Kinh nghiệm của Trung Quốc về tăng cường và đổi mới quản lý xã hội

TS. Nguyễn Thị Vy Tạp chí Cộng sản
23:47, ngày 28-11-2014

TCCSĐT - Hiện nay, Trung Quốc vừa ở thời cơ của sự phát triển chiến lược quan trọng, vừa ở trong giai đoạn mâu thuẫn xã hội nổi trội, lĩnh vực quản lý xã hội tồn tại không ít vấn đề. Tăng cường và đổi mới quản lý xã hội nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, thúc đẩy hòa hợp xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc, xây dựng xã hội sung túc, văn minh, đưa đất nước phát triển bền vững và lành mạnh là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới.

Một số thành tựu và những thách thức đang đặt ra

Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có 56 dân tộc, diện tích tự nhiên là 9.600.000 km2, với 1,35 tỷ người dân, nhưng tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, diện tích đất canh tác ngày càng bị hạn chế do quá trình đô thị hóa nhanh. Cuối năm 2013, Trung Quốc có hơn 53% số dân sống ở đô thị với 730 triệu người, ở nông thôn là 630 triệu; dự tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 60-70% số dân sống ở đô thị với 100 triệu người dân sống ở nông thôn chuyển sang sống ở đô thị. Trong quy hoạch phát triển Trung Quốc kiên quyết giữ nguyên 1,8 tỷ mẫu đất canh tác nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa, thực hiện “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, “Lý luận Đặng Tiểu Bình” và tầm quan trọng của “Thuyết ba đại diện”, Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc luôn sáng tạo, kiên trì giương cao ngọn cờ và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, với tinh thần “Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại”, từng bước tìm ra con đường phát triển đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Sau hơn 36 năm thực hiện cải cách, mở cửa, Trung Quốc có nhiều biến đổi sâu sắc; từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, với cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, kinh tế phát triển mạnh mẽ, vượt bậc; ở đâu trên thế giới cũng có hàng hóa Trung Quốc; vùng đất nào trên thế giới cũng có người Trung Quốc sinh sống. Năm 2010, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới; năm 2013 GDP đạt hơn 9.000 tỷ đô-la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 7.000 USD. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc được coi là lớn nhất thế giới, Trung Quốc là đối tác thương mại của 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đường sắt ở Trung Quốc phát triển mạnh, đứng thứ nhất thế giới, với tổng chiều dài trên 100 nghìn km, trong đó có 12.000 km đường sắt cao tốc đã được xây dựng ... Có nhiều chuyên gia khẳng định, thành tựu đạt được của Đảng và nhân dân Trung Quốc trong mấy chục năm qua bằng sự phát triển hàng trăm năm của nước ngoài.

Từ những thành công trên cho thấy, trong khi kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sáng tạo nên quan điểm phát triển mới - quan điểm phát triển khoa học, chứa đựng nội hàm phong phú và sâu sắc: “lấy dân làm gốc, phát triển toàn diện, hài hòa và lâu dài”. Hiện nay, khi nhân dân Trung Quốc đang trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc để đưa ra một mốc phát triển lịch sử nhanh hơn và tốt hơn, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương phải kiên trì việc “lấy dân làm gốc”; “xây dựng quan điểm phát triển toàn diện, hài hoà, liên tục và sâu rộng”; xúc tiến phát triển toàn diện kinh tế, xã hội và con người. Đồng thời, nhấn mạnh việc quy hoạch phát triển thành thị và nông thôn, quy hoạch phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hài hoà giữa con người với thiên nhiên, giữa nhu cầu phát triển trong nước với mở cửa; từ đó, thúc đẩy tiến trình cải cách và phát triển đất nước Trung Quốc nhanh, bền vững, nhằm đạt mục tiêu 2 lần 100 năm (năm 2021 - Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; năm 2049 - Kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) và thực hiện Giấc mơ Trung Hoa (Dream of China).

Hiện nay, Trung Quốc vừa ở trong thời cơ phát triển chiến lược quan trọng vừa ở trong giai đoạn mâu thuẫn xã hội nổi trội, vì vậy, trong xã hội đang tồn tại không ít những vấn đề cần phải giải quyết như: tranh chấp đất đai, tranh chấp lao động, khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị với nông thôn, giữa một bộ phận có thu nhập cao và thấp có sự chênh lệnh khá lớn (có tài liệu nói 20% người giàu có mức thu nhập trên 20 lần số 20% người nghèo tính từ nghèo nhất trở lên); tỷ lệ dân số già hóa ngày càng tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường do các khu công nghiệp thải ra; tài nguyên sử dụng bị lãng phí; đặc biệt nạn tham nhũng có chiều hướng ngày càng tăng ở các cấp và một số người có chức, có quyền, đã làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân... Tốc độ phát triển về kinh tế nhanh, tăng trưởng kinh tế tăng cao trong nhiều năm kết hợp với quy hoạch đô thị hóa đã làm cho xã hội Trung Quốc phát triển nóng, gây phức tạp cho công tác quản lý và phát triển xã hội. Đặc biệt là, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chuyển đổi kép trong cơ chế và kết cấu xã hội; đối mặt với công nghiệp hóa, đô thị hóa, thông tin hóa và toàn cầu hóa đang cùng lúc tiến hành đẩy nhanh sự chuyển đổi trong cơ chế kinh tế, kết cấu biến đổi xã hội sâu sắc; cục diện lợi ích có những điều chỉnh mạnh mẽ, tư tưởng, quan niệm thay đổi sâu sắc... Theo số liệu thống kê gần đây của Trung Quốc, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng năm 2013, cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp của Trung Quốc đã tiếp nhận 1,22 triệu vụ kiện, lập án 172.000 vụ, xử lý 182.000 người; đến nay, cán bộ cấp cao, từ cấp tỉnh trở lên, đã công bố hơn 50 người, trong đó có 5 người khóa mới (2 người ủy viên Trung ương, 3 người ủy viên dự khuyết Trung ương, 2 người ủy viên dự khuyết đang thụ lý án. Trong 50 người nêu trên có 8 người đã nghỉ hưu, có người nghỉ hưu 8 năm vẫn xử lý (trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị đã nghỉ hưu).

Đối với những thách thức trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc có cái nhìn khá tỉnh táo, sâu sắc và xác định, Trung Quốc vẫn ở giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và vẫn là đất nước đang phát triển. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đại hội lần thứ XVIII (2012), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XVIII), Đảng và Nhà nước Trung Quốc có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực thúc đẩy công cuộc cải cách đất nước, thực hiện “cải cách toàn diện và sâu rộng” trên tất cả các lĩnh vực của xã hội. Trong đó, Đảng, Nhà nước Trung Quốc tập trung xây dựng và hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như: chính sách xã hội dân sinh; đổi mới thể chế quản lý xã hội hiện đại; xây dựng hệ thống dịch vụ công cơ bản; xây dựng hệ thống bảo đảm xã hội; chiến lược phát triển dân số; xây dựng môi trường sinh thái và phát triển bền vững; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng...

Coi trọng các vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội hài hòa, bền vững

Cùng với những thay đổi to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm đến các chính sách xã hội và đổi mới quản lý xã hội. Tuy nhiên, nếu so với phát triển và cải cách kinh tế, thì công tác quản lý xã hội thay đổi tương đối chậm, đặc biệt là Trung Quốc đang đối mặt với chuyển đổi kép trong cơ chế và kết cấu.

Để có xã hội phát triển bền vững và lành mạnh, thì phải giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Phát triển bền vững là phát triển có thể vừa đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội hiện tại, mà lại không gây nguy hại đến sự phát triển của thế hệ sau. Phát triển bền vững không chỉ chú ý đến phát triển kinh tế đơn thuần, mà lấy nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng sinh tồn của loài người làm mục tiêu, không ngừng làm hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế, dân số, tài nguyên và môi trường, là sự phát triển tổng thể bền vững, ổn định, lành mạnh của hệ thống tổng hợp kinh tế - xã hội - sinh thái. Trong thế giới đương đại, trong khi con người theo đuổi tăng trưởng kinh tế, xuất phát từ môi trường sinh tồn, chất lượng cuộc sống và lợi ích lâu dài của loài người, nhiều quốc gia không những xác nhận quyền lợi phát triển của bản thân loài người, mà nhấn mạnh quan điểm phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên. Năm 2004, Hội nghị Trung ương 4, khóa XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần đầu tiên đưa ra khái niệm mới là “xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN)” bao gồm nhận thức mới về nội hàm, đặc trưng cơ bản của CNXH mang đặc sắc Trung Quốc; làm phong phú thêm nội dung cơ bản của “xã hội khá giả”, hoàn thiện mô hình phát triển của Trung Quốc, từ “Tam vị nhất thể” (văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần), đến “Tứ vị nhất thể” (thêm xã hội hài hòa) và “Ngũ vị nhất thể” (thêm văn minh sinh thái).

