TCCSĐT - Ngày 25-6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2014 về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Dũng đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đối thoại được tổ chức nhằm tiếp nhận và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, qua đó, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp, sáng kiến cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tham dự Hội nghị có đại diện một số cơ quan của Quốc hội, đại diện một số đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số bộ, cơ quan ngang bộ và sở tài nguyên môi trường một số tỉnh phía Bắc; một số tổ chức quốc tế; cùng đại diện hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp về chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cho địa phương, đặc biệt về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường... Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính minh bạch, dân chủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho dù đã được cải cách, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, so với yêu cầu còn khoảng cách khá xa...

Theo báo cáo của ông Phan Tuấn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 212 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 204 thủ tục hành chính, cắt giảm trên 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Theo thống kê, phần lớn các thủ tục hành chính tập trung vào một số lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới đại bộ phận người dân và doanh nghiệp, như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đất đai, bổ sung quy định về công khai các thủ tục hành chính; bổ sung hình thức thực hiện thủ tục hành chính; bãi bỏ một số trình tự thực hiện thủ tục hành chính không cần thiết; bãi bỏ một số giấy tờ không cần thiết trong thành phần hồ sơ; quy định giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày; cấp đổi giấy chứng nhận không quá 10 ngày); gộp chung các loại thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận (có nội dung, trình tự thực hiện như nhau) cho phù hợp với định hướng xây dựng văn phòng đăng ký 1 cấp. Ông Phan Tuấn Hùng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ (1) đẩy mạnh công tác đánh giá tác động dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính; cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. (2) Thực hiện liên thông, hợp nhất các thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. (3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ, hiện đại hóa hành chính. (4) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính. (5) Tăng cường thực thi, giám sát thực thi pháp luật; công khai minh bạch trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính. (6) Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, người dân về thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu một số đánh giá của doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên cơ sở phân tích Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI) 2012, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 5,01/10 điểm. Mặc dù cảm nhận hay cách đánh giá của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sự việc cụ thể, tuy nhiên đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để tham khảo. Chẳng hạn, khi đánh giá về mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật, chỉ có 7,23% doanh nghiệp cho rằng rất kịp thời, 30,12% cho rằng tương đối kịp thời; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng rất chậm, chậm, không nhanh cũng không chậm, tương ứng là 10,84%, 25,3% và 26,51%. Cũng theo chỉ số MEI, tài nguyên môi trường là lĩnh vực còn nhiều phiền hà khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Có 27% doanh nghiệp cho rằng họ cảm thấy phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, trong khi chỉ có 17% cảm thấy phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, 13% trong bảo hiểm xã hội, 6% trong đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp,… Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai khá cao và có xu hướng tăng lên (năm 2010: có 36% doanh nghiệp; năm 2011: 35%, năm 2012: 52% và năm 2013: 55%). Các doanh nghiệp được hỏi cũng cho rằng, trong mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, khó khăn gia tăng ở thời gian và quy trình thực hiện, tuy nhiên có những cải thiện tích cực về công khai giá đất, hướng dẫn của cán bộ và chi phí không chính thức. Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh có xu hướng giảm với các con số tương ứng qua các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 là 44%, 30%, 29% và 26%.

Một số khó khăn khác của doanh nghiêp được đề cập trong báo cáo của ông Đậu Anh Tuấn là: thủ tục tiến hành đánh giá tác động môi trường nhiều khi mang tính hình thức mà chưa thực chất; thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa thuận lợi: nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng với bất kỳ một doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại nào (do không có doanh nghiệp loại này hoạt động trên địa bàn), vì thế phải mang đi tỉnh khác xử lý, khiến chi phí gia tăng; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan (xây dựng, môi trường, khoa học - công nghệ) về thẩm định công nghệ và cấp phép xử lý chất thải nguy hại;…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp của các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia; các đề xuất, kiến nghị hữu ích được coi là những giải pháp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp theo hướng minh bạch, đơn giản và thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính của ngành tài nguyên và môi trường, giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cũng như xác định các ưu tiên trong cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay trong các thủ tục về đầu tư thì thủ tục về đầu tư xây dựng và các thủ tục liên quan đến đất đai còn rất nhiều vấn đề phức tạp, là một trong những vướng mắc nhất trong các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với việc phát triển các dự án bất động sản cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu một số kiến nghị, như cần quy định cụ thể các nội dung cần phải có trong hồ sơ của từng loại dự án và thời hạn giải quyết cần rút ngắn…; gộp các thủ tục xin cấp phép quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giảm bớt thời gian làm các thủ tục hành chính; cần hạch toán chi phí di dời giải phóng mặt bằng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong nội thành đến các khu công nghiệp vào chi phí của dự án để được khấu trừ tiền sử dụng đất,…

Đại diện các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thêm các thông tin, trả lời các câu hỏi, đồng thời tiếp nhận một số ý kiến được các doanh nghiệp nêu ra để tiếp tục nghiên cứu đưa vào các thông tư hướng dẫn thi hành các nghị định nhằm triển khai Luật Đất đai năm 2013.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về tài nguyên và môi trường sẽ là diễn đàn thường niên, được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức dành cho các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất các giải pháp hoàn thiện, cải cách thể chế, pháp luật cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường./.