Sáng 02-12, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 14 đã chính thức khai mạc kỳ họp thứ 11. Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, nhấn mạnh kỳ họp nhằm đánh giá tổng kết một cách toàn diện những bài học kinh nghiệm, phân tích những hạn chế yếu kém để từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực cho năm tiếp theo.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân còn bàn bạc, xem xét nhiều nội dung quan trọng khác như điều chỉnh giá thu phí, lệ phí; giá các loại đất; chia tách thành lập các tổ dân phố mới; đặt, đổi tên một số tuyến đường; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị các đại biểu cần xem xét thấu đáo các nội dung công việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao và đóng góp nhiều ý kiến dân chủ, thẳng thắn, đáp ứng được mong mỏi của đông đảo cử tri.

Kỳ họp đã nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Báo của Ủy ban Nhân dân thành phố do đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội trình bày cho biết năm 2014, tuy tiếp tục có nhiều khó khăn hơn so với dự báo, diễn biến phức tạp trên biển Đông kéo dài trong gần hai tháng đã tác động trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố nhưng lãnh đạo thành phố bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý sau cao hơn quý trước và ước cả năm 2014 đạt 8,8% (kế hoạch đề ra là từ 8,5-9,0%; kết quả năm 2013 là 8,5%); kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Dự báo thu ngân sách nhà nước đạt 128.902 tỷ đồng, bằng 102,1% dự toán năm. Ước thực hiện chi ngân sách địa phương là 51.168 tỷ đồng (bao gồm 3.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô), đạt 110% dự toán năm. Cân đối thu chi ngân sách được bảo đảm.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã biểu dương những kết quả đạt được khá thành công trong năm nay; đồng thời, chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục như kinh tế phục hồi chưa mạnh mẽ, đời sống khu vực nông thôn còn khó khăn, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý hành chính, điều hành chưa quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo, còn nhũng nhiễu nhân dân và vẫn để xảy ra nhiều sai phạm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị thời gian tới cần tập trung khắc phục những yếu kém, trì trệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trật tự văn minh đô thị; tập trung đầu tư và quan tâm xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các cấp quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; làm rõ các tiêu cực, vừa để giáo dục; đồng thời, răn đe, xử lý người vi phạm.

Đối với lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu cần có trách nhiệm cao để thay mặt cho nhân dân Thủ đô đánh giá thận trọng, trách nhiệm, khách quan đối với cán bộ, nhất là xem xét trên các tiêu chí như công tác chỉ đạo điều hành và đạo đức lối sống.

Nhằm thực hiện tốt nhiều giải pháp trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo, ngay tư bây giờ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngoài thực hiện nhiệm vụ như hằng năm, cần bắt tay khẩn trương chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới và phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh và phấn khởi.

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong năm 2014 kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng mọi mặt đời sống của Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển, nhất là kinh tế tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Đây là những nỗ lực rất đáng khích lệ, thể hiện sự điều hành chỉ đạo đúng hướng và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Để thực hiện tốt 10 giải pháp trọng tâm trong năm tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các mục tiêu đặt ra, đồng thời chỉ đạo thận trọng, linh hoạt phù hợp với đặc thù Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; quan tâm tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giúp giải quyết các vấn đề phù hợp với đời sống đại bộ phận nhân dân./.