Học thuyết “Ngũ vị nhất thể” của Trung Quốc được đưa ra tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (12-2012), là con đường phát triển khá toàn diện. Muốn xã hội lành mạnh và bền vững phải bắt đầu từ các lĩnh vực cơ bản: chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường… Trong quá trình phát triển, yếu tố con người phải được chú trọng phát triển toàn diện cùng với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm xã hội, từ Trung ương đến cơ sở. Đó là một xã hội khoa học, phát triển, công bằng, kỷ cương, có trật tự, lấy con người làm gốc, coi lợi ích của nhân dân là trên hết. Cùng với các vấn đề xã hội, chú ý vấn đề cải cách về thể chế, bảo đảm môi trường chính trị ổn định, có những chiến lược, quyết sách đúng đắn, vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm công bằng xã hội; nâng cao dân trí, thúc đẩy học tập suốt đời; chuyển đổi cơ chế quản lý doanh nghiệp, cơ quan, chuyển người cơ quan thành người xã hội; tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đổi mới hệ thống dịch vụ công; tăng nguồn lực tài chính; bảo vệ môi trường, phát triển xanh; dân số ổn định về quy mô; áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất … Phải có sự trù tính chung sự phát triển thành thị - nông thôn, trù tính chung sự phát triển của khu vực, sự phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa phát triển trong nước với cải cách mở cửa; xóa bỏ dần những yếu tố không hài hòa trong thời kỳ kinh tế - xã hội chuyển đổi, xây dựng xã hội khá giả, tiến tới thực hiện mục tiêu hiện đại hóa.

Xây dựng hệ thống quản trị mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, để có hệ thống quản trị tốt trong xu thế hiện nay cần thực hiện tốt cơ chế quản lý xã hội: “Đảng ủy lãnh đạo, Chính phủ chịu trách nhiệm, tổ chức xã hội phối hợp và quần chúng tham gia”, nhấn mạnh chức năng dịch vụ công cộng của Chính phủ.

Một là, Chính phủ cần chuyển đổi chức năng một cách thiết thực. Để đáp ứng yêu cầu này, cần chuyển đổi từ chính phủ mang mô hình kinh tế chủ thể và đầu tư sang chính phủ mang mô hình phục vụ cộng đồng; từ quan điểm phát triển đơn nhất, không toàn diện chuyển sang phát triển khoa học; từ việc lấy GDP là cơ sở đánh giá thành tích đạt được của chính phủ chuyển sang việc đặt trình độ phục vụ công cộng vào vị trí quan trọng… Mục tiêu của quản lý xã hội chính là quản lý và phục vụ con người, phục vụ quần chúng, xác định cái nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa quản lý và phục vụ, trong quản lý phải thể hiện được sự phục vụ, trong phục vụ thực hiện quản lý; tức là phải làm được tốt những công việc tốt cho quần chúng nhân dân ở mọi lúc mọi nơi, quan tâm thiết thực đến cuộc sống của nhân dân, đáp ứng những nhu cầu hợp lý của người dân, và người dân hài lòng về cách phục vụ. Trong giai đoạn xã hội chuyển đổi, Chính phủ từ mô hình toàn năng chuyển sang mô hình giới hạn. Làm thế nào để thực hiện cầm quyền vì nhân dân, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dựa vào pháp luật, cầm quyền một cách dân chủ, thì sự tham gia của nhân dân chắc chắn là không thể thiếu trong quản lý xã hội hiện nay. Vì vậy, những quyết sách mang tính chất quan trọng, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đến lợi ích thiết thân của nhân dân, thì cần phải suy xét thận trọng không chỉ đến lợi ích kinh tế mà còn chú ý đến đánh giá những rủi ro với sự ổn định xã hội. Phải có cơ chế lắng nghe, tiếp nhận rộng rãi những ý kiến của các bên liên quan. Cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và người dân để phân tích, chứng minh, đánh giá rủi ro, tập thể thảo luận quyết định trở thành quy trình bắt buộc để thông qua các quyết sách quan trọng, nhằm thực hiện khoa học hóa, dân chủ hóa, pháp trị hóa các quyết sách công cộng. Nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm công dân cho người dân. Công dân chỉ có nỗ lực nâng cao tố chất của bản thân, nắm rõ mức độ và cách thức tham dự, làm quen với những quy định pháp luật liên quan, mới có thể tham dự một cách rộng rãi vào đời sống chính trị và phục vụ công cộng.

Hai là, định vị một cách khoa học chức năng quản lý xã hội và phục vụ công cộng của Chính phủ. Chính phủ và các tổ chức xã hội đều là chủ thể trong lĩnh vực quản lý xã hội và phục vụ công cộng, nhưng Chính phủ và tổ chức xã hội đảm nhiệm những vai trò khác nhau, phát huy những tác dụng khác nhau trong quản lý xã hội. Chức năng chủ yếu của Chính phủ trong quản lý xã hội là phục vụ công cộng, thể hiện trên các phương diện: cung cấp những phục vụ mang tính dân sinh cơ bản như cung cấp những phục vụ về vấn đề việc làm và an sinh xã hội cơ bản; cung cấp những phục vụ mang tính sự nghiệp cộng đồng như giáo dục, khám chữa bệnh, văn hóa cộng đồng; cung cấp các phục vụ cơ bản mang tính công ích như bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; cung cấp các phục vụ mang tính an toàn cộng đồng như an toàn xã hội, an toàn tiêu dùng, …

Ba là, xây dựng và kiện toàn thể chế tài chính cộng đồng, mở rộng đầu tư vào phục vụ công cộng của Chính phủ. Phải cải cách thể chế tài chính, đẩy nhanh tốc độ xây dựng tài chính cộng đồng, nâng cao tỉ trọng tài chính chi khoản dành cho các hạng mục phục vụ xã hội cộng đồng như giáo dục, vệ sinh, việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hạ tầng cơ sở…; tách bạch hóa sự phân quyền giữa Trung ương và địa phương; kiện toàn thể chế tài chính thuế vụ.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp phục vụ công cộng. Đổi mới thông qua cơ chế thị trường mời thầu, đấu thầu hợp đồng, kinh doanh đặc quyền,… nhằm hạ thấp giá thành, nâng cao hiệu quả; điều động sức mạnh xã hội, cổ vũ các tổ chức xã hội tham dự; đa nguyên hóa chủ thể và đa dạng hóa phương pháp cung ứng yêu cầu xã hội, đa dạng hóa thành viên; đồng đẳng hóa phục vụ công cộng, tức là tất cả các thành viên đều có cơ hội tận hưởng các phục vụ công cộng cơ bản như nhau.

Năm là, phát huy tác dụng phối hợp trong quản lý xã hội của các tổ chức xã hội. Nhận thức đầy đủ về tác dụng của các tổ chức xã hội trong xây dựng kinh tế và phát triển xã hội (phục vụ xã hội, quy chuẩn hành vi, bày tỏ nhu cầu, giám sát xã hội); nâng cao sức giáo dục của tổ chức xã hội, đáp ứng yêu cầu về văn hóa, vật chất không ngừng tăng cao của nhân dân; cải cách thể chế quản lý kép, đổi mới mô hình mới quản lý tổ chức xã hội; hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật liên quan, quy chuẩn hành vi, bảo vệ quyền lợi, đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh; tăng cường khả năng tự xây dựng và xây dựng đội ngũ nhân tài của tổ chức xã hội, nâng cao năng lực phục vụ xã hội. Hiện nay, nghiệp vụ và loại hình của các tổ chức xã hội đề cập đến mọi phương diện, với phương thức hoạt động đa dạng, phức tạp (mang tính học thuật, công ích, ngành nghề, chuyên nghiệp) đều có đặc điểm phát triển riêng, nên chúng ta phải căn cứ vào các loại hình khác nhau mà có những chính sách chỉ đạo và quản lý khác nhau. Cần đẩy nhanh phát triển các tổ chức ngành nghề, tổ chức mang tính công ích, tổ chức mang tính xã hội và tổ chức xã hội cơ bản ở thành thị và nông thôn.

Sáu là, tăng cường và hoàn thiện xây dựng cộng đồng. Cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành viên xã hội đang dần dần quá độ từ “người cơ quan” sang “người xã hội”, cùng với việc đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, số lượng lớn nông dân chuyển vào thành phố (gọi là nông dân công), làm cho kết cấu quản lý xã hội vốn có bị phá vỡ, cần phải có tổ chức mới để chỉnh đốn và quản lý con người. Vì vậy, cộng đồng ngày càng trở thành không gian chủ yếu trong cuộc sống của con người, trở thành tổ chức mới để tiến hành chỉnh đốn xã hội và quản lý xã hội. Vì vậy, cần quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển cộng đồng, xây dựng tổ chức cộng đồng, xây dựng tổ chức phục vụ cộng đồng và xây dựng văn hóa cộng đồng./.