Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của khát vọng độc lập tự chủ, tự lực, tự cường

PGS, TS. Vũ Quang Vinh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:38, ngày 05-05-2014

TCCSĐT - Sáu mươi năm đã đi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiếp tục được ghi nhận là kết quả tổng hợp của sức mạnh dân tộc Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại, nhưng trên hết và trước hết, đó là thắng lợi của khát vọng độc lập tự chủ, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Độc lập là mục tiêu cao cả, là giá trị tinh thần quý nhất của người Việt Nam, là sự thể hiện tập trung của chủ nghĩa yêu nước và ý chí tự lực, tự cường Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho ý chí đó. Ra đi tìm đường cứu nước, Người đến nước Pháp để đòi những quyền tự do mà chúng ta phải được hưởng. Đó cũng chính là lý do để Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1). Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt, các nước thắng trận và bại trận họp Hội nghị Hòa bình ở Véc-xây (Versailles), thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam với 8 điểm: Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương...; Tự do báo chí và tự do ngôn luận; Tự do lập hội và hội họp; Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; Tự do học tập...; Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp giúp cho nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ(2). Mặc dù không được Hội nghị giải quyết nhưng bản Yêu sách của nhân dân An Nam thể hiện ý chí của người Việt Nam đòi các nước thắng trận thực hiện những cải cách mà họ đã hứa.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, lao tù của thực dân, đế quốc càng giúp Người thấm thía: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”(3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam đã vùng dậy tổng khởi nghĩa (tháng 8-1945) thắng lợi. Trong bản Tuyên ngôn độc lập 1945, Người trịnh trọng tuyên bố trước thế giới khát vọng và quyết tâm của nhân dân Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy”(4). Giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, hòng đặt ách nô lệ lên dân tộc ta lần nữa, sau nhiều lần tìm cách cứu vãn hòa bình không được, Người đã khẳng khái tuyên bố: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5).

Với một quyết tâm sắt đá như vậy, chúng ta đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với “phương châm tử chiến với thực dân Pháp để giành độc lập thống nhất thật sự cho Tổ quốc, giữ vững và mở rộng chế độ Cộng hòa, dân chủ Việt Nam, góp phần nhỏ mọn của nhân dân Việt Nam vào công cuộc bảo vệ hòa bình, dân chủ trên thế giới”(6).

Điện Biên Phủ: thắng lợi của khát vọng độc lập tự chủ, tự lực, tự cường

Đến năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp đã sang năm thứ 8. Tám năm với nhiều thất bại liên tiếp đòi hỏi Pháp phải hành động tích cực hay rút khỏi Đông Dương. Đầu tháng 5-1953, Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va (Henri Navarre) chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Ngay sau đó, “kế hoạch Na-va” được Pháp trình và Mỹ miễn cưỡng chấp nhận. Tuy vậy, “Sau khi ép được Pháp chính thức hứa quyết tâm thực hiện “kế hoạch Na-va”, tháng 9-1953, chính quyền Mỹ đồng ý viện trợ quân sự cho Pháp thêm 355 triệu đôla”(7).

Theo kế hoạch của Na-va thì quân đội Pháp trong Thu Đông năm 1953 sẽ phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, Xuân 1954 tấn công chiến lược ở miền Nam, Thu Đông 1954 chuyển lực lượng cơ động chiến lược ra Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc Việt Nam phải đàm phán trong tình thế có lợi cho Pháp trong thời gian 18 tháng. Nếu Việt Nam không theo điều kiện của Pháp thì chúng sẽ tấn công tiêu diệt chủ lực ta.

“Kế hoạch Na-va” được chính giới Pháp - Mỹ đánh giá cao, là một “kế hoạch táo bạo, kiên quyết, có cơ sở vững chắc”; “cho phép hy vọng đủ mọi điều”.

Trước âm mưu mới của địch, chúng ta chủ động chia cắt, phá vỡ khối cơ động tập trung, điều động từng bộ phận chủ lực địch ra các hướng khác nhau, chọn những hướng thuận lợi để tiêu diệt chúng. Những thắng lợi bước đầu của Việt Nam buộc Na-va phải cho quân chiếm lĩnh Điện Biên Phủ, xây dựng thành “cái bẫy”, “máy nghiền nát Việt Minh”. Trong một thung lũng rộng với đáy là một dải đồng bằng dài 16km, ngang 9km bằng phẳng có nhiều quả đồi, có quả đồi cao tới 250m, Na-va đã xây dựng một tập đoàn cứ điểm quân sự có dây thép gai và boongke liên hoàn. Bố trí 12 tiểu đoàn chính quy và 7 đại đội bộ binh có máy bay, xe tăng và pháo binh yểm trợ, “... kế hoạch của Na-va làm cho Điện Biên Phủ trở thành một cái “máy nghiền” quân đoàn tác chiến của Việt Minh”(8).

Trước kẻ thù mạnh như vậy, Việt Nam đã quyết tâm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược bằng tất cả sức mạnh mà dân tộc Việt Nam có được. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chúng ta đã giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết và chủ yếu là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đã có hàng nghìn năm văn hiến, trong đó thời gian dành cho cuộc chiến đấu liên miên để giữ nền độc lập dân tộc dài hơn những năm tháng xây dựng hòa bình. Đó là sự kế thừa và nối tiếp những chiến thắng vang dội trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, như chiến thắng Bạch Đằng (938) của Ngô Quyền, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang (1427) của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, rồi chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Quang Trung (1789). Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “... sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh thắng gần nửa triệu quân xâm lược nhà nghề của một tên đế quốc hùng mạnh.

Đó là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh thần kỳ mà chiến công tiêu biểu của nó - trận Điện Biên Phủ vĩ đại - đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(9).

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức lớn nhất, toàn diện nhất, quyết liệt nhất từ khi chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Khó khăn lớn nhất đồng thời cũng là thắng lợi đầu tiên, bất ngờ nhất đó là hậu cần. Một quân đội xuất phát điểm từ “gậy tầm vông, giáo mác” chống lại một đội quân nhà nghề có đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, lại được Mỹ giúp sức nên khó khăn lại càng gấp bội. Xa hậu phương tới hơn 500km, phương tiện kém, đường sá xấu lại bị kẻ địch thường xuyên bắn phá, thời tiết không thuận lợi là những khó khăn lớn nhất, đầu tiên trong việc bảo đảm để bộ đội có đủ cơm ăn, đạn bắn. Sức mạnh tổng hợp đã được huy động. Cả nước dồn sức vào trận đọ sức. Một số lượng khổng lồ sức người, sức của cả nước đã dồn cho chiến dịch: 261.453 dân công với trên 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và 500 ngựa thồ đã được huy động. Liên khu Việt Bắc đóng góp 5.229 tấn gạo, 454 tấn thịt, 226 tấn thực phẩm khác, 36.519 nhân công, 8.065 xe đạp thồ; Liên khu III: 1.712 xe đạp thồ; Liên khu IV: 9.052 tấn gạo, 640 tấn thực phẩm khác, 186.714 dân công, 11.214 xe đạp thồ; khu Tây Bắc: 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt, 31.819 dân công; 11.800 mảng nứa và 500 ngựa thồ; lưu vực Nậm Hu, Thượng Lào: 2.000 tấn gạo(10). Và như vậy, chúng ta đã thực hiện thắng lợi quyết định của Bộ Chính trị: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(11).

Hậu cần đáp ứng được chiến dịch cho một quân đội đã được rèn luyện thử thách, nhưng phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là một nhân tố quan trọng quyết định sự thắng lợi của chiến dịch.

Theo báo cáo ban đầu, xét so sánh địch - ta thì phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” có thể thu được thắng lợi nhưng thực tế trên chiến trường cho thấy phương châm đánh nhanh không chắc thắng, vì vậy, phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là phương châm nhất định thắng theo Chỉ thị của Trung ương. Đây là một quyết định khó khăn nhưng mang đậm tính độc lập, tự chủ, kế tục truyền thống “biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng” của ông cha ta. Trong chiến dịch này có sự giúp đỡ về vật chất, về chính trị, ngoại giao và tham mưu, huấn luyện quân sự của Trung Quốc và Liên Xô, nhưng yếu tố quyết định thắng lợi trước hết là nhờ tinh thần độc lập, tự chủ và lựa chọn cách đánh của Việt Nam, đặc biệt là tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(12). Thất bại trong ở Điện Biên Phủ là thất bại chiến lược của đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời báo hiệu sự kết thúc của đế quốc Pháp trên phạm vi thế giới. Nhà sử học Giuyn Roa cho rằng: “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”(13). Với quân đội và nhân dân Việt Nam, đây là một thắng lợi lịch sử, “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta tiến một bước vượt bậc về chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử kháng chiến từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta”(14). “Thắng lợi này cũng chứng tỏ sức cố gắng phi thường của nhân dân ta và Đảng ta về phục vụ tiền tuyến. Nó cũng chứng tỏ tổ chức phục vụ tiền tuyến của ta đã tiến bộ nhiều để đáp ứng với cuộc chiến tranh quy mô lớn và đang bắt đầu hiện đại hóa”(15). “Chiến thắng ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường toàn quốc năm nay chứng tỏ không những bộ đội chủ lực của ta tiến bộ lớn, mà bộ đội địa phương, dân quân du kích trên các chiến trường cũng tiến bộ nhiều. Từ trước đến nay chưa lúc nào, quân ta phối hợp tác chiến rộng khắp và liên tục và thu nhiều thắng lợi như hiện nay...”(16).

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi là chiến công chói ngời, một mốc son mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là bài học lịch sử không bao giờ quên của các thế lực xâm lăng./.

-----------------------------------

(1) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H, 1970, tr. 45-46

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 1, tr. 435-436

(3) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2008, tr. 464

(4),(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 4, 480

(6) Trường Chinh: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Nxb. Sự thật, H, 1947, tr. 7-8

(7) George C. Hering: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr. 34

(8) Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1994, tr. 31

(9) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H, 1970, tr. 50

(10) Xem: Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban Khoa học hậu cần, Tổng cục Hậu cần xuất bản, 1979, tr. 554

(11) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 15, tr. 88

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 261

(13) Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 579

(14), (15), (16) Văn kiện Đảng: Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 100