TCCSĐT - Kiểm soát có hiệu quả quy mô dân số, chất lượng dân số các xã ven biển, bãi ngang sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cùng các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

Những “điểm nóng” dân số

Ở xã vùng cửa biển có quy mô dân số lớn thứ hai huyện Lộc Hà, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản nên quan niệm “đông con hơn nhiều của” và phải có con trai để đi biển đã ăn sâu vào nhận thức cũng như hành động của người dân. Những đứa trẻ sinh ra, nếu học hành tử tế thì bố mẹ cũng cố bám trụ cho học hết cấp 3, khá thì học tiếp, bằng không chỉ cần sức khỏe, con trai bám biển chài lưới, con gái bám nghề dịch vụ trên bờ hoặc vào Nam, ra Bắc kiếm việc làm thuê...

 

 Dân số đông khiến người dân các xã vùng biển đối mặt với nhiều áp lực về việc làm, chất lượng cuộc sống. Ảnh: baohatinh.vn

Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà trong những năm gần đây luôn cao so với nhiều xã khác trên địa bàn. Năm 2011, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại Thạch Kim là 38%, năm 2012: 35,6% và năm 2013: 32,8%. Chị Nguyễn Thị Thúy Diệu - Chuyên trách dân số xã cho biết: “Với đặc thù 40% dân số là đồng bào giáo dân, lại thường xuyên sống trên biển nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thì đối tượng mới tham gia chiến dịch”.

Sáu tháng đầu năm 2014, Lộc Hà đứng đầu trên toàn tỉnh Hà Tĩnh về tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên (32,57%). Ở một số xã, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình chung của toàn huyện như: Hồng Lộc 41%, Bình Lộc 34%, Mai Phụ 33,3%,...

Bà Nguyễn Thị Tùng Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2009, ngành đã có điều tra khái quát về tình hình dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở các xã ven biển. Tại 43 xã ven biển, bãi ngang, xã ngập mặn, 50% số xã chưa có bác sĩ, y sĩ; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bị dị tật còn cao; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai thấp (73%); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của nhiều xã còn ở mức trên 40%”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tùng Hoa, ở các xã ven biển, bãi ngang, điều kiện sống, sinh hoạt của người dân không bảo đảm, phải sử dụng nước sông rạch bị ô nhiễm; nhiều gia đình không có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh, cộng với việc bận rộn mưu sinh nên phụ nữ ít chú ý đến việc chăm sóc bản thân. Trong điều kiện vệ sinh kém, các loại nấm, vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm đường sinh dục. Kết quả tại các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho thấy, có đến 70% phụ nữ vùng biển bị viêm nhiễm phụ khoa, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với thành thị.

Một trong những đặc thù của nghề biển là thường xuyên phải xa nhà dài ngày, bởi vậy, nam giới thường không muốn vợ sử dụng các biện pháp tránh thai dài hạn như: triệt sản, đặt vòng. Bên cạnh đó, vùng nông thôn ven biển có đông đồng bào công giáo nên việc tuyên truyền đã khó lại càng khó hơn. Anh Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Lộc Hà chia sẻ: “Bà con giáo dân khi nghe đến kế hoạch hóa gia đình là họ ái ngại lắm. Nhiều lúc tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động tận nơi nhưng vẫn không hiệu quả vì họ ngại khi để người khác biết mình sử dụng biện pháp tránh thai”.

Ở các xã ven biển, bãi ngang, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do đặc thù nghề nghiệp của người dân. Chị em nếu không lênh đênh trên biển cùng chồng thì ở nhà cũng bận rộn với việc buôn bán, dịch vụ nghề cá…, nên mỗi khi có các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tùy theo đặc thù của từng địa phương mà triển khai để thu hút chị em tham gia. “Có những đợt chiến dịch phải tổ chức từ 4h chiều đến 9h đêm vì chị em chỉ rảnh rang những giờ đó. Chiến dịch thường triển khai tháng 3 hoặc tháng 8 nhưng ở những xã đặc thù như: Thạch Kim, Thịnh Lộc, Hộ Độ… thì chúng tôi phải chọn thời điểm sát tết âm lịch. Đây là lúc nhàn rỗi nhất đối với phụ nữ vùng biển” - anh Hiền cho hay.

Kiểm soát dân số để phát triển kinh tế - xã hội

Kiểm soát có hiệu quả quy mô dân số, chất lượng dân số các xã ven biển, bãi ngang sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cùng các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

Chiến lược biển đến năm 2020 khẳng định: Một quốc gia biển phải có công dân biển. Mục tiêu lâu dài là phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Bởi vậy, năm 2009, ngành dân số đã triển khai đề án kiểm soát quy mô dân số vùng biển, đảo và ven biển (gọi tắt là đề án 52). Từ khi triển khai đến nay, đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển ngày càng khẳng định hiệu quả, góp phần tạo nên những “công dân biển có sức khỏe biển, trí tuệ biển”.

Tại Hà Tĩnh, 45 xã ven biển, bãi ngang thuộc 5 huyện biển Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân được hưởng lợi từ đề án. Mục tiêu cụ thể của đề án là quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển Hà Tĩnh không vượt quá 673.450 người vào năm 2015 và 697.770 người vào năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75% vào năm 2015 và 78% vào năm 2020.

Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hằng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về dân số -kế hoạch hóa gia đình tại các vùng biển, đảo và ven biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình, yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của địa phương và trung ương.

Tại 45 xã ven biển, bãi ngang được triển khai đề án, mỗi năm đã thành lập 7 đội dịch vụ lưu động đến các xã thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ y tế. Qua 5 năm, đã có 165.702 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được truyền thông, tư vấn; 19.357 bà mẹ mang thai được tư vấn; 79.963 người được khám phụ khoa; 62.595 chị em phụ nữ được tư vấn về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình,…

Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Đường Công Lự nhận định: “Sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho việc triển khai đề án được thuận lợi. Kết quả quan trọng đạt được đó là chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình; cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh”. Đề án 52 triển khai tại các xã ngập mặn và ven biển là một hướng đi đúng, tạo “cú hích” trong thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh. Đề án đi vào cuộc sống giúp ngư dân nghèo có thêm cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

 
 Ở các xã ven biển, công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: baohatinh.vn
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc triển khai đề án 52 tại các địa phương tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu vùng biển. Mặt khác, do điều kiện địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp, người dân làm việc trên biển dài ngày nên chưa có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Địa bàn dân cư vùng biển rất rộng, khoảng cách giữa các hộ xa, giao thông không thuận tiện, rất khó khăn cho việc đi lại và tuyên truyền. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình cũng như vấn đề nâng cao hiểu biết cho ngư dân vẫn gặp không ít trở ngại vì việc thay đổi nếp nghĩ và phong tục tập quán của họ không thể một sớm, một chiều.

Đề án có lộ trình thực hiện từ năm 2009 - 2020, một khoảng thời gian khá dài với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển, đảo trong cơ cấu dân số chung của đất nước. Triển khai đề án có hiệu quả sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cùng các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Muốn vậy, phải huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, tổ chức xã hội vào cuộc để thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu và có hành vi tích cực. Ngành Y tế phải có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ, điều kiện chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng và kế hoạch hóa gia đình cho người dân vùng biển./.