Thủy sản Việt Nam: Hội nhập và Phát triển

NĐ tổng hợp
21:56, ngày 30-03-2014
TCCSĐT - Bên cạnh vai trò là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, Thủy sản còn góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Các hoạt động trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2014 với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - Hội nhập và Phát triển”, đang diễn ra sôi nổi tại Phú Yên.

Lễ Khai mạc Festival Thủy sản Việt Nam 2014

Lễ khai mạc Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 và kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4), tổ chức tối 29-3, tại Quảng trường 1-4, thành phố Tuy Hòa.

 
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai mạc Festival.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Festival Thủy sản năm 2014 không chỉ tôn vinh nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề đánh bắt xa bờ, mà còn giới thiệu những nét đặc sắc và các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của miền biển Việt Nam, tạo cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác.

Việc đăng cai tổ chức Festival Thủy sản là cơ hội để Phú Yên có thêm nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, phát huy các giá trị văn hóa và du lịch vùng biển, đảo còn nhiều tiềm năng.

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật phản ánh đậm nét đời sống, sản xuất của ngư dân vùng biển được các đoàn nghệ thuật trong khu vực miền Trung biểu diễn, thể hiện rất hấp dẫn.

Festival Thủy sản Việt Nam 2014, diễn ra từ ngày 27-3 đến 2-4 tới, tại thành phố Tuy Hòa và các địa phương ven biển của tỉnh Phú Yên với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - Hội nhập và Phát triển.”

Festival được tổ chức với 18 sự kiện lớn như sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản; Diễn đàn nông nghiệp, quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung; thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi thủy sản.

 
 Múa hát mở đầu chương trình nghệ thuật Biển gọi khai mạc Festival thủy sản Việt Nam 2014 - Ảnh: Kim Thủy

Hội thảo xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải miền Trung; Diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị;” Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý;” Lễ hội cầu ngư... cũng được tổ chức trong dịp này.

Kết hợp khai thác thủy sản với giữ chủ quyền biển đảo

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Thủy sản Việt Nam 2014, ngày 29-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng duyên hải Miền Trung."

Vùng duyên hải Miền trung bao gồm 9 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên - Huế đến tỉnh Bình Thuận) có đường bờ biển chiếm 43,8% của cả nước. Vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Tính đến hết năm 2012, toàn vùng có 46.201 tàu thuyền khai thác thủy sản với hơn 200.000 lao động tham gia đánh bắt. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 33.778ha, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 180.333 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng đạt hơn 27.337 tỷ đồng.

Để góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản của vùng duyên hải miền Trung, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra 7 nhóm giải pháp.

Đầu tiên, cần tổ chức quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh việc liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nghề cá.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành thủy sản, trong đó xác định trường Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm Huế và Viện nuôi trồng thủy sản III là cơ sở đào tạo chủ yếu; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng và chế biến.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về hoàn thiện các chính sách về giao, cho thuê mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro và khai thác trên các vùng biển xa.

Từ thực tiễn, nhiều nhà khoa học còn kiến nghị Chính phủ cần phải có chính sách gắn kết giữa phát triển du lịch đẳng cấp cao với phát triển thủy sản để nâng cao giá trị. Đồng thời phải kết hợp giữa khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững

Ngày 30-3, cũng tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy sản và triển khai đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 chuyên đề về 3 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản (2010-2013); công bố Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các đại biểu đã thống nhất để phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ nay đến năm 2020 cần thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm gồm nâng cao giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm chủ lực gồm cá ngừ đại dương, tôm nuôi công nghiệp và cá tra hiện chiếm 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản; đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản, trong đó các sản phẩm cần được ưu tiên đầu tư như rong biển, nhuyễn thể hai vỏ, tôm hùm, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh.

Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về chuyển đổi khai thác hải sản từ gần bờ ra xa bờ, bảo hiểm rủi ro trong sản xuất thủy sản, giao quyền sử dụng mặt nước ven biển, mặt nước nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng ngư, nông dân quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường.

Việc tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tàu thuyền và các trung tâm nghề cá khu vực theo quy hoạch cũng hết sức cần thiết.

Các đại biểu cho rằng cần quy hoạch lại các khu bảo tồn biển, quy hoạch khai thác hải sản và các vùng nuôi công nghiệp tập trung các đối tượng chủ lực; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm đối với các sản phẩm chủ lực với mục tiêu đến năm 2020 ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển toàn diện theo hướng bền vững.

Theo Tổng cục Thủy sản, qua 3 năm (2010-2013) thực hiện chiến lược phát triển thủy sản, đã có 8 trong số 13 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2015, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng như giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 4,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,21%/năm.

Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 5,9 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu năm đạt 6,7 tỷ USD. Ngành Thủy sản đã tạo sinh kế và giải quyết việc làm cho 4 triệu lao động, góp phần bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản Việt Nam chưa phát triển bền vững, tỷ trọng giá trị gia tăng còn thấp, hiệu khai thác hải sản chưa cao; chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia; thu nhập của lao động nghèo còn thấp nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới./.