Nghệ thuật sử dụng và tổ chức lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Tổ chức và sử dụng lực lượng là nội dung cơ bản của cách đánh. Tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp với cách đánh đã xác định là yếu tố quan trọng đem đến thắng lợi cho chiến dịch. Sử dụng lực lượng hợp lý sẽ biến nhỏ thành lớn, biến yếu thành mạnh, phát huy cao khả năng, sở trường của từng thành phần lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho trận quyết chiến chiến lược. Nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng được vận dụng sáng tạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bồi đắp và làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Từ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954
Trước những diễn biến sâu sắc của cuộc kháng chiến ngày càng có lợi cho ta, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”(1).
Trên mặt trận chính diện, ta sử dụng bộ đội chủ lực mở đòn tiến công chiến lược ở chiến trường Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng ở Lai Châu, giải phóng khu Tây Bắc; phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở đòn tiến công ở Thượng Lào giải phóng tỉnh Phông-xa-lỳ; cùng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Lào, Cam-pu-chia tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn, đánh thông đường chiến lược Bắc-Nam Đông Dương, đồng thời mở đòn tiến công chiến lược lên chiến trường Tây Nguyên.
Ở mặt trận sau lưng địch, ta sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh đấu tranh, phá kế hoạch bình định của địch, thu hẹp vùng bị tạm chiếm, mở rộng vùng tự do, phối hợp chặt chẽ với các đòn tiến công chiến lược của quân chủ lực trên mặt trận chính diện để tiêu diệt địch.
Căn cứ vào phương án tác chiến đã xác định, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Ngay lập tức, Tướng Na-va - tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương, quyết định mở cuộc hành quân Cát-xtơ đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất với quyết tâm “nghiền nát quân chủ lực Việt Minh tại thung lũng Mường Thanh”.
Trên cơ sở nhận định âm mưu, thủ đoạn mới của địch, ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến do Tổng Quân ủy đề xuất. Về sử dụng lực lượng, ta tập trung đại bộ phận các đơn vị chủ lực gồm: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Trung đoàn 57, Đại đoàn công pháo 351, Trung đoàn pháo cao xạ 367 và các đơn vị thông tin, vận tải, quân y,... Tổng quân số chủ lực của ta khoảng hơn 40.000 người. Ta còn huy động trên 5 vạn thanh niên xung phong, hơn 4.000 dân công và hàng trăm phương tiện như xe đạp thồ, ô tô vận tải các loại.
Trung tuần tháng 01-1954, lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch đã hành quân đến vị trí tập kết: Đại đoàn 308 ở phía Bắc và Tây Bắc; Đại đoàn 312 ở phía Đông Bắc; các trung đoàn 98, 174 (Đại đoàn 316) ở phía Đông; Trung đoàn 57 ở phía Tây Nam; Đại đoàn 351, Trung đoàn 367 ở phía Bắc, hình thành thế bao vây chặt quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên hầu hết các đơn vị chủ lực ta được huy động với số lượng lớn (5/7 đại đoàn) và cũng là lần đầu tiên các đơn vị hỏa lực mạnh (3 trung đoàn) tham gia chiến dịch. Đặc biệt, lần này có thêm lực lượng pháo binh và pháo cao xạ.
Về phía địch, ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 mm, 2 tiểu đoàn súng cối 120 mm, 1 đại đội trọng pháo 155 mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải và 1 phi đội máy bay với tổng số 11.800 tên. So sánh tương quan lực lượng, ta hơn địch về số đầu đơn vị và quân tập trung; về bộ binh ta gấp 1,7 lần; về pháo binh ta nhiều hơn 1,8 lần. Song nhìn tổng thể về vũ khí trang bị thì đối phương có ưu thế hơn ta, nhất là về đạn pháo, máy bay và xe tăng. Mặt khác, chúng được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều trung tâm đề kháng.
…đến chiến thuật “đặc sắc” của Chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau một thời gian chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đầu tháng 3-1954, các đơn vị ở mặt trận Điện Biên Phủ đã sẵn sàng nổ súng tiến công địch trên các hướng. Để bảo đảm chắc thắng trong từng đợt, từng trận đánh ta tập trung ưu thế tuyệt đối về lực lượng. Theo đó, ta đã chia trận đánh thành 03 đợt tấn công với các trọng điểm nhằm chia nhỏ lực lượng của địch, đánh chiếm từng cứ điểm.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua 03 đợt tiến công quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại cho quân và dân ta nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là hiện thực hóa tư tưởng chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của chiến tranh nhân dân Việt Nam, “đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”(2).
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng. Chúng ta đã nắm vững những mâu thuẫn và quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược giữa phân tán binh lực và chiếm giữ đất đai. Do đó, ta tổ chức lực lượng mở năm đòn tiến công chiến lược trên các hướng để phân tán lực lượng địch, làm cho địch phải căng kéo ra để chống đỡ. “Quá trình tiến hành chiến tranh của quân đội viễn chinh Pháp là cả một quá trình phân tán binh lực” (3).
Khi chiến dịch diễn ra, ta tập trung lực lượng tối ưu trên các mũi, các hướng ngay từ đầu và trong từng trận đánh, lần lượt tiến công, đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm theo kiểu “bóc vỏ”, từng bước thắt chặt vòng vây các trung tâm đề kháng vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu bên trong của địch, tiến tới đánh thẳng vào khu trọng yếu nhất thuộc tung thâm phòng ngự của địch, tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi cho chiến dịch.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự tổ chức, sử dụng và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng bộ binh, pháo binh và phòng không, giữa lực lượng tiến công tiêu diệt từng cứ điểm với lực lượng đánh địch phản kích bảo vệ mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trận địa tiến công bao vây; giữa các trận đánh tiêu diệt lớn với tiêu hao rộng rãi của các đơn vị đánh lấn, bắn tỉa, luồn sâu đánh hiểm trong tung thâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm.
Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc, nhưng bài học về tổ chức và sử dụng lực lượng vẫn đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần nghiên cứu trao đổi, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
---------------------------------
(1) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 12
(2) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 20
(3) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 20
Vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Lào chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Lào chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên  (04/05/2014)
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên  (04/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển