Tiềm năng và vấn đề đang đặt ra

Nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên đã biến đồng bằng sông Cửu Long thành nơi nuôi cá da trơn (chủ yếu là cá tra và cá ba sa) lớn nhất cả nước, tạo mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong ngành thủy sản, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
 
Bởi vậy, diện tích nuôi cá tra, ba sa đang ngày một tăng lên nhanh chóng. Đến nay, toàn vùng đã có tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa trên 5.600 ha (số liệu thống kê đến tháng 8 năm 2007). Như vậy, so với năm 2000, diện tích này đã tăng trên 10 lần. Năm 2004, tổng sản lượng cá tra, ba sa của toàn vùng là 264.436 tấn, năm 2006 là 825.000 tấn và dự báo đến cuối năm 2008 sản lượng sẽ lên đến con số khoảng 1,5 triệu tấn.

Chu kỳ tăng, giảm của diện tích nuôi thường phản chiếu chu kỳ lên xuống của giá cả thị trường. Chẳng hạn, trong năm 2007, do giá cá tra, ba sa khá cao, đã có lúc lên đến 17 nghìn đồng/kg, nên người nuôi thu lợi nhuận cao. Lúc thị trường tiêu thụ cá tra không hạn chế, thì chất lượng cũng dễ dãi theo, ngay cả cá tra thịt vàng (do nuôi không tuân thủ quy trình và nước ao nuôi bị tù) cũng xuất khẩu được.

Đặc điểm của người nuôi thường theo quy trình là: sau khi thu hoạch xong, làm sạch, tẩy trùng bằng vôi bột, sau một vài tuần tháo nước vào và tiếp tục xuống cá giống. Lợi nhuận của vụ trước là động lực của vụ sau, nên người nuôi thấy ở đâu có thể nuôi được là nuôi, không theo định hướng quy hoạch. Tại các địa phương cũng chưa có một hệ thống tổ chức nào đứng ra chỉ đạo thời vụ nuôi. Nếu trước đây, người dân còn dựa theo chu kỳ thời tiết, khí hậu và nhất là mùa nước, thuận tiện trong khâu tháo nước ra lúc mùa khô, tránh nuôi vào mùa nước chướng vì dễ dịch bệnh, thì những năm được giá họ thả cá giống liên tục, thu hoạch xong vụ này là thả tiếp vụ sau.

Vào những năm rớt giá, nhiều hộ nuôi lại hành động ngược lại, bán được cá là ngừng không tiếp tục thả nữa, nên thường tạo ra tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến cho chu kỳ vụ sau. Theo lý thuyết của kinh tế thị trường thì điều đó là quy luật tất nhiên, nhưng cũng chính sự lên xuống theo chu kỳ đó đang gây ra một tình trạng lãng phí ghê gớm trên nền của những cuộc chạy đua tự phát. Lúc thừa nguyên liệu thì các nhà máy chế biến thường dùng nhiều cách ép người nuôi. Chẳng hạn, ký hợp đồng mua nguyên liệu với các điều kiện rất ngặt nghèo, như: phải có một mẻ bắt trên 40 tấn; tiền thanh toán chậm đến 30 ngày; đánh thấp chất lượng cá để hạ giá thu mua... Nhưng lúc khan hiếm nguyên liệu thì doanh nghiệp lại đến lượt bị người nông dân “trả đũa”. Trong những cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh đó, thường thì phần thua thiệt vẫn dễ bị lệch sang phía người nuôi, nhất là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Anh Công ở huyện Châu Thành tỉnh An Giang cho biết, gia đình anh quyết định đào ao thả cá trên một khoảnh đất khoảng 2000 m2, vay ngân hàng khoảng 60 triệu đồng cộng với vốn tự có khoảng 30 triệu đồng, nhưng vì ao nhỏ, mỗi lần thu hoạch chỉ đạt khoảng trên dưới 7 tấn, nên phải bán cá qua môi giới, trung gian. Anh Công cho biết, trong vùng có những hộ thả một lúc một vài trăm ngàn cá giống thì có thể bán cho nhà máy chế biến hiện nay với giá 14 nghìn đồng/1kg, nhưng nhà anh Công chỉ bán được 12,6 nghìn đồng/1kg cho thương lái.

Trong vụ thu hoạch đại trà cá tra năm 2008, nhiều hộ nuôi đang điêu đứng vì mấy lý do sau:

- Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lấy lý do thiếu tiền, thị trường khó khăn do khó vay vốn ngân hàng nên cầm chừng việc thu gom nguyên liệu. Phản ứng đó đã và đang gây hậu quả là nhiều hộ nuôi cá đã đến vụ thu hoạch (cá cỡ 0,8 lạng đến 1 kg thường được giá hơn cả) mà không tìm được người thu mua thì hốt hoảng, vì nuôi thêm ngày nào chi phí thức ăn tăng lên ngày đó (có hộ phải chi tới mấy trăm triệu đồng tiền thức ăn mỗi ngày), mà cá quá kích cỡ giá lại thấp hơn, thậm chí không có người mua.

- Hộ nuôi còn phải đối mặt với giá thức ăn tăng lên liên tục suốt thời gian vừa qua. Theo số liệu ghi chép của anh Được, một kỹ thuật viên về thủy sản của An Giang, nếu năm 2007 giá thức ăn dao động trên dưới 6 nghìn đồng/1kg thì nay đã lên trên dưới 7,5 nghìn đồng. Nếu hạch toán đầy đủ, để có được 1 tấn cá phải chi phí hết khoảng 1,7 tấn thức ăn (nếu thiếu kỹ thuật thì chi phí còn nhiều hơn), và giá thành toàn bộ cho 1 kg cá tra là 15,5 nghìn đồng, nhưng giá thu mua của doanh nghiệp hiện tại cũng chỉ khoảng 14 nghìn đồng đối với hộ có lượng cá xuất lớn từ 40 tấn/một mẻ bắt trở lên. Đối với hộ nuôi nhỏ lẻ phải bán cho thương lái, nậu vựa thì còn lỗ nặng hơn. Thế mà nhiều hộ bán được cá để gỡ lại hàng tỉ đồng vốn bổ ra đã “thở phào nhẹ nhõm”, vì thà “được lỗ” như thế vẫn còn may hơn những hộ còn chưa thể bán được.

- Nhà máy có thực sự thiếu tiền mặt để thu mua hay không vẫn đang là một ẩn số. Bởi vì, trên thực tế, trong các hợp đồng thỏa thuận mua cá, hộ nông dân thường không được lấy tiền ngay, mà phải chậm khoảng 20-30 ngày. Thậm chí có doanh nghiệp “linh động” cho các hộ có nhu cầu thực sự cấp thiết nhận trước một khoản nào đó thì cũng phải trả lãi tới 3%/tháng.

Trước thực tế trên, nếu vẫn tiếp tục duy trì phương thức thu mua - chế biến như hiện nay, thì e rằng nghề nuôi cá da trơn đồng bằng sông Cửu Long khó bền vững. Theo dự đoán của ngành thủy sản, đến nay, sản lượng thực tế đã đạt bằng mức quy hoạch cho đến năm 2010 là trên 1,5 triệu tấn. Số hộ nuôi tăng lên, số nhà máy chế biến và tổng công suất tăng lên..., mà thị trường, kể cả phần mềm là phương thức thu mua, thanh toán vẫn theo lối cũ, kể cả phần cứng là kết cấu hạ tầng về kho chứa, chợ, phương tiện lưu thông... vẫn không được cải thiện, nâng cấp, thì đây là một nguy cơ lớn, nguy cơ mất cân đối của một sự phát triển quá mạnh. Đó là chưa nói tới các vấn đề phát sinh khác như môi trường bị ô nhiễm...

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây (ngày 18 tháng 6 năm 2008) đã đưa ra bảng xếp hạng về môi trường thuận lợi cho thương mại. Việt Nam đứng ở vị trí 91 trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhóm 10 vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng, Hồng Kông và Xing-ga-po giành 2 vị trí cao nhất.Trong 6 vị trí tiếp theo, ngoại trừ Ca-na-đa và Niu Di-lân thì các nước châu Âu chiếm hết các vị trí còn lại. Trong các nước ASEAN thì chỉ duy nhất Cam-pu-chia đứng thấp hơn Việt Nam. Bản khảo sát phân tích 4 nhóm chỉ số phụ: tiếp cận thị trường, quản lý cửa khẩu, hạ tầng giao thông - thông tin, và môi trường kinh doanh. Trong 4 nhóm chỉ số phụ trên, điểm thấp nhất của Việt Nam là ở chỉ số “tiếp cận thị trường” với vị trí xếp hạng 112/118. Riêng về hàng rào thuế quan và phi thuế quan, Việt Nam xếp hạng 114. Đây là vị trí thấp nhất trong các nước ASEAN (xem bảng). Nếu xét toàn bộ châu Á thì Việt Nam chỉ đứng trên được 2 nước Trung Á là U-dơ-bếc-kit-xtan và Cộng hòa Ki-rơ-git-xtan.

 
Bảng một số tiêu chí xếp hạng chính của Việt Nam
 

Xếp hạng tổng thể (trên 118 nước)

91

Tiếp cận thị trường

112

Hàng rào thuế quan và phi thuế quan

114

Xu hướng thương mại

66

Quản lý tại cửa khẩu

76

Hiệu quả của Hải quan

79

Hiệu quả của quy trình xuất nhập khẩu

50

Minh bạch về quản lý tại cửa khẩu

102

Hạ tầng giao thông và thông tin

75

Chất lượng hạ tầng giao thông

100

Chất lượng dịch vụ giao thông

48

Áp dụng công nghệ thông tin

71

Môi trường kinh doanh

62

Môi trường chính sách

83

An ninh vật chất

46

Những giải pháp khả thi

Đối với vấn đề thu mua - chế biến, thiết nghĩ nên có một trung tâm, tựa như chợ đầu mối, nhưng không phải là nơi tập kết cá đến để giao thương, mà là nơi đứng ra thu thập, tổng hợp, phân tích những thông tin cơ bản của lĩnh vực nuôi và chế biến, trước hết nên áp dụng thử cho đối tượng nuôi cá tra, ba sa phổ biến nhất hiện nay trong vùng. Chẳng hạn, khi hộ nuôi thả cá giống vào thời điểm X, thì trung tâm nắm được thông tin đó, và tự động xác định thời hạn thu hoạch là X + 6 đến 8 tháng, tùy theo kích cỡ của cá theo nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Ở một vế khác của thông tin là nhu cầu thu mua chế biến của tất cả các doanh nghiệp trong vùng, thậm chí trên cả nước. Lên được lịch nuôi, lịch chế biến là con người hoàn toàn có thể can thiệp được để điều tiết thị trường, không để xẩy ra tình trạng chạy đua tự phát làm cho hàng hóa lúc quá thừa cũng như lú quá thiếu. Một tác dụng to lớn khác mà nhiều hộ nông dân nuôi đang rất mong muốn có trung tâm hay chợ đầu mối, đó là mọi vấn đề được công khai, minh bạch.

Một số cán bộ địa phương còn cho rằng, nếu ra đời được kiểu trung tâm hay chợ đầu mối như vậy, thì trong tương lai, hình thức này có thể tiếp tục được phát triển mở rộng ra các chức năng khác, như “sàn giao dịch”, bình ổn giá thị trường nguyên liệu xuất khẩu cá da trơn, và thậm chí năng lực can thiệp, điều tiết thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.

Cái khó, mà một số ý tưởng đã đưa vào thực thi vừa qua bị thất bại là do người nuôi lúc khó khăn thì nói vậy (sẵn sàng hợp tác cung cấp thông tin), nhưng lúc được giá thì “làm biếng” không muốn thông tin cho trung tâm.

Yếu tố không kém phần quan trọng nữa là tập quán của người dân. Nói gì thì nói, nhưng làm cái gì cũng phải thật cụ thể, làm cho người dân “nhìn tận mắt”, phải “tiền tươi, thóc thật” thì mới yên tâm. Thói quen đó làm cho những lợi thế của việc xử lý thông tin tại một trung tâm lớn của công nghệ thông tin hiện đại, khó vào đời sống của người nông dân.

Nhưng “nói đi rồi cũng phải nói lại”, cái gì mới cũng khó. Vấn đề là cần có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành thuộc các địa phương vùng nguyên liệu cá tra, ba sa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi thấy đó là một lối thoát cho những khó khăn và hạn chế hiện nay trong vấn đề tiêu thụ cá tra và ba sa. Đây mới là yếu tố chủ quan có ý nghĩa quyết định nhất. Mà tác dụng của việc lưu thông - phân phối vùng nguyên liệu cá vào loại lớn của khu vực như ở đồng bằng sông Cữu Long này đang có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Nó giúp không những tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, ổn định chính trị xã hội.

Nếu tiếp tục duy trì cách thu mua - chế biến như hiện nay, thì chẳng những nhiều doanh nghiệp có điều kiện ép người nông dân (kiểu duy trì lợi ích thiển cận này sẽ thiếu bền vững, nhưng sẽ là lực cản đáng kể cho một kiểu thị trường văn minh hơn ra đời, vì họ đang dựa và có lợi trên những kiểu giao dịch hiện tại), mà còn tạo ra tình trạng phân hóa sâu sắc trong cộng đồng dân cư, do lợi thế luôn thuộc về hộ có quy mô lớn, dần dà họ sẽ thôn tính bằng kinh tế thị trường số hộ yếu thế, thậm chí làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân ít được tiếp cận thông tin, gặp nhiều rủi ro trong làm ăn... và dễ bị tổn thương hơn cả.

Đối với vấn đề môi trường, không thể không nói đến hai mảng giải pháp lớn cần sớm triển khai thật rộng rãi, đó là: Quy hoạch vùng nguyên liệu thật khoa học để bảo đảm đủ nguyên liệu cho chế biến, vừa bảo đảm tính bền vững về môi trường; nghiên cứu để có giải pháp giảm chất thải trong phát triển bền vững con cá tra và cá ba sa. Chẳng hạn, trong chăn nuôi cần xác định liều lượng thức ăn hợp lý kết hợp với nuôi nhiều loại cá để tận dụng thức ăn thừa và chất thải của nhau; trong chế biến cần áp dụng những công nghệ sạch, tận dụng chất thải và xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường; trong quản lý môi trường cần đầu tư hơn nữa công tác quan trắc môi trường và cảnh báo.../.