Thúc đẩy tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước
TCCSĐT - Định hướng bảo hiểm y tế toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và là giải pháp tài chính bền vững trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt hướng tới mục tiêu công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1992, Điều 39 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi: “thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khỏe” và được tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp sửa đổi năm 2013: “thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đây là định hướng quan trọng để thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Khái niệm “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” hay “bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân” được tiếp cận đầy đủ trên ba phương diện về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Tổ chức Y tế thế giới bao gồm:
- Bao phủ về dân số, tức là tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế;
- Bao phủ gói quyền lợi về bảo hiểm y tế, tức là phạm vi dịch vụ y tế được bảo đảm;
- Bao phủ về chi phí hay mức độ được bảo hiểm để giảm mức chi trả từ tiền túi của người tham gia.
Như vậy, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân không chỉ là tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế mà còn phải quan tâm đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng và đổi mới cơ chế tài chính y tế, giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình, bảo đảm người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng thiệt thòi không phải đối mặt với khó khăn về tài chính.
Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho thấy việc đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Định hướng này cũng phù hợp với quan điểm chung của Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 58 khi Tổ chức này phê chuẩn Nghị quyết số WHA58.33 với tiêu đề “Tài chính y tế bền vững, bao phủ toàn dân và bảo hiểm y tế xã hội”(1), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các cơ chế tài chính cho y tế, bảo vệ người dân trước bẫy nghèo do phải tự chi trả các chi phí y tế lớn khi ốm đau, bệnh tật.
Những thành tựu đã đạt được
Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nhất là sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Việt Nam đang từng bước tiếp cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và đã đạt nhiều kết quả quan trọng:
Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng thúc đẩy tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế được tăng cường, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và bước đầu đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tính đến ngày 30-12-2013, cả nước có 61,67 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 69% dân số, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng khoảng 15 triệu người so với thời điểm trước khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm, công tác tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cải thiện cả về chất lượng và quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế từng bước được điều chỉnh và chuyển dần cơ chế trợ cấp của Nhà nước, từ việc đầu tư ngân sách trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân mua bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế đáp ứng trên 50% tổng chi tiêu y tế của toàn xã hội, trong đó quỹ bảo hiểm y tế đóng góp gần 20%. Từ năm 2010 đến nay, quỹ đã cân đối thu chi để dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, góp phần giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân.
Cùng với chính sách phát triển và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, Nhà nước có các chính sách phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, từ tuyến y tế cơ sở đến các trung tâm y tế chuyên sâu; đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho cán bộ y tế, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho y tế tuyến dưới (thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, gọi tắt là Đề án 1816) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhờ vậy, tần suất sử dụng dịch vụ y tế của người tham gia bảo hiểm y tế và chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế cho người tham gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Ngày 13-6-2014, kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, như: Quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công với cách mạng, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, các xã đảo, huyện đảo không phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% đối với một số đối tượng thân nhân người có công, người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Ngoài ra Luật mới cũng tạo điều kiện thông thoáng hơn để người tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận, hưởng quyền lợi đầy đủ trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong phạm vi tuyến huyện mà không bị coi là trái tuyến…
Có thể nói, cùng với việc hoàn thiện hệ thống các chính sách, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ ngành y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ban hành đã có những bước tiến quan trọng, tạo cơ chế tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội của mọi công dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững và công bằng xã hội.
Các giải pháp trong thời gian tới
Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đòi hỏi phải có sự cam kết của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, tích cực tham gia của người dân. Để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tăng nguồn lực tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội,… những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của bảo hiểm y tế và chính sách bảo hiểm y tế cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, mở rộng diện bao phủ theo chiều rộng
Với tỷ lệ bao phủ hiện nay, còn khoảng 30% dân số, tức trên 30 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế, phải tự chi trả viện phí khi đi khám chữa bệnh. Trong số đó, có khoảng 5 - 7 triệu người thuộc nhóm lao động hưởng lương ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; số còn lại là người lao động tự do ở khu vực nông thôn và khu vực đô thị (còn gọi là lao động phi chính thức). Kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi triển khai bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng này trong nhiều năm qua cho thấy, bao phủ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng lao động tự do là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nước đang phát triển như nước ta hiện nay.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế cần phải triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: (1) Bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế cùng với việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, tăng cường thanh tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm y tế; (2) Thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện Luật; đưa chỉ tiêu về dân số tham gia bảo hiểm y tế là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. (3) Nhà nước tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đóng phí bảo hiểm y tế như kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm y tế của một số quốc gia.
Thứ hai, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế của người tham gia bảo hiểm y tế
Mặc dù hệ thống khám chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở trong những năm gần đây đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị kỹ thuật và củng cố, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và của người tham gia bảo hiểm y tế nói riêng. Người dân vẫn còn phàn nàn về thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi, người bệnh bỏ qua y tế cơ sở, vượt tuyến để khám chữa bệnh thông thường ở bệnh viện tuyến trên, gây tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên và lãng phí trong sử dụng nguồn lực,... Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế đầy đủ, toàn diện, không giới hạn dịch vụ y tế được cung cấp dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với hoàn cảnh kinh tế của một nước thu nhập trung bình thấp như nước ta thì các dịch vụ quá tốn kém, không phải là cơ bản, ví dụ như phẫu thuật và điều trị sau cấy ghép cơ quan nội tạng sẽ không bảo đảm được khả năng bền vững của quỹ bảo hiểm y tế.
Vì vậy, cần: (1) Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. (2) Nghiên cứu, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm tính chi phí - hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; (3) Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở và hoàn thiện phân tuyến kỹ thuật là giải pháp cần thiết, góp phần tăng thêm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh khi mở thông tuyến khám chữa bệnh theo quy định mới của Luật từ ngày 01-01-2016.
Thứ ba, bao phủ về chi phí, giảm chi trả từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế
Bảo vệ người có bảo hiểm y tế trước chi phí y tế lớn (còn gọi là chi phí y tế thảm họa, dẫn tới nghèo hóa) là mục tiêu tối thượng của mọi chương trình bảo hiểm y tế xã hội. Các quy định hiện hành về cùng chi trả không có trần giới hạn trong bối cảnh chi phí y tế gia tăng dẫn tới các trường hợp người có bảo hiểm y tế phải tự trả số tiền vượt quá khả năng chi trả của mình. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tần suất các hộ gia đình phải đối mặt với chi phí y tế lớn ở nước ta đang ở mức cao so với một số nước trên thế giới. Nếu không thay đổi được tình trạng phải trả nhiều tiền khi khám chữa bệnh dù đã có bảo hiểm y tế thì tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế sẽ mất đi và sẽ khó thu hút được người dân chủ động và tích cực tham gia bảo hiểm y tế.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở,… Những quy định này góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế, từng bước giảm chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020. Nghiên cứu, áp dụng các phương thức thanh toán phù hợp, thay thế cho phương thức thanh toán theo phí dịch vụ đang được sử dụng phổ biến hiện nay; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế là giải pháp có tính quyết định bảo đảm tính bền vững của quỹ và chính sách bảo hiểm y tế.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế
Tập trung vào công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền những nội dung mới của Luật Bảo hiểm y tế (bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện theo hộ gia đình, mở rộng quyền lợi, bỏ cùng chi trả, mở thông tuyến khám chữa bệnh,…); tuyên truyền để người dân hiểu về tính ưu việt của chính sách, trách nhiệm chia sẻ rủi ro với người khác, về vai trò và ý nghĩa “cứu cánh” của thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, nhằm tạo sự đồng thuận, chuyển biến mạnh mẽ về ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
Ngoài ra, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, xây dựng nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội kỳ họp thứ sáu về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012, của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020; Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020,… Tăng cường sự phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi phí. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành./.
------------------------------------------
(1) WHO, 2005, Sustainable health financing, universal coverage and social health insurance, WHA58.33
Tạp chí Ấn Độ ra chuyên đề đặc biệt về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam  (16/09/2014)
Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc  (16/09/2014)
Khai mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 35  (16/09/2014)
Quyết định của Ban Bí thư về nhân sự Đảng ủy Ngoài nước  (16/09/2014)
Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào tăng cường hợp tác  (16/09/2014)
"AIPA trở thành cơ chế hỗ trợ quan trọng của ASEAN ở mọi cấp độ"  (16/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên