Chiều 15-5, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp liên ngành về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục có những chuyển biến rõ nét.

Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân; từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hầu hết các lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định, đã quyết định giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân.

Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nên đã đạt được những kết quả tích cực; tiếp tục duy trì tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt cao.

Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được các bộ, ngành, địa phương triển khai khá nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai Luật tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; vẫn còn một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân; xử lý đơn thư còn chậm. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế nhất định, tỷ lệ tiếp tục khiếu kiện còn cao; quá trình giải quyết vẫn còn sai sót.

Một số địa phương, tình trạng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm; hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế…

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự chuyển biến tích cực. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về công tác tiếp dân. Tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, xây dựng chợ, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các điểm nóng về an ninh, trật tự.

Các bộ, ngành chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về công tác tiếp dân. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo...

Trường hợp có khiếu kiện đông người cần thành lập ngay tổ công tác về địa phương để tổ chức đối thoại, bàn biện pháp giải quyết, không để công dân lưu lại dài ngày ở Hà Nội. Đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài cần chủ động nắm tình hình, tích cực phối hợp, giải quyết dứt điểm, bảo đảm an ninh trật tự. Mục tiêu là giảm khiếu nại, bức xúc, kéo dài đoàn đông người, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý các tỉnh, thành phố rà soát ngay các vụ khiếu nại, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Lãnh đạo địa phương cần sâu sát, quyết liệt tập trung giải quyết dứt điểm các vụ phức tạp tại địa phương; khẩn trương thực hiện triệt để, dứt điểm các vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đã được kiểm tra, rà soát, thống nhất biện pháp giải quyết.

Các bộ, ngành cần chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch; tham mưu lập tổ công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo nhất là ở những địa bàn có nhiều vụ tồn đọng, bức xúc, đông người, vượt cấp, công dân tập trung lên Trung ương; có biện pháp để công dân trở về giải quyết tại địa phương…/.