Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương: Những bài học kinh nghiệm

Trần Thị Minh Tuyết TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
21:32, ngày 18-07-2014
TCCSĐT - Trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương là một nấc thang quan trọng trong tiến trình đi tới độc lập, tự do của đất nước, là sự thử thách bản lĩnh của nền ngoại giao non trẻ. Sáu mươi năm trôi qua, thời gian càng lùi xa, càng tôn vinh ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam

Yếu tố quốc tế tác động trực tiếp đến việc triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương chính là hiệp định đình chiến ở Triều Tiên tháng 7-1953. Hiệp định này với việc chia đôi Triều Tiên làm hai vùng ảnh hưởng của hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã trở thành “khuôn mẫu” để giải quyết xung đột trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, vì những lý do khác nhau, tất cả các bên có liên quan đến chiến tranh Đông Dương, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều mong muốn một giải pháp hòa bình để kết thúc chiến tranh. Xu hướng các nước đi vào hòa hoãn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến Hội nghị.

Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc vào ngày 08-5-1954. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp với hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết vào ngày 21-7-1954 với các nội dung liên quan trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đó là: Các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; tuyệt đối không can thiệp vào nội trị các nước đó; Ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Đông Dương; Quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi Đông Dương; Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân đội; Sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7-1956 để thống nhất nước Việt Nam.

Từ những điều khoản nêu trên của Hiệp định Giơ-ne-vơ, có thể khẳng định, Hiệp định là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam và ý nghĩa của nó được thể hiện ở nhiều góc độ.

Thứ nhất, nếu trong Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp và luôn khẳng định quyền lợi của Pháp ở Nam Bộ thì đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được Pháp và các quốc gia khác thừa nhận. Pháp buộc phải rút quân để lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thứ hai, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Đồng thời, Hiệp định đặt cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Tuy nhiên, có một số quan điểm cho rằng “Hiệp định không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường, không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu do đoàn đại biểu Việt Nam đưa ra”(1) về các vấn đề như giới tuyến (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị giới tuyến ở vĩ tuyến 13 nhưng cuối cùng là 17) và thời hạn tiến hành tổng tuyển cử (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị thời hạn 6 tháng, cuối cùng thành 2 năm). Việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ với những điều khoản được nhiều ý kiến đánh giá là không hoàn toàn thỏa đáng về phía Việt Nam, chưa ngang tầm với thắng lợi của ta trên chiến trường, được lý giải bởi những nguyên nhân sau:

Trước hết, phải khẳng định rằng, với lòng yêu chuộng hòa bình tha thiết và chiến tranh luôn chỉ là sự tự vệ, là điều bất đắc dĩ, với sự cân nhắc kỹ lưỡng tương quan lực lượng giữa ta và địch, chúng ta muốn kết thúc chiến tranh. Đảng và Chính phủ hiểu rằng, để tiến hành cuộc chiến tranh không cân sức với Pháp, nhân dân đã phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Hơn nữa, mặc dù Pháp thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ “nhưng nói chung toàn quốc, sức ta so với địch mới là xấp xỉ”(2) và nước Pháp chưa phải đã hết khả năng tăng viện cho chiến trường Đông Dương. Nếu chiến tranh kéo dài, có thể sinh ra những hiện tượng mệt mỏi và khó khăn của ta còn nhiều hơn. Muốn “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” thì sức dân cần phải được phục hồi. Trong tương quan lực lượng cụ thể như vậy, chấp nhận ký hiệp định khi điều bất biến là độc lập dân tộc đã được thừa nhận cũng là điều hợp lý.

Thứ hai, đây là lần đầu tiên nền ngoại giao cách mạng non trẻ tiến hành đàm phán đa phương với các nước lớn có nền ngoại giao chuyên nghiệp và những toan tính khác nhau. Hơn nữa, tại hội nghị này, ta không được tham gia vào tất cả các phiên họp, nên không thể tận dụng được tất cả các cơ hội để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ ba, Hội nghị Giơ-ne-vơ chịu sự chi phối của 5 nước lớn tham gia đàm phán. Từ năm 1950, nếu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc thì Pháp cũng được Mỹ viện trợ tới 70% chi phí chiến tranh. Khi chiến tranh Đông Dương đã được quốc tế hóa như vậy thì trên bình diện ngoại giao, vấn đề Đông Dương cũng được quốc tế hóa. Ở đó, “các cường quốc đã tự thỏa thuận phần lớn các điều khoản trong hiệp định mà không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương”(3).

