Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến ngày 30-11-2014
Tinh giản biên chế bắt đầu từ đâu?
Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Đây là một trong những bước tiến tiếp theo trong thực hiện lộ trình chiến lược cải cách hành chính của Chính phủ đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi biên chế và Chính phủ dự kiến chi khoảng 8.000 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.
Trong vòng 10 năm lại đây, Chính phủ đã 4 lần thực hiện tinh giản biên chế, nhưng có một thực tế là càng tinh giản thì bộ máy càng cồng kềnh. Trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, hằng năm, kế hoạch biên chế công chức của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với biên chế công chức giao của năm trước. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh là vì chưa có cơ chế chịu trách nhiệm về chất lượng nhân sự một cách rõ ràng. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng vào cơ quan công quyền vẫn cao, vẫn có nhiều vị trí công tác thiếu nhân sự. Trong khi đó nhiều vị trí công tác khác thì thừa, 2 đến 3 người làm cùng một công việc, nghĩa là có hiện tượng chia việc để làm.
Để giảm được đúng và hơn 100.000 cán bộ, công chức, viên chức vào năm 2020, điều cần thiết là các cấp từ Trung ương đến địa phương phải rà soát lại biên chế tổ chức nhân sự, xác định rõ các vị trí công tác không cần thiết để giảm. Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan từ Trung ương tới địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thanh lọc tổ chức bộ máy hành chính; từng bước nghiên cứu và ban hành cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm về nhân sự để bịt các “lỗ hổng”, nhất là trong tuyển đầu vào, trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển chặt chẽ và tổ chức sát hạch chất lượng công việc của các nhân sự công bằng, khách quan.
Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo đó, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thay ông Nguyễn Tiến Dĩnh đã nghỉ hưu và ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Ủy viên thư ký thay ông Đinh Duy Hòa đã nghỉ hưu.
Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Cắt giảm 25% thủ tục hành chính cho 18 nhóm thủ tục của người dân và doanh nghiệp; 100% thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền phải công bố công khai nhằm hạn chế sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Đó là mục tiêu trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính, được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo vừa được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, đại diện các hiệp hội và giới luật gia nhất trí rằng, mọi cải cách thủ tục hành chính đều phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện. Thủ tục rắc rối, phức tạp, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp do các bộ, ngành “đẻ” ra, hoàn toàn có thể rà soát, cắt giảm đến mức tối đa. Song, nếu không cải cách tư duy để loại bỏ bằng được tâm lý “hành”… là chính, thì gánh nặng hành chính vẫn đè lên vai doanh nghiệp và người dân.
Tiến trình hội nhập trong môi trường “sân chơi” mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương càng đòi hỏi quyết liệt cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 10-2014
Theo Bộ Tư pháp, trong tháng 10-2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 9 Nghị định của Chính phủ và 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó có các nghị định: Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01-10-2014, sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế; Nghị định 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ; Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25-10-2014 quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học;…
Bãi bỏ 45 thủ tục hành chính thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2815/QĐ-BTC công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính. Theo đó có 45 thủ tục hành chính được bãi bỏ.
Công bố kèm theo Quyết định này là danh mục 253 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, bao gồm 42 thủ tục hành chính mới; 166 thủ tục hành chính sửa đổi, thay thế; 45 thủ tục hành chính bãi bỏ.
Trong 45 thủ tục được bãi bỏ có 26 thủ tục cấp Cục Thuế và 19 thủ tục cấp Chi cục Thuế. Các thủ tục được bãi bỏ gồm: thủ tục xác nhận số thuế đã nộp tại Việt Nam đối với đối tượng cư trú của nước ngoài - trường hợp người nộp thuế đề nghị xác nhận số thuế thực nộp tại Việt Nam; hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp xuất khẩu thanh toán bằng tiền (trường hợp hoàn trước kiểm sau); thủ tục Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt; giảm thuế Thu nhập cá nhân đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn…
Quyết định này có hiệu lực từ 20-12-2014.
Đổi giấy phép lái xe chỉ mất 2 giờ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết từ tháng 12 tới, cơ quan này sẽ thí điểm thực hiện đổi giấy phép lái xe điện tử (cấp độ 3), sau đó nhân rộng ra toàn quốc. Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) cho biết: Hiện nay người dân phải 2 lần đến nơi cấp đổi Giấy phép lái xe để làm thủ tục nên mất nhiều thời gian. Tới đây, người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký đổi Giấy phép lái xe thông qua mạng internet (khai báo thông tin theo biểu mẫu của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, xác nhận có giấy khám sức khỏe đạt tiêu chuẩn). Sau khi đã điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ xác nhận hồ sơ có đầy đủ hay không. Nếu được xác nhận, người dân sẽ được cấp một mã số tương tự như “code” vé máy bay hay tàu hỏa để đặt lịch hẹn. Khi đến hoàn thiện hồ sơ, người dân sẽ nộp hồ sơ gốc theo quy định để cán bộ nghiệp vụ đối chiếu. Nếu đầy đủ theo đăng ký trên hệ thống, không có gì sai sót, cơ sở cấp đổi sẽ chuyển sang duyệt in và chỉ mất từ 1 - 2 giờ là người làm thủ tục có thể nhận Giấy phép lái xe mới.
Đến nay, Tổng cục Đường bộ đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để sẵn sàng thực hiện việc đổi Giấy phép lái xe điện tử vào đầu tháng 12-2014. Sau khi thực hiện thí điểm tại Tổng cục, dự kiến vào đầu quý II-2015 sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ này cho các Sở Giao thông vận tải địa phương thực hiện.
Mức lệ phí khi thực hiện việc đổi Giấy phép lái xe qua mạng sẽ không thay đổi, vẫn giữ ở mức 135.000 đồng/Giấy phép lái xe như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, triển khai Cấp đổi Giấy phép lái xe qua mạng là nỗ lực lớn của đơn vị nhằm cụ thể hóa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. Từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã cắt giảm được 43 hạng mục thủ tục hành chính. Đây là một bước tiếp theo để giảm thêm 1 hạng mục nữa./.
Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp  (02/12/2014)
Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp  (02/12/2014)
Việt Nam-Nhật Bản hợp tác phát triển nguồn lực chất lượng cao  (01/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên