TCCSĐT - Ngày 07-6, ông Petro Poroshenko đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine trong bối cảnh lực lượng chính phủ đang chiến đấu với những người ly khai thân Nga ở miền Đông nước này. Đọc lời tuyên thệ, ông Poroshenko đã cam kết bảo vệ chủ quyền và sự độc lập của Ukraine cũng như đảm bảo các quyền và sự tự do của người dân.

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, 49 tuổi, đã từng làm việc trong Nội các của nhiều chính phủ và xây dựng được mối quan hệ khá thân thiết với giới kinh doanh, được kỳ vọng có khả năng ngăn chặn sự tụt dốc của nền kinh tế và thống nhất đất nước. Đây là hai nhiệm vụ chính mà đất nước và người dân Ucraine kỳ vọng ở ông.

Chèo lái con thuyền kinh tế Ucraine: Những thách thức không nhỏ

Là một chủ doanh nghiệp thành công và được mệnh danh là "vua chocolate", giới phân tích cho rằng ông Poroshenko nhiều khả năng sẽ tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư từ phương Tây, nhưng cũng sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Nga trong việc chèo lái con thuyền kinh tế Ucraine.

Thách thức lớn nhất đối với ông Poroshenko là khôi phục nền kinh tế, hiện đang trong tình trạng èo uột và chống nạn tham nhũng kinh niên. Kinh tế Ukraine đang chìm trong suy thoái và mất cân đối tài chính trầm trọng, trong khi căng thẳng chính trị cùng những bất ổn ở miền Đông là những mối đe dọa lớn đối với triển vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ukraine đối mặt với nguy cơ lún sâu vào suy thoái kinh tế trong năm nay. EBRD nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của cả Nga và Ukraine.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế Ukraine có thể suy giảm tới 5% trong năm nay, kể cả khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tỏ ý lo ngại cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể gây ra những hậu quả kinh tế "nghiêm trọng" đối với nước này và các đối tác thương mại, đồng thời cho rằng Ukraine cần nhiều sự viện trợ hơn nữa, đặc biệt về mặt tài chính, từ các nước và các tổ chức tài chính quốc tế. Các tổ chức đánh giá tín nhiệm cũng dự báo một triển vọng u ám không kém. Fitch dự đoán nền kinh tế Ukraine trong năm nay sẽ giảm khoảng 5%. Nghiêm trọng hơn, tình trạng suy thoái diễn ra trong khi Ukraine vẫn trợ cấp cho phần lớn các khu vực trong nền kinh tế ở mức hàng năm 5%.

Năng lượng, đặc biệt khí đốt cũng là một vấn đề nan giải . "Cuộc chiến khí đốt" lần thứ 3 giữa Ukraine với Nga trong gần một thập niên qua đã bùng lên, khi Moskva quyết định tăng gần gấp đôi giá khí đốt bán cho Kiev từ 268,5 USD/1.000 m3 lên 485 USD/1.000 m3 bắt đầu từ 01-4, đồng thời ngừng áp giá bán ưu đãi cho quốc gia láng giềng này. Lý do mà phía Nga đưa ra là Kiev còn nợ đọng tới 5,17 tỷ USD tiền mua khí đốt. Tại cuộc gặp ba bên giữa Ukraine, EU và Nga lần thứ 4 về khí đốt vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 02-6 (ngay trước hạn chót ngày 03-6 trước đó Nga đưa ra để chuyển sang chế độ thanh toán trước cho khí đốt nếu Ucraine không trả nợ), Nga và Ukraine thỏa thuận không làm gián đoạn nguồn cung khí đốt, không đưa vấn đề khí đốt lên tòa án trọng tài quốc tế Stockholm, đồng thời không chuyển sang áp dụng cơ chế trả trước cho đến khi diễn ra cuộc gặp ba bên tiếp theo về khí đốt.

Kết quả đàm phán đó phần nào làm Kiev "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, Nga vẫn thúc ép Ukraine thanh toán hết khoản nợ 1,451 tỷ USD tiền mua khí đốt trong hai tháng 11 và 12-2013 (với mức giá 385 USD/1.000 m3) cũng như việc chuyển khoản 500 triệu USD tiền mua khí đốt trong tháng Tư và tháng Năm đã đạt được trong cuộc đàm phán tại Berlin ngày 30-5 vừa qua.

Trước tình hình đó, tân Tổng thống Poroshenko cho biết Ukraine sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc nhập khẩu khí đốt từ các thị trường Tây Âu, khai thác những khu vực có trữ lượng khí đá phiến rộng lớn của nước này (mặc dù nguồn tài nguyên đó chủ yếu tập trung ở khu vực miền Đông Ukraine hiện do lực lượng biểu tình kiểm soát), cũng như xây dựng các cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên.

Quan hệ với Nga và EU

Dù cho mối quan hệ giữa Ukraine với các đối tác Nga đã xấu đi, song với cách tiếp cận của một nhà kinh tế thực dụng, chắc chắn ông Poroshenko sẽ không bỏ qua Nga vì những giá trị to lớn mà mối quan hệ này có thể mang lại. Sau khi thắng cử, ông Poroshenko cho biết sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin và gọi Nga là một đối tác chiến lược.

Tuy nhiên, trở ngại với ông Poroshenko là làm thế nào để Ukraine có thể ngả hẳn về phương Tây, trong khi Nga - thị trường lớn và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Ukraine - quyết tâm duy trì ảnh hưởng tại Ukraine. Tổng thống Nga Putin cảnh báo Nga sẽ có các biện pháp đáp trả để bảo vệ nền kinh tế nếu Kiev ký thỏa thuận liên kết kinh tế với Liên minh châu Âu (hiện tại, quan hệ kinh tế Nga - Ucraine trong cộng đồng các quốc gia độc lập với thuế suất bằng không, lao động di chuyển tự do. Tổng thống Nga cảnh báo, trong trường hợp Ucraine ký liên kết kinh tế với EU, Nga sẽ phải áp dụng chính sách thuế với Ucraine tương tự như với các nước EU).

Về quan hệ với EU ông Poroshenko cho rằng nội dung kinh tế của Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU phải được ký ngay sau lễ nhậm chức của ông, nhằm đưa Hiệp định có hiệu lực sau khi phần chính trị của văn kiện đã được Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk ký với EU hôm 21-3. Theo ông Poroshenko, đây là điều kiện cần thiết để chính quyền mới tại Kiev thực thi các biện pháp chống tham nhũng và triển khai gói cải cách trong thời gian sớm nhất.

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU tại Brussels cuối tháng Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ ông Poroshenko và sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa Ukraine nhằm ổn định đất nước có đủ khả năng đối phó với những áp lực từ bên ngoài, thông qua chương trình trợ giúp tài chính vĩ mô có thể lên tới 15 tỷ USD cho đến năm 2020 mà EU đã ký với chính phủ tạm quyền Ukraine.

Ngày 07-5, Ngân hàng trung ương Ukraine thông báo nước này đã nhận được khoản cho vay đầu tiên trị giá 3,2 tỷ USD từ IMF trong gói viện trợ tài chính lên tới 17 tỷ USD dành cho Kiev. Tới ngày 29-5, Bộ Tài chính Ukraine cho biết đã nhận được khoản đầu tiên 750 triệu USD thuộc dự án "Tín dụng cho chính sách phát triển" trong khuôn khổ thỏa thuận vay 1,5 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (WB).

Mặc dù những khoản tiền hỗ trợ đầu tiên đã tới song đi kèm với các khoản cứu trợ hàng tỷ USD là những điều kiện ngặt nghèo kèm theo - các yếu tố được cho là có thể "bóp nghẹt" nền kinh tế vốn đang trong tình trạng bấp bênh chưa từng có của Ucraine.

Giải quyết vấn đề miền Đông

Ông Poroshenko nhậm chức Tổng thống trong bối cảnh chiến dịch quân sự vẫn đang tiếp diễn ở các tỉnh miền Đông. Phát biểu trong lễ nhậm chức về vấn đề này, Tổng thống Poroshenko nói bằng tiếng Nga, rằng ông không muốn chiến tranh, rằng ông sẽ đến miền Đông với thông điệp hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng hoan nghênh về các kế hoạch do Tổng thống Petro Poroshenko đề xuất nhằm chấm dứt bạo lực tại Ukraine.

Tuy nhiên, ông Putin cũng lưu ý rằng Kiev cần phải ngừng cái mà ông gọi là chiến dịch quân sự “trừng phạt” tại khu vực phía Đông Nam. Tổng thống Putin cho rằng việc ngừng bắn ngay lập tức tại miền Đông Ukraine là cần thiết để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.

Phát biểu với các phóng viên tại Normandy của Pháp, ông Putin lưu ý ông mong đợi ông Poroshenko thể hiện “thiện chí” và “sự khôn ngoan”, đồng thời nhấn mạnh Moskva sẵn sàng cho cuộc thảo luận xây dựng với Ukraine về việc giải quyết vấn đề nợ khí đốt. Ông Putin cũng xác nhận đã gặp ông Poroshenko 15 phút để thảo luận về các vấn đề chính liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng cuộc gặp trên giữa hai nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga bên lề lễ kỷ niệm ngày D-Day là “quan trọng” để “đạt được một thỏa thuận ngừng bắn” tại Ukraine.

Còn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 07-6 đã hối thúc Chính phủ Ukraine thận trọng trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào những người ly khai tại khu vực miền Đông Ukraine.

Tờ "Tagesspiegel am Sonntag" dẫn lời ông Steinmeier nói: "Kết quả của các chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine phải không được tạo thêm động lực cho những người ly khai... Cần khôn ngoan, thận trọng trong việc triển khai vũ lực và cần có sự cân đối".

Ngoài ra, ông Steinmeier còn cho rằng cách hành xử của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine "đã thay đổi đáng kể" - nhấn mạnh tầm quan trọng của cả Kiev và Moskva trong việc gánh vác trách nhiệm giảm leo thang căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bảy tỏ hy vọng rằng sẽ có một bước đột phá trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine./.