Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-5 đến ngày 01-6-2014

Hồng Ngọc tổng hợp
22:03, ngày 02-06-2014
TCCSĐT - Gặp gỡ, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phía Nam, cải cách hành chính ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên - Huế,… là những tin nổi bật tuần qua.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Chiều 29-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị về công tác cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, năm 2014, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện cho nhân dân và doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như đất đai, khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong số ít bộ đi tiên phong trong việc triển khai áp dụng cơ chế “một cửa”, thí điểm mô hình “một cửa liên thông”, tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp, thiết lập kênh thông tin trả lời tổ chức, công dân về tài nguyên và môi trường.

Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh các nội dung cải cách trên và đề ra mục tiêu đạt 50% dịch vụ công trực tuyến thuộc Bộ đạt mức độ 3, tiến tới áp dụng mô hình cấp phép điện tử.

Bộ cũng tăng cường giám sát, hỗ trợ nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho các đơn vị thuộc Bộ, thí điểm triển khai lồng ghép việc tổ chức thẩm định, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong quy trình thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, duy trì việc công bố, công khai và nhập dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Đến nay, đã cập nhật, công khai trên 200 thủ tục hành chính, bao gồm nhóm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đất đai; hành nghề khoan nước dưới nước; đánh giá môi trường chiến lược; lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thủ tục công nhận túi nilon thân thiện với môi trường…

VCCI gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phía Nam

Ngày 30-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi gặp gỡ với đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, mục đích của buổi gặp gỡ là để các địa phương, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp đưa ra đề xuất, góp ý cho những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất và mở rộng đầu tư.

Tất cả đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều cho rằng sự việc vừa qua tại một số doanh nghiệp là sự cố đáng tiếc và ngay sau khi xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng kịp thời cũng như những chính sách giải quyết thiết thực để động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại.

Sau cuộc gặp gỡ, VCCI sẽ ghi nhận những ý kiến góp ý, những đề xuất của các doanh nghiệp xung quanh việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính trong triển khai các chính sách hỗ trợ, đền bù để báo cáo lên Chính phủ.

Doanh nghiệp được hưởng lợi từ Cơ chế một cửa quốc gia

Ngày 29-5, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Giới thiệu về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia” với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Cơ chế một cửa quốc gia là hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hóa. Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và kết nối với nhau.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia với các thủ tục của Bộ Công Thương sẽ giúp đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong các thủ tục thông quan; nâng cao chất lượng, tính chính xác của thông tin, chứng từ do cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế cung cấp.

Doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích: Thời gian đáp ứng và chi phí dịch vụ ổn định; tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa nội địa, thâm nhập vào các thị trường lớn cũng như tiếp cận nhiều nguồn lực phục vụ sản xuất; sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, nâng cao năng lực và phát triển doanh nghiệp.

Nhiều người dân bị trả hồ sơ nhà đất ở “phút 89”

Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hồ Chí Minh, tại buổi làm việc với Sở Tư pháp ngày 29-5 về công tác cải cách hành chính đề nghị: Cải cách thủ tục hành chính phải ưu tiên quan tâm đến các lĩnh vực có liên quan nhiều với người dân. Theo ông Bá, phải công khai thủ tục hành chính ở xã, phường để người dân biết. Về hình thức liên thông cải cách hành chính một cửa, ông Bá đề nghị cần phải đi thực tế, nghiên cứu thêm để việc liên thông này có hiệu quả hơn. Và Sở Tư pháp nên đặt trọng tâm kiểm tra, giám sát cải cách hành chính trong những lĩnh vực dân còn ca thán nhiều như thủ tục nhà, đất…

Ông Bá cho biết nhiều quận, huyện báo cáo có trên 90% hồ sơ đúng hẹn, nhưng người dân vẫn ca thán về thủ tục hành chính. Rất nhiều người dân bị trả hồ sơ nhà, đất để bổ sung ở “phút 89”, tức đến ngày hẹn nhận giấy chủ quyền thì bị trả hồ sơ để bổ sung và sau đó nộp lại thì được tính thời gian giải quyết như lần đầu nộp hồ sơ.

Ông Bá đề nghị phải làm rõ ai có thẩm quyền trả hồ sơ và yêu cầu người dân bổ sung vì có quận trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung bằng một công văn do giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ký, nhưng có nơi trả hồ sơ và yêu cầu bổ sung bằng một miếng giấy nháp do chuyên viên viết nguệch ngoạc.

Ông Bá cũng lưu ý về quy trình một cửa ở các quận, huyện hiện chưa đồng bộ và còn làm phiền người dân. “Cùng là quy trình “một cửa” nhưng có nơi dân nộp hồ sơ ở phường, nhận kết quả ở quận, có nơi dân phải tự cầm hồ sơ chuyển qua cơ quan thuế, đi tới đi lui mấy lần mới nhận được giấy chủ quyền nhà, đất. Hiện vẫn còn tình trạng bản vẽ nhà, đất của một số công ty nhất định thì được chấp nhận, giải quyết nhanh, còn bản vẽ của những công ty khác bị trả đi trả lại nhiều lần” - ông Bá nói.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, cho biết do thiếu cơ sở dữ liệu chung dẫn đến việc liên thông, liên kết giữa các cơ quan với nhau còn rất chậm. Ngoài ra, cách hiểu và vận dụng pháp luật giữa các cơ quan chưa thống nhất. Nhiều nơi cán bộ, công chức do sợ trách nhiệm nên đẩy cái khó cho người dân...

Thừa Thiên - Huế: "Nhảy vọt" 28 bậc trong xếp hạng CPI

Thừa Thiên - Huế, từ vị trí thứ 30 đã vươn lên đứng thứ hai trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 vừa được công bố. Điều này phần nào đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, để đạt được kết quả đó, thứ nhất, tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản chính sách, các quy định về quản lý nhà nước liên quan đến doanh nghiệp, các thể chế bằng pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận được tất cả các thông tin, nội dung mà doanh nghiệp cần. Thứ hai, thực hiện khá đồng bộ về ISO cho các cơ quan quản lý cấp sở, các huyện. Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính với mô hình một cửa gắn với hoàn chỉnh tất cả các bộ thủ tục hành chính và công khai hóa trên tất cả các cổng thông tin điện tử, bằng các phương tiện.

Thừa Thiên - Huế đã đầu tư xây dựng và áp dụng 5 phầm mềm dùng chung cho cả hệ thống nên việc lưu thông thông tin rất nhanh với các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm chấn chỉnh hoạt động công vụ, thái độ phục vụ của công chức. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 51 để chấn chỉnh hoạt động này. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh lại trách nhiệm công vụ của công chức, thái độ khi thực thi công vụ./.