Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2015: Những điểm mới mang tính lịch sử
Thành tựu đáng kể và mục tiêu dài hạn
Về kinh tế, sau một năm với những đột phá đáng kể, nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và tạo được nhiều việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1999. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm được hơn 11 triệu việc làm mới, bằng tổng số việc làm mới của châu Âu, Nhật Bản và các nước công nghiệp phát triển cộng lại, làm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, hiện chỉ còn ở mức 5,4% như trước khi nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009.
Cuộc chiến chống khủng bố cũng đã có những bước tiến đáng kể. Lần đầu tiên kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001, sứ mệnh chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan đã kết thúc vào cuối năm 2014. Sáu năm trước, gần 180.000 lính Mỹ được huy động chiến đấu ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan nhưng đến nay, chỉ còn khoảng 15.000 người.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông B. Ô-ba-ma cũng đề ra những mục tiêu cần hướng đến trong mười lăm năm tới và nhiều thập kỷ nữa, trên nền tảng một nền kinh tế đang trên đà phục hồi, thâm hụt ngân sách dần thu hẹp, nền công nghiệp phát triển với tốc độ hối hả và sản xuất năng lượng bùng nổ.
“Liệu chúng ta sẽ chấp nhận một nền kinh tế với chỉ vài cá nhân xuất chúng? Hay chúng ta sẽ cống hiến hết mình cho một nền kinh tế tạo điều kiện tăng thu nhập và cơ hội cho tất cả mọi người cùng nỗ lực?” - ông B. Ô-ba-ma nói.
Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng bày tỏ tin tưởng về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ nước ngoài và bảo vệ hành tinh xanh; tạo điều kiện giáo dục tốt nhất cho trẻ em trong một thế giới mà sự cạnh tranh ngày càng cao; những điều chỉnh nhạy bén nhằm tránh những cuộc khủng hoảng khác và khuyến khích cạnh tranh công bằng.
Trong thông điệp lần này, ông B. Ô-ba-ma cũng đề cao vai trò của nền kinh tế trung lưu, cho rằng đó là một sự lựa chọn tối ưu cho một xã hội công bằng, nơi mà tất cả mọi người đều được hưởng quyền lợi như nhau.
Thông điệp cũng đề ra những yêu cầu cần thiết để phát triển nền kinh tế trung lưu.
Thứ nhất, kinh tế trung lưu có nghĩa là giúp những gia đình lao động cảm thấy được bảo đảm trong một thế giới biến động không ngừng. Điều đó có nghĩa là bảo đảm cho người dân các quyền lợi về chăm sóc trẻ em, học vấn, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và chế độ hưu trí và nguồn ngân sách nhà nước sẽ được dùng để giải quyết tất cả những vấn đề trên. Theo đó, mức thuế đối với người giàu của Mỹ sẽ tăng từ 23,8% lên 28%. Việc tăng thuế đối với nhóm những người có thu nhập đứng đầu sẽ giúp giảm thuế cho những người Mỹ có thu nhập bậc trung.
“Nền kinh tế trung lưu là ý tưởng tốt nhất cho quốc gia khi mọi người đóng góp như nhau, chia sẻ như nhau và mọi người cùng tuân theo những bộ quy tắc như nhau” - Tổng thống Mỹ khẳng định.
Thứ hai, để bảo đảm người dân được hưởng mức lương cao hơn trong vài năm tới, cần nâng cao các kỹ năng cho người dân Mỹ.
Cuối cùng, cũng như việc đào tạo lao động, cần thiết phải có một nền kinh tế mới liên tục tạo ra nhiều công việc với mức lương hấp dẫn người lao động.
Về chính sách đối ngoại, ông B. Ô-ba-ma ủng hộ “quyền hành động đơn phương” của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố; kêu gọi Quốc hội giải quyết vấn đề an ninh mạng. Ông B. Ô-ba-ma cũng chính thức cấp quyền sử dụng vũ lực trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Thay vì để người Mỹ tuần tra trong các thung lũng của Áp-ga-ni-xtan, chúng ta nên đào tạo lực lượng an ninh của chúng ta… Thay vì gửi lực lượng bộ binh ra hải ngoại, chúng ta nên hợp tác với các quốc gia từ Nam Á đến Bắc Phi để chặn thiên đường an toàn cho những kẻ khủng bố đang đe dọa nước Mỹ… Thay vì lún sâu thêm vào cuộc chiến trên bộ tại Trung Đông, chúng ta nên dẫn đầu một liên minh rộng lớn, gồm các nước A-rập, để làm suy yếu và cuối cùng phá hủy tổ chức khủng bố này (Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS)…” - Tổng thống Mỹ nói trong bài phát biểu dài 70 phút của mình.
Tổng thống Mỹ cho rằng quan hệ ngoại giao với Cu-ba cũng được nâng lên một tầm cao mới khi Mỹ quyết định chấm dứt chính sách đã lỗi thời kéo dài hàng thập kỷ đối với nước này.
“Sự thay đổi trong chính sách đối với Cu-ba sẽ tạo ra tiềm lực để chấm dứt những hoài nghi về bán cầu của chúng ta; xóa bỏ những ngụy biện đối với việc kìm hãm Cu-ba; hướng tới các giá trị dân chủ và mở rộng tình hữu nghị với người dân Cu-ba”, ông B. Ô-ba-ma nói. “Và trong năm nay, Quốc hội sẽ từng bước gỡ bỏ lệnh cấm vận. Và như Đức Giáo hoàng Phrăng-xít (Francis) đã nói, ngoại giao là việc của “từng bước nhỏ”. Từng bước nhỏ đang củng cố thêm hy vọng về tương lai đối với Cuba”.
Khen - chê trái chiều
Ngay sau khi Tổng thống B. Ô-ba-ma đọc Thông điệp Liên bang, dư luận đã có những phản ứng trái chiều.
Theo tờ CNN/ORC, 51% người dân Mỹ đánh giá cao về Thông điệp lần này. Bài phát biểu được cho là có nhiều điểm mới và mang tính lịch sử khi ông B. Ô-ba-ma là vị tổng thống đầu tiên sử dụng các từ, như “đồng tính”, “lưỡng tính”, “chuyển giới” trong một thông điệp Liên bang: “Là người Mỹ, chúng ta tôn trọng nhân phẩm con người, ngay cả khi bị đe dọa, đó là lý do tôi nghiêm cấm các hình thức tra tấn và bảo đảm chắc chắn rằng việc áp dụng công nghệ mới như máy bay không người lái là sự miễn cưỡng đúng đắn”, ông nói. “Đó là lý do tại sao chúng ta ủng hộ tự do ngôn luận, bào chữa cho tù nhân chính trị và lên án việc ngược đãi đối với phụ nữ, các cộng đồng tôn giáo, hay những người đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới. Chúng ta làm những điều này không chỉ bởi họ đúng, mà còn bởi họ khiến chúng ta an toàn hơn”.
Ông B. Ô-ba-ma cũng coi hôn nhân đồng tính là “quyền con người” và kêu gọi Quốc hội xem xét vấn đề này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thông điệp lần này vẫn chưa đáp ứng hết được những yêu cầu mà bối cảnh đang đặt ra. Có nhiều vấn đề cấp thiết mà Tổng thống Mỹ đã không đề cập, như Đạo luật Obamacare hay chính sách cải thiện đối với người nhập cư mặc dù đây là những vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian ông làm Tổng thống.
Có luồng ý kiến cho rằng cả bài phát biểu chỉ là tập hợp những lời ngợi ca về những thành tựu mà nước Mỹ đạt được hay những lời hứa về việc sẽ đấu tranh giành quyền lợi cho người dân ngay bây giờ khi mà ông đứng ngoài phạm vi của một cuộc tranh cử khác.
Song lại có ý kiến coi sự thiếu sót ấy như một lời nhắc nhở rằng mặc dù tầm ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ đang có khuynh hướng tăng lên nhưng vẫn chưa rõ ai là người sẽ kế nhiệm ông và hai năm cuối trong nhiệm kỳ tổng thống vẫn đầy những thách thức.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng cải cách chính sách nhập cư có lẽ là lỗ hổng lớn nhất trong Thông điệp Liên bang năm nay của ông B. Ô-ba-ma bởi ông chỉ cảnh báo về việc tránh “tái diễn những cuộc chiến với người nhập cư khi có những tái thiết trong hệ thống”.
Trong khi đó, Đạo luật Obamacare vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Theo những cuộc thăm dò ý kiến của tờ Real Clear Politics, phần lớn người dân Mỹ phản đối đạo luật này.
Ông B. Ô-ba-ma cũng phớt lờ hai vấn đề là việc quản lý sử dụng vũ khí và cải cách ngân sách, hai trong số những ưu tiên của nước Mỹ trong những năm tới. Trước Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát năm ngoái, Tổng thống Mỹ cam kết “duy trì” việc giảm thiểu bạo lực vũ trang nhưng năm nay, ông hoàn toàn không đả động đến việc đó.
Và mặc dù bài phát biểu diễn ra vào dịp kỷ niệm lần thứ năm về quyết định của Tòa án Liên bang tối cao - quyết định mở đường cho dòng chảy ồ ạt của một lượng lớn tiền quyên góp cho những cuộc bầu cử có tầm ảnh hưởng lớn, ông B. Ô-ba-ma không hề nhắc đến Siêu ủy ban hoạt động chính trị (Super PACs) hay nguồn tài chính công cho các chiến dịch./.
Kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nga  (30/01/2015)
Nơi lưu giữ ký ức về những ngày chuẩn bị thành lập Đảng  (30/01/2015)
Triển lãm “Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga” tại Hà Nội  (30/01/2015)
Đàm phán Việt - Trung về hiệp định tàu thuyền đi lại ở cửa sông Bắc Luân  (30/01/2015)
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng  (29/01/2015)
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng  (29/01/2015)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay