Trung tâm Hành chính công - mô hình thí điểm trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh
TCCSĐT - Xây dựng chính quyền điện tử và các trung tâm hành chính công trong cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và là một nội dung quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Trung tâm Hành chính công trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính nhà nước
Ngày 28-9-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh và xây dựng 6 trung tâm hành chính công, gồm trung tâm hành chính công của tỉnh, thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và huyện Vân Đồn. Trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện được thành lập nhằm mục đích chủ yếu là nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ. Trung tâm hành chính công cấp tỉnh là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, có đầy đủ thẩm quyền, chức năng, vị trí để thực hiện nhiệm vụ trong cải cách hành chính của nhà nước. Vì thế, việc thành lập trung tâm hành chính công được coi là một bước quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính nhà nước của Quảng Ninh.
Hiện nay, Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ninh có 4 phòng chuyên môn là: Văn phòng, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Kiểm tra - Giám sát, Phòng Giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, Phòng Giải quyết thủ tục hành chính được chia làm 3 tổ công tác liên ngành, gồm tổ 1 (phụ trách giải quyết các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, xây dựng, xúc tiến đầu tư, quản lý khu kinh tế, giao thông - vận tải); tổ 2 (công an, thuế, kế hoạch và đầu tư, công thương, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kho bạc nhà nước); tổ 3 (giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, ngoại vụ, tư pháp). Các tổ có tổ trưởng phụ trách và được hưởng phụ cấp theo quy định. Ngoài 15 cán bộ chuyên trách, Trung tâm Hành chính công tỉnh có đội ngũ trên 140 cán bộ biệt phái, cử điều từ các sở, ngành cùng lãnh đạo sở xuống làm việc trực tiếp tại chỗ; 24 cơ quan đại diện, bao gồm các cơ quan trung ương không thuộc địa bàn tỉnh như công an, bảo hiểm xã hội, thuế, kho bạc,… cũng có mặt tại Trung tâm.
Trung tâm được lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Đồng thời để góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động, Trung tâm Hành chính công của tỉnh đưa vào sử dụng phần mềm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của của các bộ phận, cán bộ công chức tại các trung tâm.
Tiếp nhận, thẩm định tại chỗ
Trong buổi làm việc với Đoàn cán bộ của Tạp chí Cộng sản do PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản làm Trưởng đoàn trong chuyến khảo sát, nghiên cứu tại Quảng Ninh trong khuôn khổ chương trình hợp tác với tỉnh, đồng chí Đỗ Hồng Thao, Giám đốc Trung tâm Hành chính công của tỉnh nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” và mô hình “tiếp nhận, thẩm định tại chỗ” mà Trung tâm đang áp dụng. Đó là, việc “tiếp nhận, thẩm định tại chỗ” được thực hiện từ khâu hướng dẫn, kiểm tra, tiếp nhận, thẩm định, ký phê duyệt và trả kết quả ngay tại Trung tâm (không có khâu trung gian chuyển hồ sơ về các sở, ngành, phòng, ban). Trong khi đó, theo cơ chế “một cửa”, việc tiếp nhận hồ sơ được thông qua văn thư, sau đó chuyển tới lãnh đạo sở có liên quan phân về các phòng, ban giải quyết và chuyển lại văn thư để trả hồ sơ. Quy trình như vậy dễ dẫn tới tình trạng ách tắc, chậm trễ trong việc thẩm định hồ sơ do các sở không có mối liên kết chặt chẽ, gây khó khăn, chậm trễ trong việc giải quyết.
Bộ phận hành chính công chuyên ngành làm việc tại Trung tâm được chuyên môn hóa cao, nghiệp vụ vững vàng. Đội ngũ cán bộ này không chỉ đơn thuần tiếp nhận hồ sơ, mà còn có đủ năng lực và thẩm quyền để hướng dẫn cho công dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định; thẩm định, trình duyệt hồ sơ và trực tiếp phát hành phiếu hẹn trả kết quả cho công dân theo nguyên tắc “một thẩm định, một phê duyệt”. Cán bộ phụ trách hồ sơ chịu trách nhiệm toàn bộ, cuối cùng trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, không chuyển hồ sơ về các phòng, ban của các sở, ban, ngành để thẩm định. Trường hợp trong quá trình thẩm định cần lấy ý kiến của phòng, ban, sở, ngành hoặc bộ phận khác để thẩm định, thì người cán bộ phụ trách hồ sơ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để lấy ý kiến tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Với các hồ sơ liên thông ngang, cần nhiều thủ tục hành chính do một sở chủ trì, các sở khác tham gia giải quyết, Trung tâm tiến hành giải quyết tại chỗ với sự tham gia của các sở, hội ý, thống nhất, nhanh chóng giải đáp cho công dân. Quan hệ giữa các sở, ngành, phòng, ban và Trung tâm được thể chế hóa bằng quy chế phối hợp, tạo được sự gắn kết trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc cho người dân và tổ chức. Tại Trung tâm còn có đại diện Tỉnh ủy, Thanh tra Tỉnh giám sát quy trình thẩm định. Do đó, tất cả các thủ tục được tiếp nhận tại Trung tâm thuộc các ngành, lĩnh vực đều bảo đảm được thẩm định, ký phê duyệt ngay tại Trung tâm (trừ các thủ tục theo quy định của pháp luật thuộc cơ quan thẩm quyền cao hơn phê duyệt mà không thể phân cấp, ủy quyền).