Thứ tư, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ để lập lại hòa bình ở Đông Dương vì muốn tránh một cuộc đối đầu không cân sức với đế quốc Mỹ khi dã tâm can thiệp của đế quốc này vào Đông Dương ngày càng bộc lộ. Bằng việc nắm lấy ngọn cờ hòa bình, chúng ta muốn ngăn chặn Mỹ nhảy vào Đông Dương.

Tóm lại, bối cảnh lịch sử lúc đó chưa cho phép ta giành thắng lợi cuối cùng. Khi “đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi” (Tố Hữu) thì cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do trọn vẹn của dân tộc vẫn còn tiếp diễn. Nếu những gì chúng ta chưa đạt được trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 thì đến Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam năm 1973, chúng ta đã hoàn thành.

Những bài học, kinh nghiệm rút ra

Tính đến nay, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đi vào lịch sử 60 năm. Việc nhìn nhận lại những thành công, hạn chế, cho phép ta rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Thứ nhất, ngoại giao chỉ phát huy vai trò và công dụng trên nền tảng sức mạnh tổng hợp của đất nước được thể hiện trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự... Thực sự, chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán khi chúng ta giành được chiến thắng trên chiến trường. Thắng lợi về quân sự ở Điện Biên Phủ góp phần quyết định vào thắng lợi về ngoại giao ở Giơ-ne-vơ.

Thứ hai, trong quá trình đàm phán, chúng ta phải quán triệt quan điểm nhân nhượng có nguyên tắc. Rõ ràng, khi chấp nhận cùng nhau đàm phán tức là mỗi bên đều có điểm mạnh, yếu của mình; trên bàn đàm phán, bên nào cũng cố gắng giành phần có thể và nhân nhượng cho đối phương những điều mình chưa thể. Vì vậy, trong quá trình đàm phán, sự nhân nhượng lẫn nhau là điều tất yếu nhưng điều không bao giờ được phép nhân nhượng là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Giơ-ne-vơ là ví dụ điển hình của việc thực hiện nguyên tắc đó. Mặc dù Hiệp định có những điều khoản chưa hoàn toàn thỏa nguyện đối với phía ta nhưng vấn đề cốt tử là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ thì ta kiên quyết bảo vệ và đã được các nước thừa nhận. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc nhưng sách lược của ta phải linh hoạt”(4). Vì thế, trong quá trình đàm phán, nhà ngoại giao phải biết nhân nhượng đúng mức, không quá tả để phá vỡ đàm phán, không quá hữu để tổn hại đến lợi ích cơ bản của dân tộc. Nguyên tắc đó của Hội nghị Giơ-ne-vơ cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị thời sự: không bao giờ vì một tình hữu nghị viển vông, mơ hồ nào mà nhân nhượng lợi ích cốt lõi của dân tộc, đó là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.

Thứ ba, hoạt động ngoại giao phải nhất quán nguyên tắc độc lập, tự chủ, bởi mỗi quốc gia, kể cả quốc gia đồng minh thân cận cũng đều xử lý vấn đề quốc tế trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Thứ tư, sự duy lợi trong quan hệ quốc tế là một thực tế hiển nhiên. Nếu trong đấu tranh cách mạng, phải “mang sức ta mà giải phóng cho ta” thì trong đấu tranh ngoại giao, số phận của dân tộc mình phải do chính mình tự định đoạt. Bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ-ne-vơ giúp chúng ta vững vàng hơn, độc lập, tự chủ hơn, để đến Hội nghị Pa-ri năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành đàm phán trực diện với Mỹ. Tại Hội nghị Pa-ri, sự độc lập, tự chủ của ta thể hiện rõ, từ thành phần, nội dung, thời gian đàm phán đến hình thức đàm phán...

Nhìn lại lịch sử, con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam không phải là con đường thẳng tắp mà phải trải qua những chặng đường, khúc quanh lịch sử. Để hoàn thành trọng trách của mình, ngoại giao Việt Nam cần phát huy những kinh nghiệm quý báu mà lịch sử đã khắc ghi./.

_____________________
(1) Lương Viết Sang: “Cục diện vừa đánh vừa đàm lần thứ 2 trong kháng chiến chống Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 9/2004, tr. 50
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 174
3. Vũ Quang Hiển: “Hiệp định Giơ-ne-vơ - 50 năm nhìn lại”, Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 7-2004, tr. 16
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 7, tr. 319