TCCS - Năm 2009 cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ long trọng kỷ niệm ngày truyền thống của mình (21-12). Trải qua 55 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nhưng, những khó khăn, thử thách vẫn đang ở phía trước đối với Tập đoàn để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được chính thức thành lập ngày 22-6-2006 theo các Quyết định số 147/2006/QĐ-TTg và 148/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên. Theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp đa sở hữu, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất và kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực là 3 ngành nghề kinh doanh chính.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và trưởng thành, nhưng thực tế hoạt động nhiều năm qua đã khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày nay (trước kia là Tổng công ty Điện lực Việt Nam) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

1 - Những thành tựu cơ bản và quan trọng

- Giữ vững, phát huy vai trò chủ đạo và đã đáp ứng một cách cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Tính chung giai đoạn từ 1995 - 2008, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở nước ta luôn ở mức cao nhất trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 15,06% (GDP tăng bình quân 7,49%). Để đạt được tăng trưởng này đòi hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có những cố gắng phi thường trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành và kinh doanh.

- Thực hiện được khối lượng đầu tư lớn, quy mô nguồn và lưới điện không ngừng được mở rộng. Tính chung giai đoạn 1995 - 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư trên 233 ngàn tỉ đồng cho xây dựng nguồn và lưới điện. Năm 1995, tổng công suất nguồn điện cả nước mới chỉ có 4.550 MW, sản lượng 14,6 tỉ kWh, nhưng đến cuối năm 2008, công suất nguồn điện đã đạt 15.763 MW (tăng 3,46 lần), điện năng sản xuất đạt 74,225 tỉ kWh (tăng 5,08 lần).

- Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, thể hiện qua tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 21,4% (năm 1995) xuống mức còn một con số 9,21% (năm 2008).

- Đầu tư điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bước phát triển vượt bậc. Đến cuối năm 2008, 100% số huyện, 97,24% số xã, 95,72% số hộ dân trên cả nước và 94,49% số hộ dân ở nông thôn có điện (cao hơn nhiều nước trong khu vực, vượt trước chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng X đề ra là đến năm 2010 cả nước đạt 90% hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia). Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

- Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cân bằng được tài chính, bảo toàn và phát triển vốn trong khi vẫn bảo đảm là công cụ điều tiết vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Lợi nhuận của Tập đoàn giai đoạn 1995 - 2008 đạt 31.975 tỉ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước đạt 38.134 tỉ đồng, giá trị tài sản cố định đến cuối năm 2008 đạt 192.679 tỉ đồng, tăng gấp 6,9 lần so với năm 1995.

Hiện nay, tổng công suất nguồn điện thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 10.719MW (chiếm 68% công suất toàn hệ thống điện), sản lượng điện do các nhà máy thuộc Tập đoàn sản xuất là 53,093 tỉ kWh (chiếm 71,53% sản lượng điện toàn hệ thống). Tập đoàn đang quản lý, vận hành 24.386 km đường dây truyền tải điện cấp điện áp từ 110 kV - 500 kV, 281.635 km đường dây trung, hạ thế, 46.602 MVA dung lượng trạm biến áp từ 110 kV- 500 kV, 42.983 MVA dung lượng trạm biến áp trung, hạ thế.

Ngoài ra, trong 3 năm gần đây, thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức từ tổng công ty nhà nước sang mô hình tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trực thuộc. Đến nay, với quy mô 71 đơn vị thành viên và trực thuộc, 22 đơn vị liên kết, về cơ bản, Tập đoàn đã hoàn thiện các cơ chế quản lý, điều hành; đã thực hiện cổ phần hóa 30 đơn vị, trong đó có 6 công ty phát điện (trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn như nhiệt điện Phả Lại, Thác Mơ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, ...), 1 công ty phân phối điện, 4 công ty tư vấn xây dựng điện và 19 doanh nghiệp khác.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng, hai ngành nghề kinh doanh chính khác của Tập đoàn là viễn thông công cộng và cơ khí chế tạo thiết bị điện được mở rộng. Doanh thu cơ khí chế tạo năm 2008 đạt 1.700 tỉ đồng với nhiều sản phẩm đa dạng, như: máy biến áp lực ở các cấp điện áp đến 220 kV (đang nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500 kV); cột thép cho đường dây tải điện; cáp và phụ kiện đường dây; đặc biệt đã chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và cấu kiện cho nhiều dự án lớn, có tầm quan trọng quốc gia như thủy điện Buôn Kuốp (280 MW), thủy điện Bản Vẽ (320 MW), A Vương (210 MW), thủy điện Sơn La (2.400 MW). Năm 2008, Tập đoàn đã cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cho gần 3,7 triệu khách hàng, doanh thu đạt trên 3.700 tỉ đồng.

Các hoạt động kinh doanh khác như ngân hàng, tài chính,... cũng được từng bước phát triển, tạo thêm kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện của Tập đoàn. Trong khuôn khổ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện liên kết lưới điện liên quốc gia, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta và các nước trong khu vực. Tập đoàn đã thực hiện kết nối lưới điện ở cấp điện áp 110 kV và 220 kV với Công ty lưới điện phương Nam (Trung Quốc), đang cung cấp điện cho Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) qua 2 đường dây 220 kV, đồng thời bán điện cho nhiều địa phương khác của Cam-pu-chia và Lào ở nhiều điểm dọc biên giới.

2 - Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề

Những thành tựu đã đạt được là hết sức to lớn, song trên bước đường đi lên của mình nhằm trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho là đáp ứng đủ điện cho nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến thành công, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn. Vì vậy, Tập đoàn xác định phải tiếp tục đổi mới, định rõ chiến lược phát triển nhằm khẳng định mình trong điều kiện nền kinh tế đang tiếp tục có những bước tiến mạnh và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Dựa trên những định hướng cơ bản về phát triển ngành điện đã nêu trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước (Kết luận số 26-KL/TW ngày 24-10-2003 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2007 của Bộ Chính trị; Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004; Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-01-2006; Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18-7-2007; Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ ...), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025. Trong đó, nổi bật lên 4 vấn đề mấu chốt, có tầm quan trọng chi phối bước đường phát triển của Tập đoàn, đó là:

(i) Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ của đất nước;

(ii) Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, tách phần chính sách xã hội ra khỏi giá điện;

(iii) Từng bước hình thành và phát triển thị trường điện lực;

(iv) Hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

3 - Những giải pháp cụ thể

- Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia phát triển sản xuất điện phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp an ninh năng lượng với bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; phát triển sản xuất điện phải đi trước một bước, với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ; phải đa dạng hóa loại hình nguồn điện gắn với chính sách khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước; đồng thời, có chính sách xuất nhập khẩu hợp lý, đa dạng hóa hình thức đầu tư trong phát triển nguồn điện và lưới điện phân phối với định hướng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số tập đoàn kinh tế nhà nước khác giữ vai trò chi phối trong phát triển nguồn điện. Do đó, nhiệm vụ trước mắt của Tập đoàn sẽ là tập trung thực hiện cho được Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI). Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và tham gia đầu tư 48 dự án nguồn điện có tổng công suất 22.748 MW/59.469 MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới) với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 475 ngàn tỉ đồng và hệ thống lưới điện đồng bộ có tổng vốn đầu tư ước tính 239 ngàn tỉ đồng. Đây là khối lượng đầu tư đồ sộ, một thách thức thật sự đối với Tập đoàn do nhu cầu vốn quá lớn, trong khi việc triển khai các dự án thường gặp nhiều trở ngại, nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

- Việc chuyển đổi giá điện sang cơ chế thị trường liên quan đến việc xóa bỏ bao cấp trong cả sản xuất và tiêu thụ điện nhằm bảo đảm giá điện tạo ra động lực đủ lớn khuyến khích đầu tư và sử dụng điện tiết kiệm, tách hoạt động công ích ra khỏi sản xuất kinh doanh điện. Do vậy, thị trường hóa giá điện như chỉ đạo của Chính phủ sẽ là biện pháp căn bản nhằm cân bằng tài chính dài hạn, bảo đảm khả năng thu xếp vốn và trả nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư nguồn điện khác, vì chỉ có như vậy an ninh năng lượng quốc gia mới có điều kiện được bảo đảm. Với nhu cầu vốn đầu tư lớn (chỉ riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam là khoảng 715 ngàn tỉ đồng đến năm 2015), đây thực sự là vấn đề mang tính quyết định nhưng cũng rất khó khăn.

- Theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện lực sẽ được thực hiện qua 3 cấp độ, theo từng bước thí điểm và hoàn chỉnh: thị trường phát điện cạnh tranh (2009 - 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015 - 2022), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022). Để làm được điều này, giải pháp cần thiết là thiết lập thị trường điện cần được kết hợp chặt chẽ và đồng bộ với việc thiết lập thị trường cạnh tranh về than, dầu khí trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế và xã hội và phù hợp với lộ trình thị trường hóa giá điện. Vì thế, theo hướng này, những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động xây dựng thị trường điện nội bộ thí điểm nhằm tập dượt cho các đơn vị thành viên làm quen dần với các quy tắc của thị trường điện để tiến tới thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển thị trường điện lực.

- Về mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện cũng được Tập đoàn cố gắng phấn đấu thực hiện. Những kết quả của chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong những năm qua đã góp phần to lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục thực hiện 4 dự án đầu tư điện nông thôn quy mô lớn vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá 370 triệu USD và gần 2.000 tỉ đồng để cấp điện cho các thôn, buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên, đồng bào Khmer tại Trà Vinh, Sóc Trăng. Từ tháng 6-2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai một chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao là tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp hiện đang do các hợp tác xã điện, tổ điện quản lý để bán điện trực tiếp đến tất cả các hộ dân nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Mục tiêu là đến tháng 6-2010 sẽ hoàn thành tiếp nhận toàn bộ gần 5.300 xã với 6,6 triệu hộ. Song, thách thức của Tập đoàn vẫn là cần được tiếp tục bố trí lượng vốn rất lớn cho cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn sau tiếp nhận do phần lớn lưới điện này đã từ lâu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, gây mất an toàn và tiêu hao điện năng lớn.

Những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trên là những khó khăn, thách thức đối với Tập đoàn, song với bề dày truyền thống 55 năm của ngành điện cách mạng (21-12-1954 - 21-12-2009), Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh của nước ta và trong khu vực, bảo đảm vai trò chủ đạo trong cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước./.