Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-4-2009.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Sau gần 5 năm thực hiện, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, không còn phù hợp.

Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn, điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia,...

Cùng với đó, trong tổng thể chiến lược tài chính, ngân sách, thực hiện các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế sẽ điều chỉnh cắt, giảm về đối tượng và mức thuế suất của nhiều sắc thuế trong thời gian gần đây, thì cần thiết phải có phương án để bù đắp nguồn thu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Một số ý kiến đánh giá, sau 5 năm thực hiện, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đặt ra trên cơ sở sửa đổi những nội dung tồn tại, hạn chế, bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Yêu cầu và thực tiễn đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung lần này là rất lớn, nhưng phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ tương đối hẹp, chưa bao quát một cách toàn diện đối với tất cả các nhóm hàng hóa chịu thuế.

Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện hơn về quá trình thực thi Luật hiện hành, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung căn bản, đầy đủ, toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này.

Thảo luận các nội dung cụ thể, về đối tượng chịu thuế, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo luật loại bỏ náp-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai, khấu trừ thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cùng nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung việc áp dụng mức thuế ưu đãi hơn đối với sản phẩm xăng sinh học.

Gần đây trên thị trường đã xuất hiện xăng E5 (xăng có pha trộn một tỷ lệ nguyên liệu sinh học), giảm ô nhiễm môi trường cần được phát triển để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới. Theo đó, cần áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với xăng thông thường (ưu đãi theo tỷ lệ ethanol và các chế phẩm sinh học trong xăng).

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cũng tán thành với đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình với quy định của dự thảo luật bổ sung tàu bay phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng vào đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Là cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với quy định của dự thảo luật áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống.

Thực tế hiện nay đã phát sinh tình trạng lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với các khu vực phi thuế quan có cả khu dân cư sinh sống để đưa hàng hóa vào trong khu vực phi thuế quan, sau đó được bán trở lại và tiêu dùng trong dân cư, tạo ra sự không công bằng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kiến nghị sửa đổi đối với các sắc thuế khác đang được miễn trong khu phi thuế quan có cả dân cư sinh sống để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ dự kiến trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2014). Để bảo đảm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện công tác tuyên truyền và chuẩn bị điều kiện quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật này là từ ngày 01-7-2015.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, trong đó cần đánh giá cụ thể những tác động về kinh tế, xã hội khi sửa đổi luật này; đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền về các chính sách thuế, tạo sự đồng tình trong nhân dân./.