Tiếp tục đổi mới quản trị công hướng đến nền quản trị quốc gia hiện đại ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Trọng Bình Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:30, ngày 29-05-2014

TCCSĐT - Một hệ thống quản lý công dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm, có năng lực và hiệu quả là điều kiện tiền đề và bảo đảm quan trọng cho sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của một quốc gia. Ngày nay cạnh tranh giữa các quốc gia vừa là cạnh tranh về kinh tế, vừa là cạnh tranh về năng lực và hiệu năng của quản lý công. Trong vài thập niên qua, các nước trên thế giới đều đã tiến hành đổi mới quản lý công với quy mô lớn với mục đích chủ yếu là, thông qua đổi mới và cải cách quản trị công nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tổng hợp của quốc gia.

Mỗi thời đại và thời kỳ lịch sử đều có một mô thức quản trị quốc gia tương thích và phù hợp với hoàn cảnh của thời đại và điều kiện lịch sử đó. Nói cách khác, khi điều kiện kinh tế - xã hội có sự thay đổi thì thể chế quản lý công cũng phải được đổi mới nhằm thích ứng với yêu cầu của thực tiễn. Nhìn tổng thể, từ khi tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế đến nay, xã hội Việt Nam đã có sự thay đổi rất căn bản. Sự thay đổi này chủ yếu thể hiện ở chỗ: từ một kết cấu xã hội tương đối khép kín với bên ngoài chuyển sang một kết cấu xã hội mở, hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới; từ thể chế kinh tế kế hoạch, tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ một xã hội nông nghiệp từng bước chuyển sang một xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại; ý thức dân chủ của công dân ngày càng được nâng cao; dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được mở rộng và phát huy. Những thay đổi nói trên đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với quản trị công ở nước ta trong tiến trình đổi mới.

Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, phát huy dân chủ, nhà nước pháp quyền, công bằng, đoàn kết và đồng thuận xã hội, mở cửa, hội nhập để phát triển và phát triển bền vững, sự phát triển của công nghệ thông tin là những nhân tố tác động và đặt ra yêu cầu về cải cách hành chính(1), đổi mới quản trị công ở Việt Nam hiện nay. Mục đích cơ bản của đổi mới quản trị công ở nước ta chính là thiết lập một nền quản trị quốc gia dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm, có năng lực và hiệu quả cao, đáp ứng tốt yêu cầu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nói một cách cụ thể, đó là một nền quản trị quốc gia có các đặc trưng và yêu cầu sau:

Thứ nhất, đó là một nền quản trị công dân chủ, bảo đảm tốt hơn vai trò trung tâm của công dân.

Việc nhấn mạnh và bảo đảm vai trò trung tâm của công dân trong quản trị công bắt nguồn từ bản chất của Nhà nước ta. Đó là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”(2). Bảo đảm vai trò trung tâm của công dân trong quản trị công có nghĩa là, cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cần coi việc bảo đảm và thúc đẩy việc thực hiện quyền, lợi ích cơ bản của công dân là nghĩa vụ hàng đầu của mình; lắng nghe tiếng nói của công dân; tiếp tục tạo lập và hoàn thiện cơ chế đồng bộ, khả thi để công dân tham gia một cách có hiệu quả vào quá trình quản trị công; quá trình hoạch định chính sách công cần chuyển từ chỗ nhấn mạnh thiết kế lý tính sang thiết kế xã hội... Đội ngũ cán bộ, công chức cần phải luôn quan tâm tới một số vấn đề, như công dân là “khách hàng” và đối tượng phục vụ của mình; nắm bắt được yêu cầu của công dân đối với dịch vụ và thông tin mà cơ quan nhà nước cần cung cấp; luôn đổi mới hoạt động và quy trình nghiệp vụ để thỏa mãn yêu cầu và mong muốn hợp pháp của công dân; bảo đảm sự phục vụ một cách thuận tiện, nhanh chóng đối với công dân; bảo đảm quyền lựa chọn của công dân đối với dịch vụ mà nền hành chính cung ứng; tạo lập các công cụ cần thiết để công dân đánh giá hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của tổ chức hành chính cũng như các cơ quan nhà nước.

Do đó, đổi mới quản trị công ở nước ta hiện nay không chỉ là làm cho đội ngũ cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ hơn vị trí làm chủ của công dân, từ đó xác lập được thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm trước nhân dân, mà còn là đổi mới về tổ chức, bộ máy và trình tự hoạt động để phục vụ công dân một cách tốt hơn. Đổi mới quản trị công còn đòi hỏi đổi mới thể chế quyết sách theo hướng dân chủ, kết hợp một cách tốt hơn trí tuệ, kiến thức chuyên môn của cơ quan và người hoạch định chính sách với kinh nghiệm, ý nguyện và nhu cầu của đông đảo công chúng - với tư cách người chịu sự tác động trực tiếp của các quyết sách do bộ máy hành chính ban hành.

Thứ hai, đó là nền quản trị quốc gia công khai và minh bạch.

Nhìn từ góc độ dân chủ, quyền được biết là quyền cơ bản của công dân, cũng là tiền đề cơ bản để các quyền lợi khác của công dân được bảo đảm thực hiện. Nhìn từ phương diện khác, khu vực công luôn nắm giữ nguồn thông tin lớn, nguồn lực này nếu được khai thác, sử dụng một cách đầy đủ và có hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo ra sự giàu có nhiều hơn cho xã hội. Ngoài ra, công khai và minh bạch thông tin cũng là một biện pháp có hiệu quả để giám sát chính phủ. Nền quản trị quốc gia công khai, minh bạch cũng là nền quản trị công coi trọng sự giải trình trước công chúng đối với những vấn đề trong quản lý nhà nước mà công chúng quan tâm và sự giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách đối với công chúng. Vì thế, trong thực tiễn quản lý nhà nước, cần không ngừng tăng cường thực hiện công khai và minh bạch. Về mặt hiến pháp và pháp luật, nhà nước cần bảo đảm quyền được biết của công dân; cơ quan hành chính nhà nước cần chủ động công khai thông tin để công dân nắm bắt và hiểu được hoạt động của chính phủ cũng như các vấn đề trong thực tiễn quản lý nhà nước.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng chính phủ điện tử là một công cụ hữu hiệu vừa góp phần hiện đại hóa nền hành chính, vừa là công cụ cần thiết để thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của nền hành chính. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là luật về bảo đảm thông tin và quyền tiếp cận thông tin là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy hành chính.

Thứ ba, đó là nền quản trị công trách nhiệm.

Theo giáo sư Grô-vơ Xta-ling (Grover Starling), nói đến trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính phủ, cũng có nghĩa là nói đến sự linh hoạt, năng lực, trình tự pháp luật chính đáng, chịu trách nhiệm, liêm khiết và năng lực đáp ứng của nó(3). Có thể nói, trách nhiệm chính trị của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức chính là đáp ứng kịp thời những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của công dân; bảo vệ lợi ích của dân tộc; bảo vệ và thực hiện lợi ích công cộng. Trách nhiệm pháp luật của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức chính là phải tôn trọng hiến pháp và pháp luật; nghiêm chỉnh thực thi pháp luật; đồng thời đảm nhận trách nhiệm pháp luật (tức nếu có hành vi trái với hiến pháp, pháp luật thì phải xác định được trách nhiệm của người đó). Trách nhiệm hành chính của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức chính là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; không vượt quyền, lạm quyền, làm sai chức năng khi thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý về trình tự trong thực thi nhiệm vụ; làm việc với chất lượng và hiệu quả cao. Trách nhiệm đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức chính là, trong gia đình, ngoài xã hội và trong lĩnh vực hoạt động của mình, mỗi cán bộ, công chức cần thể hiện được những phẩm chất đạo đức, như chính trực, trung thực, nhân ái, liêm khiết, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc thực hiện trách nhiệm của chính phủ, của đội ngũ cán bộ, công chức còn đòi hỏi sự hoàn thiện của cơ chế giám sát. Vì thế, tăng cường và hoàn thiện sự giám sát của lập pháp, tư pháp, hành chính, đảng cầm quyền, xã hội, truyền thông đại chúng và công dân là yếu tố không thể thiếu để bảo đảm thực hiện trách nhiệm hành chính.

Thứ tư, đó là nền quản trị công thực hiện tốt công bằng xã hội.

Nền quản trị công công bằng được quyết định bởi tính chất của nền hành chính và tính chất của dịch vụ công. Nói một cách cụ thể, nó có nghĩa là chính phủ duy trì, bảo đảm và phát triển quyền và lợi ích cơ bản của tất cả công dân, bởi vì mọi công dân đều có sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ; chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức cần nỗ lực hết mình để thực hiện quyền và lợi ích cơ bản của công dân, tạo ra sự công bằng về cơ hội cho tất cả mọi người, phải mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ công; bảo vệ quyền và lợi ích, bảo đảm những dịch vụ công cơ bản nhất (y tế, giáo dục, chỗ ở, bảo đảm xã hội...) cho nhóm yếu thế.

Ngân hàng Thế giới chỉ rõ: “Công bằng và tăng trưởng thúc đẩy lẫn nhau, mở rộng cơ hội thụ hưởng về kinh tế và chính trị có tác dụng đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, mặt khác chất lượng của cơ hội cũng rất quan trọng, do đó cần thiết lập thể chế để tăng cường tính bao dung, thông qua hành chính công để thực hiện sự công bằng về kinh tế và chính trị”(4).

Thứ năm, đó là nền quản trị công hiệu quả cao.

Hiệu quả cao có nghĩa là nền quản trị công sử dụng được một cách đầy đủ các nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu quản lý. Cũng có nghĩa là nền hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức coi trọng giá trị của nguồn lực đầu tư, của thời gian, của kết quả, của phục vụ (nguyên tắc sự hài lòng của công dân).

Để bảo đảm tính hiệu quả của nền quản trị công, ngoài việc xác lập được ý thức, quan niệm hiệu quả trong hoạt động của chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: Một là, tinh giản những cơ quan hành chính, những tầng nấc kiểm soát và quản lý, trình tự quản lý và làm việc, loại bỏ những thủ tục quan liêu, rườm rà, đổi mới quy trình quản lý, cung cấp sự phục vụ “một cửa”; Hai là, sử dụng một cách đầy đủ và rộng rãi kỹ thuật thông tin để cải cách nền hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; Ba là, trong tổ chức hành chính cần thiết lập cơ chế quản lý hiệu suất và hiệu quả hoạt động hành chính, thông qua quản lý hiệu suất (như thiết lập mục tiêu và tiêu chuẩn hiệu suất, cơ chế thúc đẩy hiệu suất, tiến hành đánh giá hiệu suất, sử dụng kết quả đánh giá...) để thúc đẩy sự cải thiện và nâng cao hiệu suất, chất lượng hoạt động của mỗi cán bộ, công chức, mỗi cơ quan hành chính và cả bộ máy hành chính. Tuy nhiên, đánh giá hiệu suất, hiệu quả hành chính không chỉ dừng lại ở đánh giá cán bộ, công chức, mà còn ở đánh giá cơ quan hành chính và cả bộ máy hành chính.

Thứ sáu, đó là nền quản trị công coi trọng sự tham gia.

Trong quản trị công, nhà nước là chủ thể giữ vai trò trung tâm nhưng không phải là chủ thể duy nhất. Quản trị công là quá trình hợp tác, phối hợp sức mạnh giữa nhà nước, các tổ chức xã hội và tổ chức thị trường nhằm giải quyết các vấn đề công, cung cấp dịch vụ công và thực hiện lợi ích công. Lý luận hành chính công mới, lý luận quản lý công mới, lý luận quản trị, lý luận hành chính công hậu hiện đại, lý luận phục vụ công mới(5), tuy góc độ nhấn mạnh có khác nhau, song đều có một điểm chung là khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết của mô thức quản trị công có sự tham gia của nhiều chủ thể. Ngày nay, do tính phức tạp của các vấn đề công cộng nên trong quản trị công, chính phủ rất cần sự tham gia và phối hợp hành động của các chủ thể khác. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống quản trị công có sự tham gia của nhiều chủ thể và hình thành một mạng lưới trong quản trị.

Để thực hiện được điều đó, cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau: Một là, nhận thức lại và xác định rõ chức năng của chính phủ, trên cơ sở đó tiến hành chuyển đổi và tối ưu hóa chức năng của chính phủ. Chức năng của chính phủ là ở chỗ thiết lập môi trường pháp lý và khung khổ chính sách cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội (chức năng xây dựng thể chế và kiến tạo sự phát triển); điều tiết kinh tế vĩ mô; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển; giám sát và kiểm soát sự vận hành của thị trường; bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; cung ứng dịch vụ công cơ bản cho xã hội và công dân. Hai là, chính phủ cần chú trọng phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong lĩnh vực dịch vụ công. Chú trọng hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ trong quản trị công, tạo lập môi trường và điều kiện để phát triển một cách lành mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa dịch vụ công.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa dịch vụ công. Những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề, như một số nội dung về xã hội hóa dịch vụ công chưa được cụ thể hóa; mức độ xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu; thực hiện xã hội hóa nhưng buông lỏng sự quản lý nên dẫn đến một số tiêu cực. Làm thế nào để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước với doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước), Nhà nước với xã hội đang là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng liên quan đến đổi mới thể chế quản trị công ở nước ta hiện nay.

Thứ bảy, đó là nền quản trị công pháp quyền.

Pháp quyền có nghĩa là trật tự kỷ cương; là pháp luật ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm dân chủ, tự do và quyền con người; là quyền uy và tính phổ biến của hiến pháp và pháp luật - tinh thần thượng tôn pháp luật; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; nó không chấp nhận bất kể một cá nhân, tổ chức nào có đặc quyền đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật; tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật. Nền quản trị công pháp quyền có nghĩa là người dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Thứ tám, đó là nền quản trị công có năng lực.

Muốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, chính phủ phải là một chính phủ có năng lực. Năng lực chính phủ, năng lực hành chính liên quan tới nhiều phương diện khác nhau, như năng lực dự báo và nắm bắt được sự thay đổi; năng lực đề ra hệ thống chính sách công đồng bộ và linh hoạt; năng lực phát triển và vận dụng các phương án khác nhau để thực thi chính sách có hiệu quả; năng lực thu hút và vận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực để đạt tới mục tiêu; năng lực học tập, đổi mới, phát triển không ngừng để thích ứng và ứng phó với thách thức trong tương lai(6 ).

Chúng tôi cho rằng, ở nước ta hiện nay, nâng cao năng lực quản trị công liên quan trực tiếp tới bốn yếu tố chủ yếu: Một là, đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, bao gồm đối với Chính phủ và bộ máy hành chính. Hai là, chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Ba là, mức độ và hiệu quả tham gia quá trình quản lý nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, hệ thống truyền thông đại chúng và công dân... Bốn là, đổi mới và tối ưu hóa về tổ chức và hoạt động của bản thân Chính phủ và nền hành chính. Chính phủ cần thật sự phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách (tạo môi trường và điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các tổ chức tư vấn (think tank), các chuyên gia bên ngoài chính phủ tham gia hoạt động phản biện, tư vấn dự thảo quyết sách của chính phủ); tiếp tục đổi mới chế độ nhân sự hành chính (thi tuyển, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, đãi ngộ...) để thu hút nhân tài, “giữ” được nhân tài, phát huy được nhân tài và rộng hơn là có được một đội ngũ cán bộ, công chức có tầm tư duy chiến lược, sáng tạo, đổi mới, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất tốt; thực hiện xây dựng tổ chức hành chính theo mô hình tổ chức học tập, hình thành văn hóa hành chính: đổi mới, sáng tạo, hợp tác, coi trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động./.

-------------------------------------------------------

(1) Hoàng Chí Bảo: “Cải cách hành chính ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế - lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Phát triển nhân lực, số 27 năm 2012, trang 3-6.

(2) Xem: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

(3) Grover Starling: Managing Public Sector, 3red., Chicago, Illinois: Dorsey, 1987, pp. 115 - 125, dẫn từ Zhang Chengfu: “On Responsible Goverment”, Journal of Renmin University of China, 2000 Vol, No.2, p. 76.

(4) Ngân hàng Thế giới: “Báo cáo phát triển thế giới năm 2006: công bằng và phát triển”, Nhà xuất bản Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, năm 2006.

(5) Lý luận hành chính công mới hình thành vào những thập niên 60 của thế kỷ XX; lý luận quản lý công mới hình thành vào những năm 80 của thế kỷ XX cho đến nay; lý luận quản trị hình thành vào những năm 90 của thế kỷ XX, lý luận hành chính công hậu hiện đại hình thành vào những năm cuối thế kỷ XX; lý luận phục vụ công mới hình thành vào những năm đầu thế kỷ XXI.

(6) Zhang Chengfu, Dang Xiuyun: Public Management and Administration, China Renmin University Press, Beijing, 2007, pp 21-22.