Bốn bài học lớn từ Hiệp định Geneva vẫn nguyên giá trị
TCCSĐT - Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20-7-1954 - 20-7-2014) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam diễn ra sáng 18-7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva 1954.
Quyết định này nhằm ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của các cán bộ chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, những người đã góp phần làm nên dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó của dân tộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, bày tỏ thành kính tưởng nhớ, lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị; đánh giá cao công lao của các cán bộ, chiến sĩ tại Hội nghị Geneva 1954, đặc biệt là các thành viên của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch nước khẳng định việc ký kết Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ…”; “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam; quân đội Pháp rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định Geneva là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.
Từ thành công của Hiệp định Geneva, Chủ tịch nước đánh giá cao bốn bài học kinh nghiệm quý báu để lại sau 60 năm. Đó là bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài.
Bài học về phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển.
Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Chủ tịch nước đánh giá nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và duy trì môi trường hòa bình để xây dựng đất nước ta.
Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, tăng cường xây dựng lực lượng, đoàn kết nhất trí, vận dụng sáng tạo những bài học của các thế hệ người Việt Nam ta trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva 1954. Đó là tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế…
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức.
* Bên lề Hội nghị, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu về việc kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm từ đàm phán Geneva trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sự ủng hộ to lớn của các nước bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tiếp tục phát huy tinh thần Geneva, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Nhấn mạnh đến ý nghĩa, bài học lớn từ Hội nghị Geneva và tiếp nối từ thành công ngoại giao trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, Nguyên Đại sứ Bộ Ngoại giao, thành viên đàm phán của Hiệp định Paris cho biết, thắng lợi của Việt Nam ở Hiệp định Geneva, mặc dù chưa hoàn toàn trọn vẹn, nhưng đây là thắng lợi lớn, ta có một miền Bắc hoàn toàn được giải phóng để làm cơ sở cho việc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tại Hiệp định Geneva , tất cả các nước lớn đều công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thắng lợi đó là thắng lợi lớn, từ đó mở ra một thời kỳ mới cho đất nước Việt Nam.
Nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Geneva đối với việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho rằng: “Trải qua biết bao gian khổ, khó khăn chúng ta đã có hòa bình, đã có độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhất định chúng ta phải bảo vệ vững chắc những quyền thiêng liêng đó và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ lâu dài. Từ Geneva, chúng ta còn chiến đấu hàng chục năm nữa mới thắng đế quốc Mỹ, mới giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước. Đến nay, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần Geneva, tinh thần Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần chống giặc cứu nước để bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.
Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân
Có thể nói, thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Geneva là dựa trên nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự phối hợp hiệu quả các mặt trận, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả đất nước.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa, được bạn bè quốc tế và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ, cổ vũ, góp phần tạo nên sức mạnh của thời đại cho thắng lợi của Hội nghị Geneva. Điều đặc biệt, trong chiến thắng trên bàn đàm phán Hiệp định Geneva có sự đóng góp của ngoại giao nhân dân.
Đi kèm với chiến đấu quân sự, đi đôi với đấu tranh ngoại giao chính trị, trong đó có đấu tranh ngoại giao Nhà nước và đấu tranh nhân dân, đấu tranh quốc tế...
Khi đó, nhân dân Pháp biểu tình rất mạnh chống Chính phủ Pháp, ủng hộ Việt Nam. Lúc bấy giờ, chính quyền Việt Nam cũng phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp vận động nhân dân Pháp thực hiện các phong trào biểu tình lớn, trong đó có cuộc biểu tình của thanh niên Pháp.
Kiên quyết và kiên trì thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền
Tinh thần và những bài học kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Geneva năm 1954, là diễn đàn đa phương đầu tiên mà nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam tham gia, đồng thời sẽ là hành trang vô giá của thế hệ trẻ ngành ngoại giao trên con đường phụng sự Tổ quốc.
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương chia sẻ, đây là dịp để thế hệ trẻ được ôn lại lịch sử và thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc cách mạng tiền bối đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt dẫn đến Hội nghị Geneva đem lại hòa bình cho đất nước.
Đặc biệt, hôm nay với sự hiện diện của những nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp phục vụ hoặc tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva và qua những thước phim, những hình ảnh sống động của cuộc triển lãm, thế hệ trẻ có cơ hội được hiểu biết thêm về những tháng ngày gian khổ mà hào hùng trong lịch sử dân tộc, càng thêm cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và học tập được ở các bác và thế hệ đi trước về lòng yêu nước nồng nàn, ý chí phấn đấu quên mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, nguyện sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, nâng cao nhiệt huyết, tính sáng tạo của tuổi trẻ và tinh thần xung kích; không ngừng nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý, hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời cũng kiên quyết và kiên trì thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích của quốc gia.
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử. Một trong những bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chính là sự kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược.
Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu tác động của các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để đạt được lợi ích của mình.
Việc đàm phán, ký kết Hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton  (18/07/2014)
Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954: Những bài học lớn cho công tác đối ngoại Việt Nam hôm nay  (18/07/2014)
ASEAN 2030 - Hướng tới Cộng đồng Kinh tế không biên giới  (18/07/2014)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  (17/07/2014)
Lãnh đạo gửi thư mừng hai Phó Thủ tướng mới của Lào  (17/07/2014)
Hội nghị tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất  (17/07/2014)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển