Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực tuyên truyền tới các hội viên và toàn thể nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham mưu với cấp có thẩm quyền trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam, sáng 30-5.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì xây dựng một số dự án luật như: Luật Trọng tài thương mại, Luật Trưng cầu dân ý; tổ chức góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013; tham gia xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Luật sư (sửa đổi), Luật Hòa giải cơ sở…

Ở địa phương, ngoài việc chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội, các Hội địa phương đã tham gia xây dựng 43.722 văn bản quy phạm pháp luật, các tổ chức hội ở cơ sở đã tham gia xây dựng hàng ngàn quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính; giám sát, phản biện chính sách, pháp luật; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế…

Tại buổi làm việc, Hội Luật gia Việt Nam cũng kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện để Hội Luật gia một số địa phương được hưởng cơ chế, chính sách, chế độ đặc thù với sự hỗ trợ của Nhà nước về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất để hoạt động thiết thực, hiệu quả bởi hiện nay, một số cấp hội địa phương chưa được hưởng cơ chế này...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là công tác tham gia xây dựng pháp luật, tư vấn và tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức xây dựng Hội; tham gia giám sát và phản biện chính sách, hòa giải cơ sở, hợp tác quốc tế (như Hội Luật gia Dân chủ quốc tế…).

Phó Thủ tướng đề nghị, bằng các hình thức và phương pháp phù hợp, Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực vận động, tuyên truyền tới các hội viên và toàn thể nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham mưu với cấp có thẩm quyền trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Về tình hình hoạt động của Hội, bên cạnh những kết quả lớn đạt được, Hội Luật gia Việt Nam vẫn còn những yếu kém cần sớm khắc phục như chưa năng động, cần gắn kết hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Về công tác chuẩn bị Đại hội 12, nhiệm kỳ 2014 - 2019, Phó Thủ tướng cho rằng, Hội đã có những chuẩn bị tương đối tốt về văn kiện, nhân sự, hậu cần… Tuy nhiên, Đại hội trong thời kỳ hiện nay rất có ý nghĩa nên việc tổ chức Đại hội phải chu đáo, trang trọng, bảo đảm đúng các yêu cầu đề ra và sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Về các kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.