Nhập khẩu của Việt Nam - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp
TCCSĐT - Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đi đôi với việc tạo lập đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường đặt thương mại và thị trường vào vai trò hết sức quan trọng, trong đó nhập khẩu - yếu tố đầu vào của nền kinh tế là vấn đề cần phải được chú trọng.
Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - đồng nghĩa với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì mức độ giao thoa và tác động của tình hình kinh tế bên ngoài đến Việt Nam càng mạnh, càng tức thời. Từ nhập siêu trong thời gian dài, đột ngột chuyển sang xuất siêu trong năm 2012 và 2013, đây là trạng thái tạm thời hay mang tính bước ngoặt? Câu hỏi sẽ có lời giải khi phân tích “bức tranh’’ nhập khẩu diễn ra trong những năm vừa qua.
Quy mô nhập khẩu
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân thời kỳ 1991 - 2000 là 17,5%, giai đoạn 2001 - 2011 là 20,7%. Nhìn chung, tăng trưởng nhập khẩu của nước ta không ổn định qua các thời kỳ. Nhập siêu gia tăng khá nhanh, năm 2000 là 1,16 tỷ USD, hai năm 2005 và 2006, các con số tương ứng là 4,54 và 5,06 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2012, tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa là 6,6 %, chỉ bằng 36,3% tốc độ tăng 18,2 % của xuất khẩu hàng hóa. Điều này đã dẫn đến sự đảo chiều của cán cân thương mại, từ nhập siêu trong suốt thời gian dài, Việt Nam lần đầu tiên sau 20 năm trở lại vị thế xuất siêu. Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đạt 132,03 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012, là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO.
Bảng 1: Xuất nhập khẩu hàng hóa và cán cân thương mại của Việt Nam
Năm | Kim ngạch xuất khẩu (Tỷ USD) | Tăng trưởng xuất khẩu (%) | Kim ngạch nhập khẩu (Tỷ USD) | Tăng trưởng nhập khẩu (%) | Cán cân thương mại (Tỷ USD) | Tỉ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (%) |
2001 | 15,03 | 3,76 | 16,23 | 3,72 | -1,2 | 7,9 |
2002 | 16,71 | 11,16 | 19,75 | 21,75 | -3,04 | 18,2 |
2003 | 20,15 | 20,61 | 25,26 | 27,90 | -5,11 | 25,34 |
2004 | 26,51 | 31,54 | 31,95 | 26,52 | -5,44 | 20,6 |
2005 | 32,44 | 22,4 | 36,98 | 15,7 | -4,54 | 14,0 |
2006 | 39,83 | 22,8 | 44,89 | 21,4 | -5,06 | 12,7 |
2007 | 48,56 | 21,9 | 62,68 | 39,6 | -14,12 | 29,1 |
2008 | 62,69 | 29,1 | 80,71 | 28,8 | -18,03 | 28,8 |
2009 | 57,10 | -8,9 | 69,95 | -13,3 | -12,85 | 22,5 |
2010 | 72,24 | 26,5 | 84,84 | 21,3 | -12,6 | 17,4 |
2011 | 96,91 | 34,2 | 106,75 | 25,8 | -9,84 | 10,2 |
2012 | 114,53 | 18,2 | 113,78 | 6,6 | 0,75 | - |
2013 | 132,03 | 15,3 | 132,03 | 16,0 | 0,0003 | - |
Nguồn: Tổng cục Hải Quan Việt Nam - 2013.
Cán cân thương mại Việt Nam đang có xu hướng được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên có sự mất cân đối lớn giữa xuất và nhập khẩu hàng hóa, diễn ra trên hầu hết các thị trường chủ yếu của Việt Nam.
Trong khi Việt Nam xuất siêu lớn đối với các thị trường phát triển Hoa Kỳ và EU, Nhật Bản... thì nhập siêu lại gia tăng ở một số thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và ASEAN (Xin-ga-po, Thái Lan.... )
Hàng hóa nhập khẩu
Trị giá nhập khẩu tăng và xu hướng tăng tỷ trọng tư liệu sản xuất là kết quả tất yếu của chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu. Nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, đồng thời tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng chưa được cải thiện trong khoảng thời gian dài cho thấy xuất khẩu nước ta quá phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài và công nghệ chậm được thay đổi và mở rộng. Đây là hệ quả của sự phát triển yếu kém ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như sản xuất thay thế nhập khẩu. Do đó, nếu không nhanh chóng đổi mới công nghệ, việc nhập khẩu các sản phẩm trung gian sẽ không cải thiện được giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Điều này sẽ hạn chế không nhỏ việc cải thiện cán cân thương mại trong dài hạn.
Bảng 2: Cơ cấu nhập khẩu theo mặt hàng và khu vực kinh tế
Đơn vị : %
| 2001 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 |
Tổng nhập khẩu | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Phân theo khu vực kinh tế | |||||||||
- Khu vực kinh tế trong nước | 69,3 | 62,9 | 63,3 | 65,4 | 65,5 | 62,7 | 56,4 | 54,3 |
47,2 |
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài | 30,7 | 37,1 | 36,7 | 34,6 | 34,5 | 37,3 | 43,6 | 45,7 |
52,8 |
Phân theo nhóm mặt hàng | |||||||||
- Tư liệu sản xuất | 92,1 | 89,6 | 88,0 | 90,5 | 88,8 | 90,2 | 89,0 | 90,6 | 93,2 |
Máy móc, thiết bị, phụ tùng | 30,5 | 25,3 | 24,6 | 28,6 | 28,0 | 31,6 | 29,6 | 29,0 | 36,9 |
Nguyên nhiên vật liệu | 61,6 | 64,3 | 63,4 | 61,9 | 60,8 | 58,6 | 59,4 | 61,6 |
56,3 |
- Hàng tiêu dùng | 7,9 | 8,2 | 7,8 | 7,4 | 7,8 | 9,3 | 9,9 | 7,6 |
6,8 |
Lương thực |
| 0,0 | 0,0 | 0,0 | 0,0 | 0,1 | 0,0 | - | - |
Thực phẩm | 3,0 | 3,0 | 2,8 | 2,5 | 2,8 | 3,0 | 3,3 | - | - |
Hàng y tế | 2,0 | 1,4 | 1,3 | 1,2 | 1,1 | 1,7 | 1,6 | 1,4 | - |
Hàng khác | 3,0 | 3,7 | 3,7 | 3,7 | 3,9 | 4,5 | 5,0 | - | - |
- Vàng phi tiền tệ | - | 2,2 | 4,2 | 2,1 | 3,4 | 0,5 | 1,1 | 1,8 | - |
Chú thích: (-) Chưa có số liệu
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam các năm 2001 - 2012
Thị trường nhập khẩu
Trong thập niên những năm 2000, nhập khẩu từ châu Á luôn chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng kim ngạch (77,8-81,3%) do có những lợi thế về vị trí địa lý, giá cả. Nhập khẩu từ thị trường châu Âu chiếm thị phần lớn thứ hai trong tổng kim ngạch với khoảng 11-12% và mức độ cải thiện thị phần hầu như không đáng kể. Châu Mỹ có mức độ cải thiện đáng kể, nhưng vẫn khá nhỏ bé, chỉ khoảng 6-7% trong tổng kim ngạch. Nhập khẩu từ châu Đại Dương, nhất là từ châu Phi đến nay vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Những năm gần đây, ngoài các thị trường truyền thống, đã bắt đầu có sự gia tăng nhập khẩu máy móc từ những thị trường có trình độ công nghệ cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canađa…tuy nhiên, kim ngạch vẫn còn thấp xét cả về quy mô lẫn tốc độ.
Tới nay, thị trường nhập khẩu nước ta đã mở rộng tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, số thị trường đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD tăng từ 14 lên 17. Tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường trên 1 tỷ USD chiếm gần 88% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tiếp tục tăng cao, đạt 36,94 tỷ USD - tăng 28,3%, chiếm 28% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Xếp sau Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt 21,33 tỷ USD, tăng 2,8%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 20,7 tỷ USD, tăng 33,3% so với 2012.
Có thể thấy rằng, cơ cấu thị trường nhập khẩu của nước ta từ năm 2007 (thời điểm gia nhập WTO) đến nay không có thay đổi lớn và dự báo sẽ ít có sự thay đổi đáng kể trong những năm tới. Với tỷ trọng nhập khẩu cao từ các thị trường châu Á (nhập siêu chủ yếu với các thị trường này) - những nước có trình độ công nghệ trung bình và xuất siêu đối với các thị trường có công nghệ nguồn, cho thấy Việt Nam đang đi theo lý thuyết đàn sếu bay một cách tuần tự nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều các nước NICs. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phát triển theo kiểu rút ngắn, đi tắt đón đầu, xác định vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn.
Nhập khẩu nhìn từ các thành phần kinh tế
Trong suốt thời gian từ 2001 đến 2011, khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu rất lớn, nếu không có khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu để bù đắp thì nhập siêu trong cán cân thương mại của Việt Nam còn trầm trọng hơn nhiều. Trong khi đó, khu vực kinh tế FDI luôn duy trì mức xuất siêu, năm 2012 lên tới 12 tỷ USD.
Thống kê giai đoạn 2000 - 2012, tỷ trọng nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chưa tới 10%; nhập khẩu các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào (bình quân khoảng 60%), rồi đến nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng (bình quân trên 30%). Như vậy, có thể thấy vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ để làm ra các sản phẩm, là chi phí đầu vào chứ không phải việc hạn chế tiêu dùng hàng nhập khẩu hay không. Một sản phẩm có thể mang nhãn mác Việt Nam nhưng toàn bộ nguyên vật liệu và máy móc thiết bị đều được nhập khẩu từ bên ngoài, như vậy việc khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam thực chất cũng chỉ là việc tiêu dùng hàng nhập khẩu mà thôi.
Một số giải pháp chủ yếu cho thời gian tới
Để cải thiện cơ cấu hàng hóa và thị trường nhập khẩu, những việc cần làm trong thời gian tới là:
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế như các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS), tiêu chuẩn môi trường..., xây dựng cơ chế tăng cường và chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp; cải thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi của chính sách quản lý nhập khẩu; ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, có khả năng làm tổn hại môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu.
- Tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các luật và chính sách đã ban hành về nhập khẩu và liên quan nhập khẩu như Luật Thương mại; Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Cạnh tranh… Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các luật và quy định của WTO và các hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực khác thông qua: (i) Chủ động và linh hoạt áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, các biện pháp tự vệ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và tiêu chuẩn môi trường nhằm kiểm soát nhập khẩu theo mục tiêu đã đặt ra trong chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2020; (ii) Xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, hàng hóa chất lượng kém, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân; (iii) Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại.
- Ổn định tỷ giá, song điều hành tỷ giá danh nghĩa nên bám sát tỷ giá thực tế nhằm từng bước tạo điều kiện cho tỷ giá trở thành công cụ khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu trong trung hạn./.
--------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương, Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020. NXB Công Thương, 2012
- Bộ Công Thương (2013), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và Kế hoạch năm 2013 của ngành Công Thương
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030
- Trần Công Sách (2011), Một số vấn đề về phát triển xuất nhập khẩu nhanh và bền vững thời kỳ 2011 - 2020, Kỷ yếu hội thảo quốc gia về chủ đề “Định hướng phát triển xuất nhập khẩu nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020”
- Tổng cục Hải Quan,Niên giám thống kê hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. NXB Tài Chính - 2014.
- IMF (2013), World Economy Outlook, January, 2013
- WB (2013), Global Economy Prospect, January, 2013
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-10-2014  (20/10/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên khai mạc Hội nghị EROPA 2014  (20/10/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên khai mạc Hội nghị EROPA 2014  (20/10/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến công du châu Âu  (19/10/2014)
Chuyên gia Đức đánh giá cao phát biểu về Biển Đông của Thủ tướng  (19/10/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển