TCCSĐT - Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thái tử kế vị Na Uy Haakon và Công nương Mette-Marit đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20-3-2014.

Sáng 19-3, tại Phủ Chủ tịch, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chủ trì Lễ đón chính thức Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette Marit thăm Việt Nam. Sau Lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Phó Chủ tịch nước nhiệt liệt chào mừng Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette Marit lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Chuyến thăm đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Na Uy năm 2004 và 200 năm Quốc khánh Na Uy (1814 - 2014).

Phó Chủ tịch nước đã chuyển lời hỏi thăm tới Nhà Vua và Hoàng hậu Na Uy, khẳng định, trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở Bắc Âu, trong đó có Na Uy.

Thái tử kế vị và Công nương Na Uy bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách, bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, khẳng định Hoàng gia và Chính phủ Na Uy luôn quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm qua, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo và văn hóa; nhất trí duy trì trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM.

Trên cương vị Đại sứ thúc đẩy thương mại - đầu tư của Na Uy ở nước ngoài, Thái tử kế vị Haakon khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Na Uy với Việt Nam. Sự hiện diện của hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy cùng nhiều hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư của Na Uy trong chuyến thăm lần này thể hiện quyết tâm của Na Uy trong việc mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Na Uy tăng cường sự hiện diện và đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng hải, đóng tàu, thủy điện, năng lượng tái tạo, dầu khí, nuôi trồng thủy sản...

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong năm 2014, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảm ơn Na Uy đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trên cơ sở hợp tác hiệu quả giữa hai nước, phía Na Uy khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, giáo dục - đào tạo...

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thái tử kế vị Na Uy Haakon Magnus và Công nương Mette Marit.

Nhiệt liệt chào mừng Thái tử Haakon Magnus và Công nương Mette Marit sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả chuyến thăm của Thái tử sẽ đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực đồng thời bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Na Uy thời gian qua.

Thủ tướng cho biết, là một quốc gia chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, song với sự nỗ lực bằng nội lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân...

Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, Việt Nam vẫn là đất nước còn khó khăn, thêm vào đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mục tiêu của Việt Nam đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đồng thời cải thiện ngày càng tốt hơn đời sống người dân, cùng với đó, đặc biệt quan tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, bên cạnh sức mạnh nội lực, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Cảm ơn Na Uy đã ủng hộ thiết thực ODA cho Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Na Uy tiếp tục ủng hộ Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; Việt Nam cam kết sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của bạn bè quốc tế cho thực hiện các mục tiêu phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục, văn hóa; mong muốn Na Uy tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Na Uy có cuộc sống ổn định, đề nghị hai bên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế đặc biệt là ở Liên hợp quốc.

Bày tỏ vui mừng được sự đón tiếp trọng thị của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thái tử Haakon Magnus cho rằng, hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đạt được những kết quả hợp tác tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước.

Nhấn mạnh việc các doanh nghiệp của Na Uy hết sức quan tâm tìm kiếm các cơ hội làm ăn ở Việt Nam, Thái tử Haakon Magnus khẳng định sẽ có những đóng góp tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường các hoạt động hợp tác, đầu tư.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thái tử kế vị Na Uy sẽ yết kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chủ trì bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Na Uy về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), thăm một số dự án do Na Uy tài trợ, các cơ sở kinh tế, văn hóa tại Huế và Thành phố Hồ Chí Minh./.