Chủ tịch nước trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn của Nga
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật vai trò của tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, đặc biệt là Hồng quân, của sự hy sinh lớn lao của nhân dân Xôviết trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong.
Chủ tịch nước khẳng định, nhân dân toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn nỗ lực anh hùng và sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sỹ Hồng quân và người dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa phátxít và không bao giờ quên những tổn thất của nhân dân Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó.
Thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, cổ vũ nhân dân các nước, trong đó có người dân Việt Nam, vùng lên chống ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phátxít và chủ nghĩa quân phiệt để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Với tầm nhìn sáng suốt, sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam và sự khích lệ của chiến thắng của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Về nguy cơ viết lại lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và thanh minh cho chủ nghĩa phátxít, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định cần cảnh giác trước những mưu toan “viết lại lịch sử” cũng như khôi phục chủ nghĩa phátxít mới.
Lịch sử cần được tôn trọng và chuyển tải trung thực cho các thế hệ đi sau. Tất cả các dân tộc đều có quyền và khát vọng cháy bỏng được sống trong hòa bình.
Hơn 70 năm về trước, chủ nghĩa phátxít, chủ nghĩa quân phiệt đã chà đạp lên các giá trị cơ bản đó của nhân loại, gây ra chiến tranh tàn khốc nhiều nơi trên thế giới.
Chủ tịch nước khẳng định để giành chiến thắng trước chủ nghĩa phátxít, không một ai có thể phủ nhận những đóng góp mang tính quyết định của những chiến sỹ Hồng quân Xô viết và nhân dân Liên Xô.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những hy sinh to lớn mà nhân dân Liên Xô, trong đó có nhân dân Nga, đã trải qua.
Nhận thức rõ ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và đóng góp của chiến thắng này cho nền hòa bình toàn thế giới.
Chiến thắng chủ nghĩa phátxít, chủ nghĩa quân phiệt đã mở ra một trang mới, là sự cổ vũ lớn lao cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên các châu lục Á-Phi-Mỹ Latinh, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ sự hy sinh thầm lặng của những con người bình dị trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống chủ nghĩa phátxít cần được tôn vinh.
70 năm đã trôi qua nhưng những bài học lịch sử của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phátxít vẫn giữ nguyên giá trị. Bài học lịch sử cho thấy sự cần thiết phải nỗ lực đoàn kết, hợp tác bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế song phương và đa phương cũng như tăng cường sự hiểu biết, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân các nước trên thế giới.
Là một đất nước đã trải qua nhiều mất mát trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Nhân dân Việt Nam sẽ cùng với cộng đồng những người yêu chuộng hòa bình, lực lượng tiến bộ trên thế giới bảo vệ và phát huy những giá trị mà cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phátxít đã mang lại.
Đề cập đến quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trước hết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc đến những gần gũi về lịch sử. Việt Nam và Nga tuy cách xa nhau về địa lý nhưng hết sức gần gũi về tinh thần, và như Tổng thống Vladimir Putin từng nói “chúng ta cùng có quá khứ anh hùng trong lao động cũng như trong chiến đấu.”
Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên và mãi ghi ơn sự giúp đỡ vô tư, chí tình và hào hiệp mà nhân dân Liên Xô anh em đã giành cho chúng tôi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay luôn được giáo dục về truyền thống vẻ vang của cha ông, về lịch sử dân tộc, về tinh thần quốc tế cao cả và quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt-Nga.
Những ký ức về các chiến công của cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước luôn được thế hệ trẻ Việt Nam khắc ghi, trân trọng và giữ gìn. Hiện nay, nhiều thanh niên ưu tú của Việt Nam đang học tập tại Nga với mong muốn không những được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, nền văn hóa đa dạng và lịch sử vẻ vang của nhân dân Nga, mà còn mong đóng góp sức mình tiếp tục vun đắp và phát huy tình đoàn kết, hữu nghị và gắn bó giữa nhân dân hai nước chúng ta.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ tin tưởng rằng hai nước sẽ cùng nhau nỗ lực để truyền nhiệt huyết của mình cho thế hệ mai sau, để các thế hệ tương lai không quên quá khứ anh hùng, cống hiến sức mình xây dựng hiện tại và hướng tới tương lai tươi sáng của hai đất nước, hai dân tộc, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong những năm vừa qua.
Về kinh tế-thương mại, Liên bang Nga luôn là đối tác thương mại truyền thống và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong hơn một thập niên qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng gần 7 lần từ 400 triệu USD lên 2,76 tỷ USD.
Cả hai nước đang phấn đấu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy vậy, so với tiềm năng thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn và giữa hai nước vẫn còn nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy giữa hai nước, không để thua kém so với các quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và các nước khác.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề xuất hai nước khẩn trương triển khai những việc sau: Thứ nhất, sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Âu-Á trong năm 2015 nhằm tạo cú huých quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Thứ hai, tạo điều kiện tốt nhất để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường của nhau.
Thứ ba, hỗ trợ thành lập các trung tâm thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam và Liên bang Nga đến người tiêu dùng của hai nước.
Thứ tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Về quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Liên bang Nga đặt trong bối cảnh các quan hệ khác, ví dụ như với Mỹ và Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố, đường lối đối ngoại của Việt Nam "độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển” với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước” đã đem lại những kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế, đóng góp có trách nhiệm trong hoạt động của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương và đang chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn chủ trương nguyên tắc cùng có lợi, cùng thắng và quyết không phát triển quan hệ với nước này để làm phương hại đến quan hệ với nước khác.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ Nga và Mỹ là hai cường quốc và là hai đối tác đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực không ngừng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga cũng như quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga không ngừng phát triển tích cực, năng động trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch… và đạt được nhiều bước tiến đáng tự hào.
Với thành quả hợp tác to lớn hiện nay, Chủ tịch nước tin tưởng rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc áp đặt hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương làm thay đổi nguyên trạng; cần cấp thiết xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nhiều nước, trong đó có Nga hiểu lập trường này của Việt Nam. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Nga tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri  (09/05/2015)
Nga tổ chức duyệt binh lớn nhất kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít  (09/05/2015)
Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng lãnh đạo Liên bang Nga  (09/05/2015)
Ngành Hàng hải đón nhận Huân chương Độc lập  (09/05/2015)
Phó Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An  (09/05/2015)
Phó Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An  (09/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên