Phó Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Pháp
Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vui mừng khi thấy bà con có cuộc sống ổn định, thành đạt, hòa nhập tốt vào xã hội nước sở tại, đồng thời luôn quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hướng về cội nguồn bằng những tình cảm chân thành và đóng góp thiết thực.
Phó Chủ tịch cũng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đồng thời mong muốn bà con luôn làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Đề cập đến quan hệ song phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian qua, quan hệ hợp tác đã được mở rộng và phát triển giữa các tổ chức, cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội hai nước. Pháp coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác tốt tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và có nhiều cơ chế hợp tác. Hai nước đã ký quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào tháng 9-2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm đưa hợp tác song phương giữa hai nước phát triển đi vào chiều sâu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm: Tổng sản phẩm quốc nội đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng này cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và đạt thành tích xuất siêu. Tình hình xã hội ổn định, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo ngày một được cải thiện. Tinh thần đoàn kết của dân tộc được phát huy hơn lúc nào hết, đặc biệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của đất nước dựa trên nguyên tắc: Không liên kết với nước này để chống lại nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào.
“Đây chính là tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng trong thời kỳ mới nhằm tăng bạn bớt thù," Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng thông tin về công tác xây dựng luật tại Quốc hội trong thời gian tới. Cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến về các luật quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, đồng thời tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ và lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Liên quan đến tình hình biển Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Việt Nam kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ bằng cách kiên trì đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và dựa vào luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã có các hành động thiết thực nhằm thể hiện tinh thần yêu nước như biểu tình hòa bình nhằm phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
“Hình ảnh biển người vẫy cờ và biểu ngữ dưới chân tháp Eiffel yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây biết bao xúc động cho người dân trong nước. Nó có sức lay động và tập hợp tất cả những ai mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khen ngợi cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã làm tốt công tác vận động quần chúng và mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên các cơ quan nói trên sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, gắn bó mật thiết và hết mình hỗ trợ bà con người Việt sinh sống, làm ăn và học tập ở nước sở tại.
Tại buổi nói chuyện, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc, băn khoăn cũng như ghi nhận một số ý kiến đóng góp, đề xuất của bà con liên quan đến các vấn đề sở hữu nhà đất, các mức thuế ưu đãi khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, chế độ chính sách cho đội ngũ trí thức khi quay về đóng góp cho quê hương.
Trước đó, ngày 10-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đã thăm tỉnh Val de Marne, thuộc vùng thủ đô Ile-de-France. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp thượng nghị sỹ, Chủ tịch hội đồng tỉnh Val de Marne, Christian Favier.
Tại buổi gặp gỡ, thượng nghị sỹ Christian Favier đã đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Ông cũng thông báo mối quan hệ kết nghĩa và hợp tác lâu đời trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường và văn hóa giữa tỉnh Val de Marne và tỉnh Yên Bái của Việt Nam.
Ông cũng cho biết trong quan hệ hợp tác phi tập trung giữa Val de Marne và các địa phương của một số nước thì quan hệ với tỉnh Yên Bái được đánh giá là quan hệ mẫu mực đồng thời bày tỏ niềm vinh hạnh khi được đóng góp vào sự phát triển của Yên Bái. Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, hai bên sẽ nỗ lực hợp tác hơn nữa, tập trung vào các lĩnh vực du lịch và kinh tế, trong đó chú trọng việc hợp tác du lịch và thương mại hóa sản phẩm chè của Yên Bái.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn sự tiếp đón trọng thị mà lãnh đạo Hội đồng tỉnh Val de Marne đã dành cho đoàn. Theo Phó Chủ tịch, Yên Bái là vùng nguyên liệu chè của Việt Nam đồng thời cũng là vùng có nhiều cảnh đẹp với những cánh đồng bậc thang trên những ngọn núi cao và nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch mạo hiểm, du lịch đường dài, du lịch tìm hiểu cuộc sống và văn hóa người dân bản địa qua việc chung sống với người dân tại nhà sàn và các vùng núi cao.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Val de Marne với tỉnh Yên Bái trong lĩnh vực hợp tác xuất khẩu chè và phát triển các hình thức du lịch sẽ góp phần giúp tỉnh Yên Bái phát triển kinh tế đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Val de Marne tiếp tục hỗ trợ tỉnh Yên Bái và các tỉnh miền núi Tây Bắc phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, cải thiện các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ và trẻ em nghèo ở vùng cao.
Liên quan đến lĩnh vực lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết sau khi hoàn thiện Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), Quốc hội Việt Nam hiện đang nghiên cứu xây dựng Luật quản lý của các chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị thượng nghị sỹ Christian Favier và lãnh đạo Hội đồng tỉnh Val de Marne trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành chính quyền cấp tỉnh nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tính phân cấp quản lý, sao cho việc điều hành chính quyền địa phương được thực hiện một các hiệu lực và hiệu quả.
Trước đó, sáng 10-10, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham quan Nhà máy xử lý nước thải Valenton thuộc tỉnh Val de Marne. Đây là một trong số 5 nhà máy do Hiệp hội xử lý nước thải liên vùng Paris (SIAAP) quản lý, áp dụng phương pháp sinh học, một công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường./.
Tuần văn hóa Việt Nam tại Vương quốc Bỉ  (12/10/2014)
Vấn đề Biển Đông, Ukraine sẽ được đề cập tại Hội nghị ASEM 10  (12/10/2014)
Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ gặp Tổng thống Nga Putin vào tuần tới  (12/10/2014)
"G20 thảo luận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga"  (12/10/2014)
Đoàn Ban Dân nguyện của Quốc hội thăm và làm việc tại Na Uy  (12/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên