TCCSĐT - Ngày 25-6-2014, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Lễ khai trương dự án Tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý cấp khu vực châu Á.

Đến dự có Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Tạ Quang Minh,; ông Mi-xen Đróp-ni-ắc (Michel Drobniak), Trưởng Ban Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội; ông Giong-Ha Bê (Jong-Ha Bae), Trưởng Đại diện FAO tại Hà Nội; ông Xtê-phan Pát-xơ-ri (Stephane Passeri), Điều phối viên dự án.

Tham dự buổi lễ còn có đại diện các ngành, các địa phương có sản phẩm chỉ dẫn địa lý; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Dự án Tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý cấp khu vực châu Á do Chính phủ Pháp tài trợ cho các nước tiểu vùng sông Mê Công, trong đó có Việt Nam, thông qua AFD và FAO nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, cũng như tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn ở khu vực châu Á để quảng bá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Quang Minh cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước. Chính phủ cũng có những cơ chế hỗ trợ việc phát triển, bảo hộ, quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, cụ thể là thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Đến nay đã có 38 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở trong nước và 01 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở châu Âu. Ba sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (gồm chè Shan Tuyết Mộc Châu, gạo Tám Xoan Hải Hậu và quế Văn Yên) đã được dự án lựa chọn để hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát và đăng lý bảo hộ tại nước ngoài. Việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ thành công các sản phẩm này sẽ tạo ra những mô hình quản lý mẫu cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn lại của Việt Nam.

Theo ông Tạ Quang Minh, Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống. Các điều kiện đặc trưng về tự nhiên và con người giúp cho nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, danh tiếng và giá trị kinh tế cao. Việc sử dụng hợp lý chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Bổ sung ý kiến trên, ông Giong-Ha Bê cho rằng chỉ dẫn địa lý còn là một công cụ quan trọng giúp các nhà sản xuất địa phương chuyển từ định hướng về số lượng sang chất lượng, cũng như giúp gia tăng cơ hội tồn tại trên các thị trường hiện tại và tiếp cận các thị trường mới. Trong khi đó, ông Mi-xen Đróp-ni-ắc khẳng định, chỉ dẫn địa lý rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang đàm phán một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu.

Chỉ dẫn địa lý là một tên gọi hay dấu hiệu được sử dụng trên những sản phẩm nhất định gắn với một địa danh hoặc nguồn gốc địa lý cụ thể (ví dụ một thị trấn, một khu vực hoặc quốc gia). Chỉ dẫn địa lý là sự xác nhận rằng sản phẩm có những phẩm chất, được sản xuất theo phương pháp truyền thống hoặc có danh tiếng nhất định, do nguồn gốc địa lý mang lại như nước mắm Phú Quốc (Việt Nam), lụa thổ cẩm Lamphun (Thái Lan), hồ tiêu Kampot Pepper (Cam-pu-chia), hay rượu Cognac (Pháp),…

Bảo hộ pháp lý đối với chỉ dẫn địa lý, một mặt sẽ mang lại sự bảo hộ cho các nhà sản xuất chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý, mặt khác bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi làm giả hàng hóa./.