mỹ cho rằng, đó là “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Với chiến dịch này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 03 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội ngụy và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng,…; thu toàn bộ vũ khí và kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe quân sự, 5.915 súng các loại, bắn rơi, phá hủy 57 máy bay.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với các thắng lợi trên khắp các chiến trường cả nước và toàn Đông Dương trong giai đoạn Đông Xuân 1953 - 1954 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.
Pháp thất bại, Mỹ lợi dụng tình thế, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Một lần nữa dân tộc Việt Nam lại đứng lên tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, với ý chí quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước cùng ra trận, cả nước cùng chiến đấu bằng trí thông minh và lòng quả cảm.
Suốt 21 năm, trên cả hai miền đất nước, mà quan trọng là ở miền Nam, quân và dân ta đã tiến hàng nghìn trận đánh, với gần 40 chiến dịch(3), đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, chiến lược chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải “cút”, ngụy phải “nhào”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, An Lão được coi là chiến dịch đầu tiên, diễn ra từ ngày 29-11 đến ngày 08-12-1964 trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định, và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975, đánh vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Với chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt, làm tan rã khoảng 250.000 tên địch, gồm 07 sư đoàn bộ binh, 05 lữ đoàn dù, kị binh thiết giáp, pháo binh, 04 sư đoàn không quân,…; thu 500 súng pháo, trên 400 xe tăng, xe bọc thép, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3.000 xe quân sự, 270.000 khẩu súng các loại; giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh lân cận(4).
Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch tiến công lớn nhất, trận quyết chiến chiến lược vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - đại thắng lợi, đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1989, trong một bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ sau 35 năm thắng lợi, có đoạn: “Điện Biên Phủ cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh, với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã trở thành những “cây mốc bằng vàng” trong lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam”(5).
Thứ hai, thắng lợi của hai chiến dịch đó là tổng hợp sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh
Chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh là những chiến dịch tiến công chiến lược. Sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, bao gồm cả yếu tố chính trị - tinh thần, ý chí, trí tuệ Việt Nam, sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, chiến trường chính và chiến trường phối hợp, sức mạnh của lực lượng vũ trang 03 thứ quân,… được huy động tối đa, nhân lên gấp bội, trở thành nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của hai chiến dịch này.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Điện Biên Phủ là chiến trường chính, là tiền tuyến; cả nước vừa là chiến trường phối hợp, vừa là hậu phương, cùng chiến đấu và chi viện cho Điện Biên Phủ.
Sức mạnh của cả nước được huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ ở mức cao nhất trên tất cả mọi phương diện, cả về lực lượng, vũ khí, trang bị, hậu cần,… Riêng lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lên tới hơn 80.000 người, trong đó lực lượng bộ đội chủ lực khoảng 55.000 người, mà quan trọng là 05 trong số 07 đại đoàn chủ lực cơ động chiến lược (đại đoàn 308, 312, 316, 304 [thiếu Trung đoàn 66] và đại đoàn Công - Pháo 351). Lực lượng dân công phục vụ chiến dịch là 261.454 lượt người, cùng hàng vạn thanh niên xung phong từ các địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc, Liên khu 4 và Liên khu 3. Về hậu cần, huy động được 25.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1. 909 tấn thực phẩm,...
Sức mạnh của cả nước còn được thể hiện ở chỗ, khắp các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu Việt Bắc, Khu Tả ngạn sông Hồng,…, quân và dân ta liên tục mở các chiến dịch, trận đánh tiến công vào các vị trí của địch, dồn chúng vào thế hoàn toàn bị động, phải đối phó khắp nơi, đẩy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế bị cô lập hoàn toàn.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả trực tiếp của của 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến ngày 07-5-1954) chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tài trí và mưu lược của quân và dân ta; của toàn chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954; và cũng là kết quả của 09 năm kháng chiến (1945 - 1954). Nói cách khác, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc quyết đánh và quyết thắng đã làm nên chiến công Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Mùa Xuân 1975, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đánh tan cơ quan đầu não và lực lượng quân sự quan trọng nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta một lần nữa lại được huy động ở mức cao nhất. Riêng lực lượng bộ đội chủ lực có các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), tức là toàn bộ các quân đoàn lúc bấy giờ, với 15 sư đoàn bộ binh, 06 trung đoàn, 04 tiểu đoàn và một số đại đội đặc công, biệt động; 03 lữ đoàn, trung đoàn và 06 tiểu đoàn tăng - thiết giáp; 22 lữ đoàn, trung đoàn và 08 tiểu đoàn pháo binh; các đơn vị binh chủng khác và một bộ phận không quân, hải quân. Cùng với đó là lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch.
Sức mạnh tổng hợp của cả nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rất rõ nét ở trí tuệ Việt Nam, đó là tài trí chỉ đạo, lãnh đạo chiến tranh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam trong mùa Xuân năm 1975, của 21 năm kháng chiến chống Mỹ và đồng thời là của 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975).
Có thể nói, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những biểu trưng cao đẹp nhất của sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ ba, nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới
Tất cả các chiến dịch mà quân và dân ta tiến hành trong 30 chiến tranh giải phóng dân tộc, kể từ chiến dịch đầu tiên (chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông năm 1947) đến chiến dịch cuối cùng (chiến dịch Hồ Chí Minh), đều có nét chung là sự thể hiện rõ nét nghệ thuật chiến dịch chiến tranh nhân dân Việt Nam. Lực lượng tham gia chiến dịch không chỉ có bộ đội chủ lực, mà còn có cả lực lượng vũ trang tại chỗ, cùng nhân dân trên địa bàn chiến dịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công lớn nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến đó.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong thời gian dài (56 ngày đêm), được tiến hành theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Để bảo đảm thắng lợi, ta đã tổ chức, thực hiện thành công nghệ thuật chiến dịch tiến công, nổi lên là:
- Sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng xiết chặt cụm cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của địch.
- Tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp và tiến tới tiêu diệt từng khu vực trọng yếu nhất của địch để giành thắng lợi quyết định.
- Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu của địch.
Nét bao trùm nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh tiêu diệt lớn, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm (hình thức phòng ngự kiên cố, hiện đại nhất của quân Pháp lúc bấy giờ), đánh tan toàn bộ sinh lực địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của chúng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, cả về quy mô lực lượng, cường độ tiến công, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng và mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược.
Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới, thể hiện tập trung ở một số nét tiêu biểu sau:
- Tập trung lực lượng quân sự lớn nhất, hình thành ưu thế áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã nhanh chóng tập đoàn phòng ngự lớn nhất của địch ở trung tâm đầu não của chúng. Lực lượng cơ động đã được tổ chức ở quy mô cấp quân đoàn, lớn và mạnh hơn nhiều so với lực lượng chủ lực quy mô cấp đại đoàn (sư đoàn) như trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Trước khi nổ súng mở màn chiến dịch, ta đã hình thành được thế trận bao vây chặt thành phố Sài Gòn - Gia Định trên tất cả các hướng. Đó là thế trận rất hiểm, dựa trên lực lượng rất mạnh của toàn chiến dịch, với cả lực lượng quân sự và chính trị, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, trong đó nổi lên vai trò nòng cốt, quyết định, đi trước một bước của các quân đoàn cơ động chiến lược.
- Chiến dịch diễn ra trong thời gian rất ngắn (từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975), dứt điểm nhanh, có sự kết hợp chặt chẽ giữa tập trung lực lượng ưu thế để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực cơ động của địch ở tuyến phòng thủ vòng ngoài với thọc sâu của các binh đoàn cơ giới, đột kích lớn vào trung tâm thành phố, chiếm các mục tiêu quan trọng nhất.
- Thực hiện hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp ăn ý giữa các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương, giữa các hướng tiến công, giữa các binh chủng.
- Lấy tiến công quân sự làm chính, đòn tiêu diệt lớn của khối chủ lực giữ vai trò quyết định, đồng thời phát huy sức mạnh lớn nhất của cả lực lượng quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất. Chính đòn tiến công quân sự rất mạnh, rất nhanh đã thu hút, tiêu diệt, làm tan rã phần lớn lực lượng chủ lực địch, phá vỡ phòng tuyến vòng ngoài của chúng, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy làm chủ khóm, phường, đường phố. Đó chính là sự kết hợp trên quy mô lớn của ba mũi giáp công, tiến công về quân sự và sự nổi dậy đồng loạt của quần chúng.
Kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự là nét xuyên suốt trong lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, mà tiêu biểu là trong hai trận quyết chiến chiến lược - chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã góp phần làm nên Đại tháng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam./.
-----------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 4, tr. 480
(2) Trong đó có 4 chiến dịch diễn ra trên địa bàn nước bạn
(3) Tính riêng các chiến dịch diễn ra trên chiến trường miền Nam Việt Nam
(4) Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 177 - 178
(5) Võ Nguyên Giáp: 35 năm suy nghĩ về Điện Biên Phủ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 4-1989, tr. 8
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 25  (15/05/2015)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc hội đàm ở biên giới  (15/05/2015)
Hà Nội lập tổ công tác liên ngành kiểm tra nhiều dự án giao thông  (15/05/2015)
Đề xuất lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu bắt đầu từ năm 2018  (15/05/2015)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân  (15/05/2015)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân  (15/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên