Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Đông, Bắc Phi sau khủng hoảng tài chính

PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
16:24, ngày 23-06-2014
TCCSĐT - Bất chấp những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Bắc Phi có những bước phát triển vượt bậc. Các nước Trung Đông đang đẩy mạnh tăng cường quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại, đầu tư và hợp tác. Việt Nam đã chọn năm 2008 là năm trọng điểm trong quan hệ với các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

Hợp tác thương mại

Trung Đông là một thị trường lớn với hơn 520 triệu dân, có tiềm năng về kinh tế, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, có nhu cầu hàng hóa đa dạng và phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Trung Đông ít chịu tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng Ơ-rô. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với đa số các nước trong khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và một số đối tác trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.

Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi(1) và trở thành địa chỉ thu hút sự quan tâm trong chính sách hướng đông của các nước Trung Đông. Hiện 10 trong số 15 nước Trung Đông là thành viên của WTO(2). Vì vậy, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Đông chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp lý trong khuôn khổ WTO. Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật với 12 nước trong khu vực; ký hiệp định thương mại với 11 nước trong khu vực(3); ký Nghị định thư về hợp tác dầu khí và các ngành khoáng sản với Ả-rập Xê-út. Sau khủng hoảng, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông tăng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2013 tăng từ 3,31 tỷ USD lến 7,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2013.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, Bắc Phi có tính chất bổ sung cho nhau. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam năm 2012 tính theo kim ngạch bao gồm UAE (2,07 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (826,6 triệu USD), Ả-rập Xê-út (545,8 triệu USD), I-xra-en (279,2 triệu USD), I-rắc (158,9 triệu USD).

Xét về kim ngạch xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào một số nhóm mặt hàng chủ lực như: điện thoại di động, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, nông sản. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng mà các nước Trung Đông có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng, giày dép, dây điện và cáp điện, sản phẩm nội thất, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa, máy móc thiết bị văn phòng,… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sản phẩm mới thâm nhập thị trường Trung Đông nhưng có tốc độ tăng trưởng cao, đã vươn lên giữ vị trí số 1 về giá trị trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Đông. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông khoảng 37,5 triệu USD mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện và con số này đã lên tới 2 tỷ USD năm 2012 (chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông).

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông đã có sự chuyển dịch khả quan cả về thị trường và cán cân thương mại. Ngoài thị trường UAE, xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển sang các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Ả-rập Xê-út.

Xét về kim ngạch nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Đông chủ yếu là sản phẩm xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu. Đây là những mặt hàng thế mạnh của khu vực Trung Đông, đồng thời cũng là những mặt hàng nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho sản xuất trong nước của Việt Nam Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính: 1) chất dẻo nguyên liệu; 2) dầu diesel; 3) khí đốt hóa lỏng. Tổng tỷ trọng của cả 3 mặt hàng chiếm tới 77% tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực Trung Đông. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông gồm: Cô-oét, Ả-rập Xê-út, UAE, Ca-ta.

Hợp tác đầu tư

Đầu tư là lĩnh vực có nhiều điểm sáng với những dự án lớn và có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Trung Ðông. Các quốc gia vùng Vịnh tích cực tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số 14 dự án (năm 2013), tổng vốn đăng ký đạt 168 triệu USD, trong đó Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) có 06 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 134,6 triệu USD, chiếm 80,35% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; I-rắc có 2 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 27,1 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; Ô-man có 1 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 5 triệu USD, chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực; cuối cùng là Li-băng với 4 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 805.000 USD, chiếm 0,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực. Khu vực Bắc Phi chỉ có 01 dự án của Ma-rốc với tổng vốn đăng ký 1 triệu USD. Các dự án nổi bật của khu vực Trung Đông tại Việt Nam như: Khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Cô-oét); Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Ca-ta); Khách sạn Hạ Long Star, Cảng container Hiệp Phước tại TP. Hồ Chí Minh (UAE); Nhà máy thép tiền chế Zamil Steel (Saudi Arabia)... Nhìn chung, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài của các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi. Số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng gần 0,3% tổng số lao động đang làm việc tại khu vực Trung Đông.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tham gia đầu tư vào các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam có 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 121 triệu USD. Các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang khu vực này tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, xây dựng…

Về lĩnh vực đầu tư: Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư khu vực Trung Đông, Bắc Phi với tổng vốn đầu tư là 112 triệu USD (năm 2013), chiếm 66,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực. Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 3 dự án với 28,4 triệu USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 20% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Còn lại là các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Về địa bàn đầu tư: Các nhà đầu tư Trung Đông, Bắc Phi đã đầu tư tại 5 địa phương. Dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh có 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 118,6 triệu USD (chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Đứng thứ hai là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 2 dự án và 16,4 triệu USD đăng ký (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Tiếp theo là Phú Thọ, Cần Thơ và Hà Nội.

Về hình thức đầu tư: Các nhà đầu tư Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu tập trung đầu tư theo hình thức liên doanh. Có 4 dự án theo hình thức liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 144,1 triệu USD (chiếm 86% tổng vốn đầu tư đăng ký của khu vực). Còn lại là các dự án theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Một số dự án lớn của khu vực Trung Đông tại Việt Nam đã triển khai như dự án Công ty TNHH phát triển bất động sản Eta Star của các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với vốn đầu tư 112 triệu USD; Công ty TNHH gia công thép Essar Việt Nam với vốn đầu tư 16 triệu USD. Trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi thì UAE là quốc gia có nhiều dự án đầu tư nhất tại Việt Nam(4)… UAE là nước có hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng hàng không nói riêng rất phát triển. Sân bay Dubai đứng thứ 2 trong số các sân bay đông đúc nhất thế giới. Hiện “Sân bay Quốc tế Al Maktoum” là sân bay mới, đang được xây dựng tại UAE, khi hoàn thành sẽ là sân bay lớn nhất thế giới.

Nhiều doanh nghiệp khu vực Trung Đông đang tích cực tham gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản... Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang triển khai các dự án đầu tư ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria với tổng số vốn trên 200 triệu USD. Việt Nam hiện có hơn 26.000 lao động đang làm việc tại một số nước trong khu vực Trung Đông.

Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng với dân số 90 triệu người lại nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Với nguồn nhân lực trẻ, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và đang cần tới sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, tài chính, tín dụng…

Nhiều dự án hợp tác đầu tư tiêu biểu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, Bắc Phi có thể kể đến gồm: Liên doanh dầu khí “Bir Seba” (BRS) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Quốc gia An-giê-ri (Sonatrach) với mục tiêu khai thác mỏ dầu Bir Seba tại Angiêri. Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn được thành lập bởi các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Dầu khí Cô-oét (KPC), và Nhật Bản. Dự án hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Mubadala của UAE với Hợp đồng dầu khí tại một số lô ngoài khơi Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án hợp tác khác đang được triển khai hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác tại Trung Đông, Bắc Phi. PVN đang xúc tiến các dự án hợp tác thăm dò dầu khí tại Tuynidi, Ai Cập, Sudan,...

Nhìn chung, đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Đông, Bắc Phi còn thấp. Tính đến năm 2013, Việt Nam có 08 dự án đầu tư vào khu vực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 121 triệu USD. Trong đó, Trung Đông với 07 dự án (UAE có 04 dự án; Ả-rập Xê-út, I-ran, Cô-oét mỗi nước có 01 dự án). Khu vực Bắc Phi chỉ có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại An-giê-ri. Dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam vào khu vực là Dự án thăm dò khai thác dầu khí lô Danan tại I-ran, vốn đầu tư 82 triệu USD(5). Các nhà đầu tư của Việt Nam đầu tư sang khu vực Trung Đông tập trung vào những lĩnh vực như viễn thông, xây dựng và dầu khí. Tập đoàn viễn thông Vietel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số công xây dựng như Halico, Tổng công ty lắp máy Việt Nam… là những nhà đầu tư thành công tại một số quốc gia trong khu vực Trung Đông.

Tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, Bắc Phi rất lớn. Các nước Trung Đông, Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á - Âu - Phi, có nguồn vốn dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng về dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Việt Nam đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Đông, Bắc Phi đến với Việt Nam. Tuy nhiên, cần có những nỗ lực và quyết tâm nhằm nâng cao dòng đầu tư của các nước Trung Đông, Bắc Phi vào Việt Nam và ngược lại. Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế(6)…./.

--------------------------------------------------------------

(1) Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao cấp nhà nước đầu tiên với Morocco (1961), tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi như: Algeria (1962), Syria (1966); Iraq (1968); Tunisia (1972); Iran (1973); Oman (1992); Israel, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar (1993); Benin (1999)…

(2) Trừ 5 nước khu vực Trung Đông chưa gia nhập WTO gồm: I-ran, Y-ê-men, I-rắc, Xi-ry và Li-băng.

(3) Bao gồm: Giooc-đa-ni, Cô-oét, I-rắc, I-ran, I-xra-en, Li-băng, Ô-man, Pa-let-xtin, Thổ Nhĩ Kỳ, Xi-ry, Y-ê-men.

(4) Công ty Global Shere của UAE ký Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm Tài chính Hà Nội (Phố Wall Hà Nội) với tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, ngày 12-9-2013.

(5) Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2013.

(6) Tính đến năm 2013, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 15.475 dự án còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký hơn 227 tỷ USD.