Văn hóa Tây Nguyên và sự phát triển bền vững
TCCSĐT - Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của nước ta, được hình thành từ hàng nghìn năm về trước với những giá trị phong phú, đặc sắc. Phát triển bền vững Tây Nguyên không thể không chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa.
Giá trị đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên
Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, như: đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc. Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cồng chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng, được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo của kỹ thuật diễn tấu mà còn biểu tượng cho cuộc sống của cộng đồng các dân tộc bản địa, bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng, như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.
Văn hóa Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, gắn kết chặt chẽ với bản, làng và đặc trưng luật tục, lễ hội đặc sắc trong không gian rừng đại ngàn mênh mông. Các lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên biểu thị những quan niệm về con người, trở thành những hội vui với sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí cả các dòng tộc khác hoặc các buôn lân cận, như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả… Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.
Thực trạng đáng suy ngẫm
Tuy nhiên, hiện nay, văn hóa Tây Nguyên đang ngày càng mai một. Rừng bị tàn phá, người dân tộc phải bỏ rừng, trong khi rừng vốn được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh, là phần sâu xa của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng khẳng định: “mất rừng là mất văn hóa Tây Nguyên ”. Bởi mất rừng thì cộng đồng nơi đây sẽ mất đi nền tảng vững bền và thiêng liêng gắn liền với quốc thể, cộng đồng của chính họ. Đó là nơi nuôi dưỡng con người, nơi các thế hệ đồng bào Tây Nguyên gửi gắm tâm hồn, chung sống hòa thuận từ bao đời nay.
Bên cạnh đó, quy mô của làng bản ở Tây Nguyên không còn như xưa, nhất là những khu định cư mới cho các công trình thủy điện. Không còn những buôn làng trong một không gian truyền thống, những nhà rông, nhà dài, nhà sàn đã mất đi. Thực trạng này thực sự rất đáng báo động. Đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên hiện đang có rất nhiều khó khăn nên đồng bào chưa có điều kiện quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Thậm chí, ở một số địa phương, người dân phải bán cả tài sản văn hóa vật thể như cồng chiêng, ché, nhà cổ… để lấy tiền làm vốn sản xuất, đời sống.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Nguyên chỉ có khoảng 1 triệu người với 12 dân tộc. Đến nay, số dân đã tăng lên đến khoảng 5 triệu người, chủ yếu do sự gia tăng cơ học. Việc di dân, di cư ồ ạt kéo dài từ nhiều năm như vậy đã làm cho tỷ lệ người dân tộc bản địa Tây Nguyên thay đổi, hiện chỉ còn 23-27% số dân của Tây Nguyên. Việc tăng nhanh về dân số đã tác động đến văn hóa Tây Nguyên, trở thành một thách thức lớn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự gia tăng đột biến về dân số đã tạo ra những biến đổi về văn hóa Tây Nguyên, bản sắc văn hóa bản địa bị phá vỡ, lai tạp. Nhiều đồng bào dân tộc bản địa hiện không còn sống tập trung trong những ngôi nhà rông, nhà dài như trước nữa. Văn hóa nhà rông, nhà dài đang ngày càng mai một. Những mái nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng và người Kơ Tu với những nét kiến trúc riêng dần dần biến mất ở các buôn làng Tây Nguyên. Giờ đây, nhà truyền thống được xây dựng bằng bê tông, khiến cho không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên dần bị thu hẹp. Mặt khác, nạn khai thác, phá rừng bừa bãi, diễn ra tràn lan với tốc độ chóng mặt làm rất nhiều diện tích rừng bị mất đi, những cánh rừng đại ngàn bị xóa bỏ. Hiện trạng trên đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, văn hóa - xã hội.
Hiện tại, một số lễ hội của văn hóa Tây Nguyên như lễ hội đâm trâu, lễ hội năm mới, lễ hội cồng chiêng… chỉ còn xuất hiện trong các festival, hay các hoạt động văn hóa do Nhà nước tổ chức. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ thanh niên ở Tây Nguyên hiện nay ít quan tâm đến văn hóa truyền thống; cồng chiêng đã phần nào bị thương mại hóa, bị mang đi bán ở các tỉnh miền xuôi; dẫn đến thực trạng không gian văn hóa cồng chiêng đang thu hẹp dần, nghệ nhân sản xuất cồng chiêng, người sử dụng cồng chiêng ngày càng ít. Văn hóa trang phục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng ít được sử dụng, thường chỉ có thể thấy ở những dịp lễ hội...
Giải pháp phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên
Là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Bởi vậy, để phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần phải có chính sách về việc nhanh chóng phục hồi rừng; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần ổn định xã hội, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên.
Hai là, cần có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa Tây Nguyên, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Tây Nguyên - những chủ nhân tương lai của vùng đất đỏ ba-zan. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các vấn đề về văn hóa dân tộc; giải pháp về giáo dục được coi là tiên phong và là yếu tố then chốt, quyết định đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.
Ba là, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên vì tôn giáo và tâm linh là một nét đặc trưng, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Tây Nguyên. Hiện nay, sự phát triển ồ ạt của tôn giáo, tín ngưỡng như là một tín hiệu phức hợp. Chúng ta cần phải xem xét có chiều sâu tình hình xã hội, không thể thờ ơ hay quy kết giản đơn. Mặt khác cũng cần nhìn nhận, khuyến khích mặt tích cực của một số tôn giáo ở Tây Nguyên, hướng tới mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng vào trong cuộc sống, để các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng được phát huy và vững bền. Cần xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay), gắn phát triển du lịch với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vừa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên./.
Phát động cuộc thi thiết kế tem và dấu bưu điện chung của ASEAN  (18/02/2015)
Những bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Cuba  (18/02/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Đường hoa và đường sách Thành phố Hồ Chí Minh 2015  (18/02/2015)
Ấm áp hương vị Tết Ất Mùi của người Việt tại Thụy Điển  (18/02/2015)
Ngày 29 Tết: Số vụ và người chết tai nạn giao thông tăng vọt  (18/02/2015)
Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ tưng bừng đón Xuân Ất Mùi  (18/02/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển