TCCSĐT - Ngày 28-5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Bảo hiểm xã hội: nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách”.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng ban Tài chính kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, trả lời câu hỏi về tình hình thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta hiện nay, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, tính đến hết tháng 12-2013, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện là trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện là trên 11 nghìn tỷ đồng. Tình trạng vi phạm pháp luật trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra khá phức tạp, có nhiều doanh nghiệp thành lập, sử dụng lao động nhưng trốn đóng hoặc khi trích khoản đóng của người lao động lại kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội như thực hiện trích từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nhưng không nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội...

Theo ông Trần Đình Liệu, về lao động, hiện nay, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, có đến 50% doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó, đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Còn trên 5 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm.

Về tiền lương, thực trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội. Tiền lương, tiền công bình quân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước khoảng 2,8 triệu người. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.

Về công tác thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, theo ông Điều Bá Được, hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thanh tra, ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra thực hiện chức năng thanh tra rất nhiều lĩnh vực, thanh tra về bảo hiểm xã hội chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Hằng năm, các ngành đều chủ động hoặc phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được tiến hành thanh tra rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Trần Đình Liệu cho biết: sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động; một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa bảo tồn được giá trị của quỹ...; Luật Bảo hiểm xã hội chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Theo ông Trần Đình Liệu, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội nêu trên, một mặt là do Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm, trong khi đó, mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định còn thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội.

Từ thực trạng trên, theo ông Trần Đình Liệu, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục, như phối hợp kiểm tra liên ngành, thành lập tổ thu nợ liên ngành, đăng lên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội và thực hiện việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa án dân sự... Tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo ông Điều Bá Được, những năm gần đây, công tác kiểm tra của tổ chức bảo hiểm xã hội đã được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp và trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý của ngành. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 20.500 cán bộ (trong đó, có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra) thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị ít nhất 01 năm/1 lần. Thực tiễn các năm vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm bảo hiểm xã hội nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao...

Ông Điều Bá Được cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội lần này nên tập trung vào các giải pháp: Một là, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản (Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội). Quy định áp dụng từ 01-01-2018 để mang tính khả thi do hiện nay công tác quản lý lao động chưa đáp ứng yêu cầu (chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý lao động và quản lý bảo hiểm xã hội); Hai là, mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia để khuyến khích những người từ 45 tuổi trở lên đối với nam, từ 40 tuổi trở lên đối với nữ tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Khoản 3 Điều 6).

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đề nghị, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa theo hướng nâng mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng; tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm xã hội có quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… Đặc biệt, theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, từ thực tế tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, đề nghị sửa Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: “Cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm Pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội”./.