Với quy trình vận hành như vậy, nên mặc dù mới đi vào hoạt động được 6 tháng, mô hình “tiếp nhận, thẩm định tại chỗ” đã bước đầu thể hiện tính ưu việt vượt trội hơn so với mô hình “một cửa, một cửa liên thông”. Thời gian giải quyết hồ sơ đã giảm 60% so với trước đây. Hiện nay, Trung tâm Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh giải quyết 979/1.385 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành của tỉnh. Theo số liệu của Trung tâm Hành chính công của tỉnh, từ ngày 21-3-2014 đến ngày 18-9-2014, Trung tâm đã tiếp hơn 17.000 lượt công dân và nhận được 8.504 hồ sơ thuộc các lĩnh vực, trong đó 90% hồ sơ đã được giải quyết, 1% hồ sơ quá hạn, 3,6% hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết và 1,1% hồ sơ đang chờ bổ sung.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động
Trung tâm Hành chính công của tỉnh hoạt động theo phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động”. Hướng tới người dân, Trung tâm chú trọng tới sự hài lòng của công dân về các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là việc công dân được thụ hưởng thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp. Tổ chức, công dân đến giao dịch tại Trung tâm được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp. Các thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Trung tâm được thực hiện theo nguyên tắc thuận lợi, nhanh gọn, đúng hẹn.
Quy trình theo dõi việc giải quyết hồ sơ bằng việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả từ các khâu giải quyết thủ tục, từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đến đóng gói trả hồ sơ vừa mang lại tiện ích cho công dân, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hạn chế những hiện tượng gây phiền hà cho dân, đồng thời giúp cho các nhà quản lý, lãnh đạo, như giám đốc trung tâm, giám đốc các sở, Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy giám sát được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính đối với từng hồ sơ. Phần mềm theo dõi việc giải quyết hồ sơ thể hiện rõ từng công đoạn giải quyết hồ sơ với thời gian hiển thị cụ thể, cùng với đó là việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ ở các công đoạn đó. Việc đánh giá này, một mặt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, mặt khác là cơ sở để cấp trên nghiên cứu, tham khảo khi thực hiện việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, các trung tâm hành chính công của Quảng Ninh cũng còn đứng trước nhiều khó khăn. Do đây là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, nên mặc dù đã chắt lọc kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này; việc xây dựng bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách còn lúng túng do các quy định hiện hành; các địa phương gặp khó khăn về quản lý cán bộ giữa các trung tâm và các phòng, ban; quy chế hoạt động; vẫn còn những băn khoăn trong việc tổ chức hoạt động của các trung tâm hành chính công (như việc cử cán bộ, việc đưa các dịch vụ triển khai tại các trung tâm chưa phù hợp,…)
Đề cập tới những dự định trong tương lai, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh cho biết, Trung tâm sẽ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính, các sở chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước. Với đề án này, Trung tâm góp phần thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ. Nhiều sở, ngành sẽ giảm được số lượng cán bộ, công chức để chuyển sang viên chức thực hiện phục vụ hành chính. Năm 2016, Trung tâm sẽ bắt đầu vận hành bước này. Hiện tại, Trung tâm nỗ lực làm tròn chức năng của nền hành chính phục vụ, khi phục vụ tốt sẽ chuyển sang mô hình dịch vụ với mức phí hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể. Điều quan trọng là, chất lượng dịch vụ sẽ khiến người dân hài lòng với mức phí mình bỏ ra.
Thành công trong tương lai mà Trung tâm hướng tới là công dân ít phải đến Trung tâm để giải quyết thủ tục hành chính mà sẽ thực hiện trực tuyến (online). Người dân và tổ chức được các trung tâm hành chính công cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình cung cấp thông tin và dịch vụ. Áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp các trung tâm hành chính công nhanh chóng tiếp thu ý kiến của người dân và giúp người dân tham gia dễ dàng hơn trong quá trình ra quyết định của mình. Đồng thời, các trung tâm hành chính công cũng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn 4 ngày (ít hơn 1 ngày so với quy định hiện nay),…
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS, TS. Vũ Văn Phúc đánh giá cao mô hình thí điểm Trung tâm Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa ra những kinh nghiệm bổ ích để các địa phương tham khảo. Đây là một cách làm sáng tạo, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm chính trị lớn của tỉnh Quảng Ninh trong lộ trình xây dựng một nền hành chính công phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, đưa đến những dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất vì người dân. Người dân sẵn sàng ủng hộ sử dụng dịch vụ hành chính công nếu dịch vụ được công khai, minh bạch, phù hợp và xứng đáng với sự tin tưởng của người dân, đóng góp cho thu ngân sách nhà nước./.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc  (23/09/2014)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 10-2014  (23/09/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum  (23/09/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng Trường Hữu nghị T78  (23/09/2014)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp xúc cử tri tại Hà Nam  (23/09/2014)
Đề nghị đầu tư hạ tầng giao thông cho Hòa Bình để thu hút đầu tư  (23/09/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên