Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc
TCCSĐT - Hàn Quốc là nước có nền giáo dục phát triển cao, và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên “Kỳ tích Sông Hàn”, khiến cho cả thế giới khâm phục. Song hiện nay, Hàn Quốc vẫn đang phải tiếp tục thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ sáu. Vì sao như vậy và mục tiêu của cuộc cải cách lần này là gì?
1. Giáo dục là quốc sách hàng đầu và cải cách giáo dục là nhiệm vụ thường xuyên của Hàn Quốc
Từ lâu, Hàn Quốc đã có truyền thống đề cao vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục, coi đây là một phương tiện để hoàn thiện con người và là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Ngay sau khi Nhà nước Đại Hàn dân quốc được thành lập (năm 1948), Chính phủ bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại, và từ đó và đến nay, đã tiến hành 7 lần cải cách giáo dục, vào các năm: 1955-1962 (lần thứ nhất); 1963-1972 (lần thứ hai); 1973-1980 (lần thứ ba); 1981-1986 (lần thứ tư); 1987-1996 (lần thứ năm); và lần thứ sáu được triển khai chính thức từ ngày 30-12-1997 và vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới. Chính trình độ học vấn cao của người Hàn Quốc là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và đưa đất nước này nhanh chóng trở thành một trong những con rồng trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) của Đông Á từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực là cơ quan của Chính phủ Hàn Quốc, được tái cơ cấu lại từ Bộ Giáo dục vào năm 2001, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược cải cách giáo dục và thực thi các chính sách giáo dục. Chính phủ hướng dẫn các vấn đề thuộc chính sách cơ bản cũng như cung cấp tài chính cho giáo dục. Kinh phí dành cho phát triển giáo dục được tập trung hoá, và tài trợ của Chính phủ chiếm phần lớn trong ngân sách hoạt động của các trường học. Phần còn lại là do các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và tư nhân trang trải.
2. Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc
Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc hiện nay cũng giống như Nhật Bản, được xây dựng theo mô hình kiểu Mỹ và phương Tây, đó là mô hình 6-3-3-3-4, gồm 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm cao đẳng hoặc đại học. Ngoài ra còn có các chương trình đào tạo sau đại học - thạc sĩ và tiến sĩ. Ở Hàn Quốc cũng có các trường trung cấp và dạy nghề với thời gian đào tạo từ 2 đến 3 năm.
Hệ thống giáo dục trên đây đã và đang được tiến hành hoạt động theo các cách thức khác nhau: giáo dục phổ biến, chính quy và giáo dục đặc biệt, không chính quy.
Giáo dục phổ biến, chính quy
Ở Hàn Quốc, giáo dục phổ biến, chính quy là hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến hết trung học (tương đương lớp 12 của Việt Nam).
Để nâng cao dân trí, Hàn Quốc đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc thực hiện giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học đã được phổ cập với tỷ lệ trẻ em đi học 100%. Từ năm 2002, Hàn Quốc bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Ở Hàn Quốc có hai loại trường trung học: trung học phổ thông và trung học dạy nghề. Học sinh xin học ở các trường trung học dạy nghề (gồm các ngành học về nông nghiệp, cơ khí, kinh doanh và hàng hải) được lựa chọn trường học và phải qua các kỳ thi do từng trường tổ chức. Có từ 40 đến 60% chương trình giảng dạy tại các trường dạy nghề dành cho các môn học chung và phần còn lại là các môn học nghề. Năm học 2006-2007, cả nước có gần 800 trường dạy nghề với tổng số gần 600 nghìn học sinh. Trong số các trường trung học phổ thông, có một số trường chuyên về các lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục thể chất, khoa học và ngoài ngữ. Mục tiêu của những trường này là cung cấp một chương trình giáo dục thích hợp cho các học sinh có khả năng đặc biệt trong những lĩnh vực nhất định.
Các khoá học tại các trường trung học phổ thông có xu hướng xoay quanh việc chuẩn bị cho việc học tại các trường đại học. Năm học 2006-2007, Hàn Quốc có hơn 1.300 trường trung học phổ thông với khoảng 1,3 triệu học sinh.
Đối với các chương trình học cho sinh viên các trường cao đẳng và đại học, phổ biến vẫn là chương trình học 4 năm (riêng các trường đại học y và nha khoa là 6 năm). Với trường sư phạm cũng đào tạo theo hệ 4 năm. Riêng với các trường đào tạo nghề, các trường đại học hàm thụ, đại học mở và một số trường đại học chuyên biệt khác, tuỳ theo nhu cầu xã hội mà có thể đào tạo từ 2 đến 4 năm (như các trường đào tạo y tá, các trường thần học…). Năm học 2006-2007, tại Hàn Quốc có gần 400 cơ sở giảng dạy đại học với khoảng 3,5 triệu sinh viên và gần 60 nghìn giảng viên. Tổng số học viên cao học và nghiên cứu sinh (trở thành thạc sĩ và tiến sĩ) lên tới gần 300 nghìn người, trong đó có hơn 132 nghìn là nữ.
Các trường cao đẳng và đại học ở Hàn Quốc hoạt động theo cơ chế tuyển sinh chặt chẽ. Việc tuyển chọn được quyết định dựa trên thành tích học tập của học sinh tại trường trung học và kết quả mà họ đạt được tại các cuộc thi theo tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, từ năm 1996, một số trường cao đẳng và đại học còn yêu cầu thí sinh dự tuyển làm thêm bài thi viết luận theo quy định riêng của trường.
Giáo dục đặc biệt và giáo dục không chính quy
Do ngày càng nhận thức rõ hơn về nhu cầu và quyền bình đẳng được giáo dục, học tập của những người khuyết tật nên Hàn Quốc đã có những trường học đặc biệt dành cho những người này, và số lượng loại trường này tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến năm học 2005-2006, Hàn Quốc đã có khoảng 150 trường dành cho người khuyết tật, với tổng số hơn 24 nghìn học sinh thuộc các diện như khiếm thị, khiếm thính, hoặc bị các khuyết tật khác ở cơ thể và các học sinh chậm phát triển về trí tuệ.
Ngoài những trường học đặc biệt này, một số trường phổ thông cũng nhận dạy các học sinh khuyết tật bằng cách tổ chức các lớp học đặc biệt trong trường. Để nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục đặc biệt này, ngay từ năm 1994, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Viện Giáo dục Đặc biệt quốc gia. Viện này chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt và đào tạo các giáo viên chuyên biệt cho những trường thuộc dạng này.
Trường Đại học Mở quốc gia Hàn Quốc ngoài chức năng đào tạo theo hệ thống chính quy, phổ biến, còn được coi là một cơ sở tham gia cả đào tạo không chính quy với các khoá học 4 năm về quản trị kinh doanh, nông nghiệp, sư phạm, quản trị công, kinh tế gia đình, chuyên dành cho các đối tượng là thanh niên và người lớn tuổi đang làm việc sau khi đã tốt nghiệp trung học. Đồng thời, cũng có các chương trình đại học hàm thụ và đào tạo từ xa. Hằng ngày, các bài giảng được phát 30 phút qua 14 chương trình trên kênh truyền hình EBS, và 18 giờ trên mạng riêng của Trường Đại học Mở quốc gia, một kênh truyền hình cáp và vệ tinh. Những người đã học xong các môn học theo quy định sẽ được nhận bằng tốt nghiệp tương đương bằng tốt nghiệp cao đẳng và đại học chính quy.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục không chính quy còn bao gồm các khoá đào tạo khác nhau do các cơ quan chính phủ và các tổ chức tư nhân tổ chức.
3. Vì sao có cuộc cải cách giáo dục lần thứ sáu ở Hàn Quốc?
Do luôn đề cao “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và thường xuyên chú ý cải cách giáo dục nên trong suốt hơn 5 thập niên qua, tính từ cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1955-1962), nền giáo dục Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu khả quan và do đó, đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hàn Quốc, cho sự “hoá rồng” của quốc gia này.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, nền giáo dục Hàn Quốc đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Có thể kể ra một số vấn đề nổi cộm sau:
- Đó là những hạn chế trong chính sách điều tiết của Chính phủ đối với lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, những quy định chặt chẽ của Chính phủ đối với một số hoạt động giáo dục mang tính độc đoán và cứng nhắc đã làm hạn chế quyền tự quyết và tính sáng tạo của các nhà quản lý giáo dục ở tất cả các cấp giáo dục.
- Cơ chế thi tuyển nặng về lý thuyết vào đại học và cao đẳng được vận hành trong suốt nhiều năm trước đây đã khuyến khích học sinh học thuộc lòng theo kiểu “học vẹt”, làm thui chột khả năng tư duy và hoạt động sáng tạo của họ không chỉ trên ghế nhà trường mà còn cả sau khi tốt nghiệp.
- Sự giảm sút về đạo đức, nhân cách của học sinh và vị thế người thày trong hệ thống giáo dục cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Đó là sự ít quan tâm đến bố mẹ, người thân, kể cả cộng đồng của nhiều học sinh. Bởi vì, họ phải tập trung quá nhiều vào học tập - học nhồi nhét ở trên lớp, thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất… Nguyên nhân chính là do số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường, nhất là các trường có uy tín, kể cả từ cấp phổ thông cho đến đại học đều có hạn, trong khi số lượng học sinh tham gia dự tuyển lại rất đông, khiến cho để giành được “chiến thắng”, các học sinh đã phải lao vào học thêm, còn các thầy giáo cũng phải lao vào dạy thêm.
- Cũng phải kể đến các yếu tố khách quan bên ngoài đã tác động mạnh đến cuộc cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, đó là xu thế toàn cầu hoá cùng với nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, nét đặc trưng nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ tin học. Nhận thức được sự tác động của các yếu tố này, ngay từ đầu những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Uỷ ban Cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống, với nhiệm vụ chính là giúp Tổng thống soạn thảo chương trình cải cách giáo dục quốc gia sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển đặt ra từ các yếu tố khách quan đó.
4. Mục tiêu của cải cách giáo dục hiện nay ở Hàn Quốc
Mục tiêu chính của cải cách giáo dục ở Hàn Quốc hiện nay là nhằm xây dựng một nền giáo dục mở, tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời để họ có thể trở thành những con người mới có đủ tri thức, năng lực đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội thông tin và toàn cầu hoá.
Để đạt được mục tiêu trên, phương hướng của cải cách giáo dục được xác định là: 1. Chuyển từ nền giáo dục lấy trung tâm là thày sang nền giáo dục mới lấy trung tâm là trò; 2. Chuyển từ từ giáo dục đồng bộ sang giáo dục đa dạng hoá, đặc trưng hoá; 3. Chuyển từ quản lý giáo dục trên cơ sở quy chế và mệnh lệnh sang quản lý giáo dục trên nền tảng tự giác và trách nhiệm; 4. Chuyển từ giáo dục bắt buộc sang giáo dục tự do, bình đẳng và cân đối; 5. Chuyển từ giáo dục truyền thống với bảng đen, phấn trắng sang giáo dục mở thông qua mạng thông tin - số hoá; 6. Hướng tới xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, đạt ngang trình độ giáo dục của các nước phát triển cao trong một thời gian ngắn nhất.
Theo phương hướng trên, hiện nay Hàn Quốc vẫn đang trên đường tiến hành cải cách cả về hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục, hệ thống quản lý giáo dục, đồng thời sửa đổi các điều luật liên quan đến giáo dục cũng như thay đổi cả ý thức và quan niệm về giáo dục trong toàn thể nhân dân. Hoạt động cải cách giáo dục được thực hiện sâu rộng, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân. Cải cách giáo dục không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực mà là của cả bộ máy chính phủ, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi gia đình, mỗi công dân. Có thể nói, cuộc cải cách giáo dục lần này của Hàn Quốc là cuộc cải cách toàn diện, năng động, có quy mô lớn và được xã hội hoá cao nhất so với tất cả các cuộc cải cách giáo dục trước đây, vì thế nó vẫn còn phải giải quyết không ít vấn đề đang đặt ra, trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thăm chính thức Hàn Quốc  (28/05/2009)
Tổng giá trị vốn ODA 5 tháng đầu năm 2009 đạt 1.467,47 triệu USD  (27/05/2009)
Thông cáo số 7 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (27/05/2009)
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo lần thứ 6  (27/05/2009)
Đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô: Nói dễ, làm khó  (27/05/2009)
Về vấn đề giám sát trong Đảng  (27/05/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên