Ngày 30-5-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhất trí tăng cường đối thoại nhằm duy trì ổn định tại Biển Đông.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông, tiếp sau việc đưa giàn khoan trái phép Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nối tiếp bằng vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam mới đây.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết ủng hộ ASEAN trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ nhận việc Trung Quốc đang gây căng thẳng: "Tình hình hiện tại ở Biển Đông nói chung là ổn định, song các dấu hiệu đáng để chúng ta lưu ý cũng bắt đầu xuất hiện... Chúng tôi sẽ không bao giờ gây rối, song sẽ phản ứng ở mức độ cần thiết đối với những hành động gây hấn của các nước hữu quan".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phản đối việc quốc tế hóa các tranh chấp khu vực tiếp diễn về chủ quyền.

Trong cuộc gặp gỡ giữ Chủ tịch Trung Quốc với Thủ tướng Malaysia, hai bên đã cam kết tăng cường quan hệ và hợp tác song phương.

Thủ tướng Najib Razak đang có chuyến thăm chính thức 6 ngày tới Trung Quốc.

Gọi Malaysia là người bạn đáng tin cậy và đối tác hợp tác quan trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng 2 nước cần tiếp tục có những nỗ lực chung và vượt qua các thách thức trong cuộc tìm kiếm máy bay mất tích số hiệu MH370 nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Theo ông Tập Cận Bình, hai nước cần tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật, an ninh và quốc phòng, chung tay chống khủng bố; nhập cư trái phép và tội phạm mạng...

Về phần mình, Thủ tướng Najib Razak cam kết theo đuổi quan hệ hữu nghị truyền thống, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh trao đổi về nhân sự, văn hóa và hợp tác về quốc phòng và thực thi pháp luật./.