Ngày 8-4, mạng tin châu Âu Euro Presse Image đã đăng bài viết về việc Việt Nam được Liên minh Nghị viện thế giới chọn tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) từ ngày 28-3 đến ngày 1-4 tại Hà Nội.
Theo tác giả bài báo, đây là sự kiện quốc tế lớn mà Việt Nam đăng cai trong năm 2015, thể hiện sự lớn mạnh của đất nước cũng như những bước tiến mới trong việc tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện, quốc hội các nước - điều mà trước đây Việt Nam chưa thực sự chú trọng.

Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận và đánh giá về các kết quả thực hiện những Mục tiêu thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hiệp quốc cam kết năm 2000 và đề ra chương trình cho giai đoạn phát triển tiếp theo trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền, bài báo nhấn mạnh, nhiều sáng kiến của Việt Nam được bạn bè đánh giá cao và được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đại hội đồng. Có vấn đề được bàn thảo suốt 3 kỳ họp của Đại hội đồng IPU mà chưa thể thông qua thì đến kỳ họp này đã được thông qua tại Hà Nội.

Theo tác giả bài báo, kết quả quan trọng nhất của kỳ họp là việc đưa ra Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện thể hiện tầm nhìn, mục tiêu và những cam kết hành động của các Nghị viện nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của thế giới sau năm 2015. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9-2015 ở New York.

Bài báo cũng dẫn lời ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU khẳng định, chủ nhà Việt Nam có vai trò quan trọng trong tất cả các nội dung của Đại hội đồng. Những đóng góp của Việt Nam sẽ là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của các nghị viện các quốc gia.

Ông Chowdhury khẳng định với phương châm “từ cam kết đến hành động”, Tuyên bố Hà Nội là di sản, đóng góp của Việt Nam cho IPU và cộng đồng quốc tế.

Bài báo cho rằng ngoại giao Nghị viện sẽ là hình thức ngoại giao được Việt Nam chú trọng đẩy mạnh thời gian tới và dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Đại hội đồng IPU-132 cũng là bài học lớn cho Quốc hội Việt Nam trong các mặt hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chính vì vậy, song song với việc giải quyết những vấn đề trong nước, Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào các vấn đề quốc tế, thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương thông qua các cơ chế của Liên minh liên nghị viện để tìm ra giải pháp.

Tác giả bài báo nhận xét theo các nhà quan sát, sau nhiều năm thực hiện chính sách “Đổi mới”, dường như các kênh ngoại giao của Việt Nam như ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa... vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn và vấn đề ngoại giao nghị viện cũng không phải ngoại lệ.

Vậy nên, tổ chức thành công IPU-132 là sự kiện chính trị mang ý nghĩa rất quan trọng đối với ngoại giao Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực lập pháp. Bởi thông qua đó, Việt Nam muốn chứng minh tính đúng đắn trong các quyết sách ngoại giao tích cực và chủ động được đề ra từ Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Nhiều tờ báo của Đức như Cổng thông tin điện tử Đức (Pressportal), báo Tài chính (Finanzen) và Thông tin Đức (Nachrichten) vừa có những bài viết đánh giá cao việc Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 tại Hà Nội.

Theo bài viết trên Pressportal, IPU-132 vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các nghị sỹ đến từ 127 nghị viện, quốc hội thành viên. IPU được thành lập từ năm 1889 với mục đích trở thành một diễn đàn đối thoại cho các nghị sỹ của 166 quốc gia về các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội tầm cỡ quốc tế như bảo vệ, tôn trọng nhân quyền, thúc đẩy hòa bình, dân chủ, nhà nước pháp quyền, cũng như phát triển bền vững, tài chính, thương mại.

Bài viết cho hay chủ đề chính của Đại hội lần này là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động", trong đó Đại hội đã thảo luận sôi nổi về việc triển khai cụ thể các mục tiêu phát triển bền vững (đây cũng là những mục tiêu bổ sung cho các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc từ năm 2015), cũng như về vai trò của nghị viện, quốc hội các nước trong quá trình triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, IPU-132 cũng tập trung thảo luận các chủ đề “nóng” như chiến tranh mạng, định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước, cũng như Luật quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và quyền con người.

Ngoài ra, nội dung làm việc tại Đại hội cũng đề cập đến vai trò của các nghị viện, quốc hội và IPU trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, Bắc Phi và Nigeria.

Báo Tài chính (Finanzen) cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội IPU và Việt Nam đã nỗ lực thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện chính trị lớn này. Sau 5 ngày làm việc tích cực với hơn 70 sự kiện cùng các buổi thảo luận, gặp gỡ bên lề, Đại hội đã kết thúc tốt đẹp với Tuyên bố Hà Nội, trong đó nhấn mạnh vai trò của các nghị viện, quốc hội trong việc bảo vệ lợi ích chung, duy trì, đảm bảo thịnh vượng trên thế giới. Các đại biểu tham gia IPU-132 đều bày tỏ sự hài lòng với kết quả Đại hội cũng như sự chu đáo, hiếu khách của Việt Nam.

Finanzen dẫn lời Chủ tịch IPU Saber Choudhury cho rằng Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để thể hiện là một đất nước luôn rộng mở, hiếu khách, hiện đại, cũng như giới thiệu cho các bạn bè quốc tế về lịch sử và văn hóa của mình. Đại hội lần này là một bước thành công trong việc triển khai chính sách hòa nhập quốc tế của Việt Nam.

Đánh giá về sự tham gia IPU-132 của đoàn nghị sỹ Đức và quan hệ Việt - Đức, trang Thông tin Đức cho rằng Quốc hội Liên bang Đức đã cử một đoàn đại biểu đông đảo gồm 8 người tham gia IPU-132, dẫn đầu là Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert.

Ông Lammert đã có cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hai bên cùng khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” năm 2011 nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, chính sách phát triển./.