Về các phong trào văn hóa trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Thủ đô Hà Nội
Từ năm 2000 đến nay, căn cứ vào kế hoạch triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của Ban Chỉ đạo cuộc vận động của Trung ương, tại Hà Nội, Thường vụ Thành ủy đã có Chỉ thị số 53/CT-TƯ ngày 24-3-2000, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã cùng ra Nghị quyết liên tịch số 01-NQ-LT ngày 10-4-2000 về triển khai cuộc vận động. Đến nay, tại tất cả các cấp (thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn) đều đã hình thành được các quan hệ phân công, phối hợp thực hiện các phong trào văn hóa, nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động này.
Về nội dung cuộc vận động
Thứ nhất, xác định mục tiêu cơ bản của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là xây dựng "Người Hà Nội văn minh - thanh lịch"
Hà Nội đã căn cứ vào 5 đức tính nêu trong Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII, để xây dựng các tiêu chí về "Người Hà Nội văn minh - thanh lịch". Các quận, huyện, các ngành và đoàn thể đều nhận thức rõ để xây dựng văn hoá Thủ đô cần tập trung vào chiến lược xây dựng con người, bởi con người là chủ thể, là đối tượng và là sản phẩm của văn hoá. Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã hướng vào nội dung các tiêu chí, cung cấp tài liệu cho các ngành, đoàn thể xây dựng, triển khai thực hiện các chuẩn mực cụ thể phù hợp với các đơn vị trực thuộc. Trong quá trình thực hiện, nhiều quận, huyện, ngành, đoàn thể đã rất chú trọng đến việc xác định các tiêu chí xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng của mình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tập trung xây dựng chuẩn mực người phụ nữ Thủ đô "Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch". Đây là phong trào văn hóa của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô tham gia vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có phong trào xây dựng "Thế hệ trẻ Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", với tiêu chí "Tuổi trẻ Thủ đô: Sức khỏe - trí tuệ - đoàn kết - sáng tạo - thanh lịch - tình nguyện". Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn các đơn vị cơ sở thảo luận góp ý kiến xây dựng tiêu chuẩn "Người công nhân lao động thủ đô: Văn minh - thanh lịch - hiện đại" trong cuộc vận động xây dựng "Nếp sống văn hoá công nghiệp" và đã cụ thể hoá thành 3 tiêu chuẩn đối với tập thể và 5 tiêu chuẩn đối với cá nhân. Hội Nông dân thành phố đã tổ chức nhiều đợt tọa đàm từ các hội cơ sở, để góp ý xây dựng tiêu chuẩn "Người nông dân Thủ đô Văn minh - thanh lịch - hiện đại".
Thứ hai, xây dựng các mô hình văn hoá trên cơ sở xây dựng "Gia đình văn hoá"
Phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở Hà Nội đã đi vào nề nếp, ổn định. Từ hơn 10 năm nay, trên cơ sở phong trào này, Hà Nội đã tiến hành xây dựng một số mô hình văn hoá. Từ khi tiến hành cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, điểm nổi bật là tiến hành đồng thời việc xây dựng các mô hình văn hoá ở cả nội, ngoại thành. Trước khi tiến hành cuộc vận động này, hầu như chỉ tiến hành xây dựng "Gia đình văn hoá" và xây dựng "làng văn hoá". Từ năm 2000 đến nay, đã từng bước hoàn thiện tiêu chí các mô hình văn hoá: Khu dân cư xuất sắc, tổ dân phố, làng, đơn vị, ký túc xá. Thông qua đó, lôi cuốn tất cả các tầng lớp xã hội tham gia vào cuộc vận động và thúc đẩy hình thành phong trào văn hoá mới.
Thứ ba, thực hiện đồng thời các quy ước cưới, tang, lễ hội và tiến hành vệ sinh môi trường, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị
Về việc cưới: Từ năm 2000, tình hình thực hiện quy ước cưới "Trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm", bước đầu có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là ở ngoại thành. Lễ cưới tổ chức theo mô hình tiệc ngọt phát triển tương đối nhiều và đã có những lễ cưới sử dụng thiếp báo hỷ. Đoàn Thanh niên đã có những hình thức lồng ghép các buổi tọa đàm giữa những đôi tổ chức cưới theo quy ước với các bạn trẻ chưa lập gia đình trong các đợt sinh hoạt văn hoá - văn nghệ.
Về việc tang: Việc thực hiện quy ước tổ chức việc tang được đông đảo các tầng lớp trong xã hội hưởng ứng và đã giảm hẳn các hủ tục, chi tiêu lãng phí không cần thiết. Việc không mời thuốc lá, đặc biệt không tổ chức ăn trong khi tiến hành tang lễ đã khá phổ biến tại các thôn (làng) vốn có nhiều tập tục về lễ hiếu.
Lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác đã được tổ chức có nề nếp từ nhiều năm nay. Lễ hội ở Hà Nội đã tuân thủ nghiêm túc "Quy chế lễ hội" do Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch) ban hành và theo bản "Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại nơi thờ tự" của thành phố Hà Nội. Việc tổ chức lễ hội theo hướng xã hội hoá. Đã cải thiện được công tác giữ gìn an ninh, trật tự; việc đốt hương tràn lan đã cơ bản được khắc phục; tình trạng đốt vàng, đốt mã giảm nhiều; vệ sinh môi trường được quan tâm tốt hơn.
Phong trào tổng vệ sinh môi trường và hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị: Đây là phong trào nhằm vào những thói quen sinh hoạt thường nhật của mỗi người và tập thể song lại có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến môi trường đô thị. Phong trào thực sự chuyển biến kể từ cuối năm 2002 khi Hà Nội thực hiện chương trình hành động "Năm giao thông kỷ cương và văn minh đô thị" hướng tới Seagames 22, tạo tiền đề quan trọng xây dựng một đô thị điển hình về nhiều mặt, trước tiên là củng cố và hoàn thiện "Nếp sống văn minh đô thị".
Thứ tư, xây dựng và nhân rộng các điển hình tốt
Việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với đặc điểm nội thành, ngoại thành, lĩnh vực công tác (đô thị, ven đô, nông thôn, nông nghiệp, công nghiệp...) được triển khai toàn diện. Ví dụ, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức Hội nghị biểu dương các gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo" xuất sắc, tiêu biểu của toàn thành phố. Qua nhiều năm xây dựng các điển hình tiên tiến, xuất sắc đã tạo lập được những nội dung, tiêu chí về mẫu người Hà Nội văn minh - thanh lịch và nội dung, tiêu chí về các cộng đồng dân cư văn hoá (làng, tổ dân phố... văn hoá). Mức độ xây dựng, nhân rộng các điển hình này vì thế là thước đo đánh giá kết quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn thành phố Hà Nội.
Thứ năm, các ngành, đoàn thể xây dựng chương trình, mô hình (điển hình) thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đúng với chức năng và gắn với quá trình hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể
Trong quá trình triển khai, thực hiện cuộc vận động, các ngành, đoàn thể ở Hà Nội đều căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của mình để xây dựng chương trình, mô hình (điển hình) thực hiện các phong trào văn hoá hoặc các phong trào xã hội có lồng ghép thêm nội dung văn hoá đúng với chức năng và gắn với quá trình hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm cụ thể của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã hội.
Lồng ghép các phong trào văn hóa trong cuộc vận động
Mục tiêu của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được ban chỉ đạo trung ương xác định trong kế hoạch triển khai cuộc vận động này (được ban hành ngày 12-4-2000) là “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, ... phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(1). Thông qua đó, xây dựng các chỉ tiêu, quy chế về nếp sống văn hóa, huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào các hoạt động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hóa, theo hướng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành dần những tập quán mới, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật; tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, trước tiên ở cơ sở.
Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện lồng ghép các phong trào văn hóa trong cuộc vận động.
Thứ nhất, việc lồng ghép các phong trào văn hoá đòi hỏi phải có các nguồn lực chung (thông tin, nhân lực, tài chính ...) và phải thiết lập được mối quan hệ phân công, hợp tác một cách ổn định trong việc thực hiện phong trào văn hóa trên cơ sở đó có sự đóng góp sáng tạo của các ngành, đoàn thể xã hội, từ sáng kiến đến nhân lực, vật lực, tài chính,...
Yêu cầu đề ra phải điều phối được tất cả nguồn lực và các quan hệ phân công, hợp tác đó để thực hiện các nội dung một cách có hiệu quả nhằm phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch. Sự điều phối này vừa do một ngành hay đoàn thể đóng vai trò chủ chốt hay vai trò phối hợp vừa là sự điều tiết của đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách, với năng lực tự điều chỉnh của mỗi ngành, đoàn thể tham gia vào quá trình lồng ghép đó.
Tiêu chí quan trọng nhất của việc lồng ghép các phong trào văn hóa là phối hợp hay tổng hợp (theo hướng hệ thống hóa) các quan hệ phân công, hợp tác trong hoạt động văn hóa. Phải đạt tiêu chí này mới có các phong trào văn hóa theo đúng nghĩa của nó; tức là các hoạt động văn hóa được tập trung, tích tụ một cách ổn định và nhằm thực hiện một chủ đề nhất định, với sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân và cộng đồng. Nếu không đạt tiêu chí này mà chỉ giới hạn ở việc góp chung các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực...) thì sẽ chỉ có phong trào mang tính kỳ cuộc, tính hình thức. Và nếu không đạt tiêu chí căn bản này thì nhiều khi có “phát” có “vận”, nhưng sẽ có rất ít “động” hoặc không có “động”.
“Vận động” hay “phát động” chỉ là cách thức hoặc con đường dẫn đến “phong trào”, chứ không thể đồng nhất với “phong trào”. Biện pháp “vận động”, “phát động” có nhiều hình thức; trong đó hình thức quan trọng nhất phải là hình thức thúc đẩy các quan hệ phân công, hợp tác hoạt động văn hóa. Bởi chỉ nhờ vậy mới có kết quả là các phong trào văn hóa.
Thứ hai, các ngành, đoàn thể lồng ghép thêm nội dung văn hoá vào chức năng hoạt động của mình. Ví dụ: Liên đoàn Lao động thành phố lồng ghép thêm nội dung văn hóa vào chương trình hoạt động của mình, từ đó xây dựng và triển khai các phong trào “Nếp sống văn hóa trong công nghiệp”, "Xây dựng khu công nhân văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở" và xây dựng "Người công nhân lao động Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại.
Các ngành, các đoàn thể xuất phát từ yêu cầu, đặc điểm, chương trình công tác và khả năng huy động các nguồn lực của bản thân để thực hiện sự lồng ghép các hoạt động văn hóa - văn nghệ phù hợp với nội dung cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Kết quả là hình thành nhiều phong trào có nội dung văn hoá dù đó là phong trào của đoàn thanh niên hay tổ chức cựu chiến binh... Những phong trào này có mục tiêu kép: vừa thực hiện các chương trình công tác của bản thân tổ chức, đoàn thể đó vừa góp phần thực hiện mục tiêu chung của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Thứ ba, các ngành, đoàn thể cùng thực hiện một phong trào xã hội có lồng ghép nội dung văn hoá hoặc cùng tham gia các phong trào văn hoá. Ví dụ các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Thủ đô cùng thực hiện phong trào xoá đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế gia đình và cùng thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa,... Để đáp ứng yêu cầu này, ngoài các phong trào xã hội chung (xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng - chống tệ nạn xã hội), bản thân cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cần có những phong trào văn hoá chung cuốn hút các ngành, đoàn thể cùng tham gia thực hiện.
Thứ tư, lồng ghép theo phương châm xã hội hoá. Hiện nay, cách thức lồng ghép theo phương châm xã hội hoá còn đang hình thành. Vì thế các phong trào chủ yếu của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ bản được lồng ghép thông qua sự chủ động phối hợp của các ngành, đoàn thể. Từ đó nảy sinh các mối quan hệ phối hợp, kết hợp giữa một số ngành, đoàn thể. Sự phối hợp có thể dựa chủ yếu vào một ngành, đoàn thể và cũng có thể cần sự phối hợp chung của các bên tham gia vì mục tiêu chung. Sự phối hợp diễn ra theo những mức độ, phạm vi khác nhau, từ phối hợp về thông tin, tuyên truyền đến xây dựng và thực hiện chương trình hành động chung./.
-----------------------------------------------
(1) Xem Ban chỉ đạo Trung ương “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Một số kinh nghiệm về triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Hà Nội, 2004, tr.48-49.
Ký kết hiệp định thống nhất giữa các tôn giáo  (20/09/2014)
Việt Nam dự Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần hai ở Malaysia  (20/09/2014)
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng  (20/09/2014)
Kiểm tra chặt các thủy điện nhỏ chây ỳ tiền dịch vụ môi trường rừng  (20/09/2014)
Sẵn sàng tạo điều kiện để doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam  (20/09/2014)
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thăm chính thức Singapore  (20/09/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên