TCCSĐT - Ngày 06-6-2016, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu kinh tế, các trường đại học; các nhà quản lý từ các ban đảng Trung ương, các bộ, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận và đánh giá cao chủ đề Hội thảo.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ giai đoạn đổi mới đến nay, doanh nghiệp nhà nước đã và đang có đóng góp tích cực vào thành tựu to lớn của đất nước, đặc biệt 3 năm qua, mặc dù ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như các yếu kém nội tại, kinh tế nhà nước trong đó các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, duy trì đời sống người lao động.

Các doanh nghiệp đã cố gắng tập trung cao để hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đưa vào vận hành, sản xuất đảm bảo tiến độ và chất lượng: vệ tinh VINASAT - 2; Thủy điện Sơn La hoàn thành tiến độ trước thời hạn 3 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, làm lợi cho Nhà nước trên 40.000 tỷ đồng ...

Doanh nghiệp nhà nước luôn đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội. Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn, nhưng trong 2 năm 2012 - 2013 các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã hỗ trợ hơn 6.900 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đặc biệt, trong năm 2013, các doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã đi đầu trong việc ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 10, số 11.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan: doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lượng vốn lớn, nhiều lợi thế trong quá trình phát triển song kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành kinh doanh chính, một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, làm thất thoát nguồn vốn và tài sản của đất nước, của nhân dân; một số nơi cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật.... khiến vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đề nghị các bộ quản lý ngành, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy đảng, HĐQT/HĐTV, ban điều hành các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng nhà nước cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

- Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng trong doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định, nghị quyết của đảng về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới mô hình và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, các đoàn thể gắn với quá trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quán triệt tái cơ cấu là yêu cầu khách quan, là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, ngân hàng.

Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững.

Các bộ quản lý ngành sớm tham mưu hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Thứ hai, tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Chính phủ điều tiết nền kinh tế, phát triển kinh tế xã hội theo định hướng XHCN. Muốn thực hiện nhiệm vụ, vai trò đó, doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động; quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa theo đúng tiến độ, chỉ giữ lại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở các khâu, công đoạn, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, cốt yếu: quốc phòng an ninh, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghệ nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.

- Thứ ba, đặt doanh nghiệp nhà nước tuân theo cơ chế thị trường, quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

- Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, đổi mới về quản trị để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước: xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Điều lệ và hệ thống các quy chế quản lý, kiểm soát nội bộ, quy chế về công tác cán bộ; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường. Cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của đơn vị đối với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu trong đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy, dẫn dắt nền kinh tế cùng phát triển, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.