Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo Tổ quốc
TCCSĐT - Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư cần tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động, xứng đáng với vai trò là các lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Biển Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các địa phương ven biển thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; kịp thời ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho các ngành kinh tế biển, ven bờ và hợp tác quốc tế phát triển. Tính riêng giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân phát hiện, xua đuổi được trên 5.200 lượt tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta; xác lập 216 chuyên án; xử lý 16.090 vụ vi phạm; bắt 35.570 đối tượng, thu tang vật, phương tiện, sung công quỹ nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phối hợp ở một số đơn vị trong cả ba lực lượng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sự chồng chéo, lúng túng, bị động trong xử lý một số tình huống… Mặt khác, một số nội dung trong quy chế phối hợp giữa ba lực lượng ký riêng, hoặc thực hiện theo quyết định của Bộ Quốc phòng không còn phù hợp với diễn biến thực tế mới hiện nay, nhất là việc phân định phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mỗi lực lượng trên từng vùng biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phối hợp.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 Khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”; trong công tác phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Cấp uỷ, chỉ huy các cấp Bộ đội Biên phòng cần tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt hoạt động phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Nước ta có bờ biển dài 3.620 km, diện tích biển rộng trên 1 triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Hiện nay, tình hình an ninh trên các vùng biển nước ta còn nhiều phức tạp; đặc biệt là hoạt động của các loại tội phạm (cướp biển, buôn lậu, buôn bán vũ khí, chất nổ, tội phạm ma tuý,...) chưa có chiều hướng giảm; tình trạng tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam hoạt động trên biển, hải đảo còn mỏng. Vì vậy, để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc, cấp ủy, chỉ huy các cấp Bộ đội Biên phòng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó. Công tác phối hợp phải bảo đảm nguyên tắc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng và lấy việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh lên trên hết; đồng thời, tôn trọng tính đặc thù và không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ riêng của mỗi lực lượng trong quá trình phối hợp hoạt động. Muốn vậy, trước hết, cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nội dung Quyết định 133/QĐ-TTg, ngày 09-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp với các lực lượng đấu tranh chống các loại tội phạm trên biển; Hiệp đồng số 49/HĐ-BP-HQ, ngày 19-07-1993 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Bộ Tư lệnh Hải quân về bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển của Tổ quốc; Quyết định số 28/2002/QĐ-BQP, ngày 25-02-2002 (nay là Thông tư số 02/2011/TT-BQP) của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Cùng với đó, cấp ủy các cấp từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến các đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng quân trên các vùng biển, đảo cần có nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa ba lực lượng với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ của từng đơn vị, nhất là những vùng biển, đảo trọng yếu, chiến lược. Mặt khác, căn cứ vào tình hình cụ thể, Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để tham mưu cho Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Liên tịch giữa ba lực lượng đánh giá hoạt động phối hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; đề xuất với Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp thiết thực để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng chủ động tổ chức các hoạt động phối hợp với các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư trên từng vùng biển, hải đảo, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm; thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt hoạt động phối hợp; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm quy chế hoạt động phối hợp, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền đứng chân trên các vùng biển, đảo kiện toàn cấp ủy, chỉ huy các cấp vững mạnh, gắn chặt giữa xây dựng các tổ chức đảng trong sạch với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hoạt động phối hợp giữa các lực lượng phải toàn diện; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu. Trước hết, chú trọng phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, nhất là đối với nhân dân, phương tiện hoạt động ở vùng biển xa bờ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư hiệp đồng với các quân khu, quân chủng, binh chủng và chính quyền các địa phương đứng chân trên các vùng biển, hải đảo để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, các lực lượng và địa phương ven biển cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các ngành, đoàn thể... Mục tiêu của công tác tuyên truyền là nhằm làm cho cán bộ, nhân dân, nhất là ngư dân nắm vững kiến thức cơ bản về biển, như: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, khu vực biên giới biển và các quy định liên quan đến biển Việt Nam cũng như hiệp định đã ký với các nước trong khu vực... Cùng với đó, ba lực lượng cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm trên biển; đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ họ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển.
Trong việc nắm, trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá tình hình, ba lực lượng cần thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm tình hình hoạt động của các phương tiện và ngư dân trên biển; chú trọng phối hợp phân tích đánh giá, dự báo chính xác tình hình, tránh không để bị động, bất ngờ. Trong đó, trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng là phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân (ngư dân ven biển) nắm bắt, tổng hợp các thông tin từ khu vực lãnh hải trở vào đất liền, kịp thời thông báo tình hình và sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư hoạt động trên vùng biển xa. Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư tích cực phối hợp với ngành thuỷ sản, hàng hải và ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo cập nhật thông tin, thông báo tình hình hoạt động của tàu, thuyền trong nước, nước ngoài, nhất là trên vùng biển xa cho Bộ đội Biên phòng; sẵn sàng cơ động phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng xử lý các tình huống.
Đối với hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc, ba lực lượng cần phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên các vùng biển trọng yếu để quản lý và kịp thời ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh vùng biển. Trường hợp tàu, thuyền, ngư dân nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển của ta, ba lực lượng cần phối hợp để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có các chủ trương, đối sách giải quyết phù hợp, bảo đảm giữ vững chủ quyền, đúng pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trường hợp tàu, thuyền, ngư dân của ta bị nước ngoài bắt giữ ở vùng biển chồng lấn hoặc ở vùng biển thuộc chủ quyền của ta, ba lực lượng cần phối hợp để thu thập chứng cứ phục vụ đấu tranh ngoại giao và đấu tranh trên thực địa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và chính quyền địa phương ven biển tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước có các biện pháp đấu tranh ngoại giao, trên tinh thần giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, mềm mỏng trong sách lược, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC); hợp tác giải quyết bằng phương pháp hoà bình, tránh manh động, mắc mưu các thế lực thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ gây ra xung đột, chiến tranh trên biển. Bên cạnh đó, ba lực lượng cần chú ý tăng cường phối hợp trong bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ về nghiệp vụ công tác tuần tra, xử lý các vụ việc; hiệp đồng chặt chẽ với ngành thủy sản, hàng hải, ngư dân và lực lượng Hải quân các nước trong khu vực có hoạt động phối hợp trên các vùng biển liên quan để hợp tác, xây dựng và luyện tập, diễn tập các phương án chống cướp biển, tìm kiếm, cứu nạn…, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên biển.
Tích cực bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, hoạt động phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư được vận hành tốt là nhờ ba lực lượng đã quán triệt và thực hiện tốt các quy chế, quyết định phối hợp hoạt động do Chính phủ và Bộ Quốc phòng ban hành. Tuy nhiên, một số nội dung trong quy chế phối hợp giữa ba lực lượng không còn phù hợp với sự phát triển thực tiễn, do đó cần sớm được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Hiện nay, để khắc phục những hạn chế trong hoạt động giữa các lực lượng, Bộ đội Biên phòng và Hải quân đang hoàn thiện Dự thảo quy chế phối hợp mới trình Bộ Quốc phòng (thay thế Hiệp đồng số 49/HĐ-BP-HQ, ngày 19-7-1993); trong đó, tập trung phân định rõ phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi lực lượng trên từng vùng biển. Cùng với đó, đề nghị Nhà nước sớm thông qua và triển khai thực hiện Luật về các vùng biển Việt Nam, làm cơ sở pháp lý cho các lực lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Theo đó, Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục phối hợp hoạt động với Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Công an thực hiện tốt Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; thực hiện nghiêm túc Nghị định số 66/2010/NĐ-CP, ngày 14-6-2010 của Chính phủ và Thông tư số 02/2011/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy chế phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời gian tới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương cả nước, hoạt động phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư trong bảo vệ an ninh, chủ quyền, an ninh biển, đảo sẽ ngày càng chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra./.
Ủy ban châu Âu nâng mức dự báo tăng trưởng của Eurozone  (06/02/2015)
Bế giảng Lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa V  (06/02/2015)
Xử lý nghiêm cán bộ đảng viên vi phạm trong tổ chức lễ hội  (06/02/2015)
Chủ tịch nước thăm chúc Tết tại xã nông thôn mới Nhân Quyền  (06/02/2015)
Hội nhập quốc tế - Vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015  (06/02/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên