Những tấm gương bình dị mà cao quý

NĐ tổng hợp
22:25, ngày 19-10-2014
TCCSĐT - Những tấm gương tổ chức, cá nhân phụ nữ nỗ lực với công tác hội, đóng góp sức mình trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu vì bình đẳng giới, mang con chữ đến với trẻ em đồng bào dân tộc các vùng khó khăn,… là những bông hoa đẹp Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.

“Mái nhà chung” của người khuyết tật

Hai mươi lao động khuyết tật hàng ngày cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm quần, áo để nuôi sống chính mình. Họ ở và làm việc dưới “mái nhà chung” là hợp tác xã may Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà chủ của hợp tác xã may Tuân Chính, chị Trần Thị Hoàn cũng là một người khuyết tật. Năm lên 3 tuổi, một trận sốt cao và co giật đã làm liệt bên chân trái của chị. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị tâm sự: “Trước đây tôi đi làm may cho công ty, song vất vả, không theo được, nên xin nghỉ, về nhà nhận hàng làm may gia công. Từ năm 2010, tôi bắt đầu bắt mối, nhận làm đồng phục cho các trường học và mời thêm một số chị em có cùng hoàn cảnh trong xã đến làm. Cũng chỉ làm được vài trăm áo, chủ yếu là cắt bộ bằng tay, nhà cửa lụp xụp ngày mưa thì dột, ngày nắng thì nóng nực, rất vất vả”.

Năm 2012, tại một buổi hội thảo hỗ trợ vốn vay cho người tàn tật, chị đã mạnh dạn trình bày hoàn cảnh của bản thân, mong muốn nhận được sự giúp đỡ. Nguyện vọng thành lập một cơ sở may mặc để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ tại địa phương của chị được mọi người ủng hộ. Tháng 10-2012, Hợp tác xã may mặc người khuyết tật Tuân Chính chính thức ra mắt. Ban đầu, hợp tác xã may của chị được hỗ trợ 20 máy may. Chị Hoàn cũng đầu tư mua thêm một số máy móc, thiết bị từ các sơ sở thanh lý, tạo thêm phương tiện để các chị em tham gia hợp tác xã có việc làm.

Những ngày đầu lập nghiệp, kinh nghiệm còn thiếu, chị đã gặp không ít khó khăn vì nguồn hàng không được ổn định, thu nhập bấp bênh, lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất khó khăn. Không nản chí, chị cất công đi tham khảo khắp nơi, tìm hiểu thị trường. Để mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho các chị em trong hợp tác xã, bất chấp đôi chân không lành lặn, đi lại khó khăn, chị tự mình “gõ cửa” các cơ sở trường học nhận đơn hàng may đồng phục. Những hợp đồng đầu tiên không chỉ giúp cơ sở sản xuất đứng vững mà bắt đầu có lãi, uy tín với khách hàng ngày một tăng. Sau đó, chị mạnh dạn nâng cấp cơ sở và tuyển thêm nhiều người khuyết tật vào đào tạo, đặc biệt là những người khuyết tật có gia cảnh khó khăn. Không chỉ thế, chị Hoàn còn biết cách khích lệ các học viên phát huy những ưu điểm riêng, bố trí công việc tùy theo điều kiện sức khỏe và tình trạng khuyết tật của họ. Người khiếm thính thì làm công việc may công nghiệp, người thiểu năng cũng được chỉ bảo để làm những việc đơn giản như cắt chỉ, xếp hàng vào bao bì... Chị giống như “người mẹ thứ hai” gần gũi, chia sẻ động viên từng học viên, nắm bắt tâm lý để giải quyết những xung đột thường nhật.

Trời không phụ công, hợp tác xã ngày một phát triển mạnh, với mỗi vụ may đồng phục, hợp tác xã thu khoảng 400 triệu đồng. Từ 6 lao động đầu tiên, đến nay hợp tác xã đã tạo công việc cho khoảng hơn 20 lao động chủ yếu là phụ nữ khuyết tật, một số ít lao động nhàn rỗi có hoàn cảnh khó khăn. Một số chị đi lại khó khăn, hợp tác xã tạo điều kiện cho mượn máy may, nhận hàng về làm tại nhà. Thu nhập bình quân của 1 xã viên từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Với những chị có sức khỏe tốt, làm giỏi, thu nhập có thể lên tới 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã may Tuân Chính đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời thiếu may mắn. Ở đó, họ được cảm thông, chia sẻ, có cơ hội vươn lên tự khẳng định bản thân, hòa nhập cộng đồng và luôn đầy ắp tình thương yêu.

Phú Thọ: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn

Những năm qua, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ còn tích cực thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Đến nay , các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 10.000 phụ nữ là lao động nông thôn. Các nghề được đào tạo là: Kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, đan lát thủ công, kỹ thuật chăn nuôi... Thông qua các lớp đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, giúp nhiều phụ nữ phát triển kinh tế và hướng đến giảm nghèo bền vững.

Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ cũng tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường, trung tâm dạy nghề, các huyện, thành, thị tổ chức các lớp dạy nghề tại cơ sở phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, hướng đến việc đào tạo những công việc mà lao động nữ có thể làm tại nhà hoặc tại địa phương. Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tuyển sinh đào tạo sơ cấp nghề cho 648 học viên.

Nhiều học viên sau khi học xong đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình tại gia đình cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Điển hình là mô hình trồng chè của chị Trương Thị Yến, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn với diện tích 1,5 ha, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị cũng đạt mức thu nhập 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. Mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt của chị Phạm Thị Hà xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, mỗi năm trừ chi phí cũng thu lãi từ 100-120 triệu đồng.

Chăm lo cái chữ cho con em đồng bào Bahnar

Gần 20 năm dạy học ở trường Tiểu học xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cô giáo H'Ner - người dân tộc Bahnar đã trở thành con chim đầu đàn của nhà trường trong việc chăm lo cái chữ cho con em đồng bào dân tộc ở các buôn làng. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi" cấp tỉnh, cấp huyện và đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành và chính quyền các cấp trao tặng.

Là giáo viên dạy song ngữ Việt - Bahnar trong quá trình dạy học, cô giáo H'Ner luôn coi các cháu học sinh như con em của mình. Ban đầu, cái khó khăn nhất chính là huy động các cháu trong độ tuổi đến lớp học chữ và duy trì được sĩ số đến cuối năm học. Cô giáo H'Ner không quản ngại khó khăn cùng với nhà trường và các già làng, trưởng bản đến từng hộ để tuyên truyền, vận động theo phương châm "mưa dầm, thấm sâu" nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng, tự nguyện cho con em mình đến trường lớp. Nhờ vậy, hàng năm lớp học của cô phụ trách đều thu dung được khoảng 30 cháu, 100% số cháu trong độ tuổi ở làngTuơh K'Tu đều đến lớp học và duy trì được sĩ số đến cuối năm học; không có trường hợp nào bỏ học giữa chừng như trước đây nữa.

Ngoài kiến thức sư phạm tiếp thu ở trường, cô luôn học hỏi kinh nghiệm ở các bạn đồng nghiệp về phương pháp soạn giáo án, phương pháp truyền đạt từng môn học... nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Cô đã tự mình mua máy vi tính để soạn giáo án, tìm kiếm trên mạng những gì cần thiết phục vụ cho công tác dạy học để áp dụng. Ngoài ra, hàng ngày cô còn dành nhiều thời gian đưa các cháu có trình độ học lực yếu về nhà riêng của mình để phụ đạo thêm những môn học cơ bản, giúp các cháu nâng cao được kiến thức trong học tập. Nhờ vậy, trình độ học tập của học sinh luôn được đồng đều và nâng cao; gần như năm học nào lớp học do cô phụ trách đều có 100% số học sinh được lên lớp.

Người phụ nữ Mông tâm huyết với công tác bình đẳng giới

Với lối diễn xuất tự nhiên, trang phục truyền thống đẹp cùng với lời thoại dễ nhớ, dễ hiểu, tiểu phẩm “Hoa Núi” của chị Gia Thị Kía cùng hội viên phụ nữ bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, đã xuất sắc giành giải Nhất chung kết Hội thi “Chi hội trưởng phụ nữ cơ sở giỏi” tỉnh Thanh Hóa năm 2014. Dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng với sự linh hoạt, nhiệt tình trong công việc, chị Kía được mọi người đánh giá là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ giỏi, được nhiều hội viên tin yêu.

Gặp chị Kía sau khi hội thi kết thúc, không giấu được niềm vui và tự hào khi nhận được giải cao, chị hồ hởi cho biết: Bình đẳng giới là một đòi hỏi tất yếu, vì phụ nữ ngày càng chứng tỏ vị thế, khả năng đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, công tác bình đẳng giới gặp khó khăn hơn. Phụ nữ người dân tộc gánh chịu nhiều thiệt thòi, chưa được sự quan tâm chia sẻ công việc gia đình, ít được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tiểu phẩm là ý tưởng được chị nuôi dưỡng từ lâu. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành tiểu phẩm dự thi là rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, trăn trở của chị.

Không chỉ có năng khiếu văn nghệ, chị Kía còn là một Chi hội trưởng giỏi, tâm huyết với nghề. Bản Pá Hộc của chị có 100 hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ. Hầu hết hội viên, phụ nữ trong chi hội chưa nói thạo tiếng Kinh nên việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế. Từ suy nghĩ “Tư tưởng có thông lập trường mới vững”, chị Kía không quản ngại đường xá xa xôi, núi non hiểm trở, tranh thủ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động hội viên tham gia học tiếng Kinh vào buổi tối do chị là giáo viên hướng dẫn. Xuống cơ sở tuyên truyền, vận động cũng là cơ hội để chị hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng cùng những khó khăn, vướng mắc của hội viên để kịp thời tháo gỡ. Chị còn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con người Mông trong bản khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống mới vào thâm canh tăng vụ... Nhờ vậy, nhiều gia đình hội viên trong bản đã vươn lên thoát nghèo. Thời gian làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Bá Hộc, chị Kía đã giúp được 7 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững…

Tấm lòng cao quí của người phụ nữ bình dị

Chị Huỳnh Thị Bích Liễu, 45 tuổi, thôn Tân Tự, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, được biết đến như một điển hình về người phụ nữ đảm đang “3 trong 1”, vừa làm tốt công tác Hội, vừa phát triển mạnh kinh tế gia đình, vừa là một cán bộ y tế thôn, bản sâu sát, được lòng dân.

Là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phổ Minh, chị Liễu luôn ý thức được trọng trách cá nhân và luôn nỗ lực hết mình vì công việc. Chị không ngừng động viên, khuyến khích chị em trong Hội cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng Hội ngày một vững mạnh. Với chị, dù đồng lương ít ỏi, nhưng được cống hiến cho địa phương thì việc gì cũng làm và làm tận tâm. Hễ có ai khó khăn, thiếu thốn là chị giúp ngay; sẵn sàng cho họ mượn tiền để xây nhà, ổn định chỗ ở. Chị Liễu cho biết: “Muốn người khác hiểu mình thì mình phải đi đầu cái đã. Phải xây dựng kinh tế gia đình thật chắc, có như thế chị em mới tin và làm theo”.

Không những vậy, dù việc gia đình, việc cơ quan có bận rộn đến đâu, chị Liễu vẫn thu xếp ổn thỏa để tự nguyện làm tiếp công việc của một nhân viên y tế thôn bản. Nhờ có chị Liễu tuyên truyền, giáo dục sức khỏe mà ý thức của những bà mẹ trẻ được nâng cao rõ rệt, biết đưa con đi khám định kỳ, số lượng trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng giảm đáng kể; môi trường sống trong thôn Tân Tự được cải thiện vì ít xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm…

Mọi người càng tin yêu chị Liễu hơn khi thấy chị chăm sóc mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Thịnh (84 tuổi) trú cùng thôn chẳng khác gì người mẹ ruột của mình./.